Bình Định:
Phát triển du lịch phải xây dựng “nhân hiệu” vị lãnh đạo
(Dân trí) - “Muốn phát triển du lịch, các vị lãnh đạo phải mở tâm rộng, tâm phải nhìn xa trông rộng; phải rời ngay bàn giấy đi tham dự các hội thảo quốc tế; phải giao tiếp với doanh nghiệp tiềm năng trong và ngoài nước”, Chủ tịch hiệp hội Du lịch Việt Nam hiến kế.
Chiều 3/4, tại TP Quy Nhơn, UBND tỉnh Bình Định và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phối hợp tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch tỉnh Bình Định năm 2016. Dự Hội nghị có đại diện Tổng cục Du lịch Việt Nam, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hơn 200 doanh nghiệp đầu tư trong, ngoài nước.
Tại hội nghị rất nhiều tham luận, ý kiến đã phân tích và đưa ra giải pháp xây dựng “thương hiệu” du lịch Bình Định, xứng đáng là địa bàn trọng điểm phát triển du lịch khu vực miền Trung. Trong đó, huy động mọi nguồn lực, nguồn vốn đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển du lịch chất lượng, đẳng cấp quốc tế. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng giữa Bình Định với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Theo Tổng cục du lịch, năm 2015 tỉnh Bình Định đón hơn 2,6 triệu lượt khách, tăng 25% so với năm 2014 (trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 206 nghìn lượt khách, tăng 20% so với năm 2014; khách du lịch nội địa đạt gần 2,4 triệu lượt, tăng 25%); doanh thu thuần túy từ du lịch đạt gần 1.037, 5 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2014.
Mục tiêu chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, quy hoạch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn 2030 định hướng phát triển du lịch Bình Định thành một trong những địa bàn trọng điểm du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Trong đó, muc tiêu cụ thể đến năm 2020, Bình Định đón khoảng 5,5 triệu lượt khách, trong đó có 800 nghìn lượt khách quốc tế; năm 2030 đón 12 triệu lượt khách, trong đó có 1,5 triệu lượt khách quốc tế; tổng thu từ du lịch năm 2020 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng/năm; năm 2030 đạt 33.000 tỷ đồng/năm.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh- Phó chủ tịch UBND Bình Định, ngoài những kết quả đạt được thì ngành du lịch Bình Định còn gặp những khó khăn, tồn tại trong việc xúc tiến đầu tư phát triển du lịch (năm 2014-2015), như: hạ tầng phục vụ cho du lịch còn yếu và thiếu, nhất là cầu tàu, cảng biển du lịch và nhà vệ sinh công cộng tại các điểm du lịch; một số dự án đầu tư đã cấp phép nhưng không triển khai hoặc chậm tiến độ; kinh phí hoạt động để tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch còn hạn chế; phần lớn các doanh nghiệp lữ hành tại Bình Định đều có quy mô vừa và nhỏ, do đó phạm vi hoạt động chưa rộng. Bên cạnh đó, chất lượng đội ngũ lao động chưa cao, không đồng đều, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển du lịch.
Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch hiệp hội du lịch Việt Nam, cho rằng: Khi xây dựng thương hiệu cho tỉnh Bình Định nói chung và du lịch Bình Định nói riêng, trước hết phải xây dựng nhân hiệu của các vị lãnh đạo. “Quý vị lãnh đạo phải mở tâm rộng, tâm phải nhìn xa trông rộng và có dũng khí quyết tâm thực hiện sự phát triển kinh tế cộng đồng. Lãnh đạo phải rời ngay bàn giấy đi tham dự các hội thảo quốc tế, phải giao tiếp với doanh nghiệp tiềm năng trong và ngoài nước. Chiếm lấy tình cảm của người tài, của doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư, giao lưu kinh tế thương mại”, ông Thọ nói.
Bên cạnh đó, TP Quy Nhơn (Bình Định) phải được xây dựng là điểm hấp dẫn có nhiều sự kiện; đẩy mạnh xây dựng hạ tầng du lịch khách sạn quốc tế; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng bài bản, đặc biệt phải đảm bảo sạch, an toàn không ô nhiễm.
Doãn Công