Phát triển du lịch bền vững: Câu chuyện nhìn từ Vũ điệu trên mây
(Dân trí) - Thành công của “Vũ điệu trên mây” – show nghệ thuật đang làm mưa làm gió tại Sa Pa, Lào Cai - khi gắn du lịch với văn hóa, biến văn hóa thành “đặc sản tinh thần” riêng có đã gợi mở một hướng đi mới cho ngành “công nghiệp không khói” vùng Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung.
Biến văn hóa bản địa thành đặc sản tinh thần
Rất nhiều du khách đến với Sa Pa những ngày này đã phải trầm trồ ngạc nhiên với mức độ công phu cũng như những nét văn hóa bản địa “ẩn tàng” trong Vũ điệu trên mây. Được tổ chức hàng ngày tại Sun World Fansipan Legend, Vũ điệu trên mây đưa người xem lạc vào hành trình khám phá Sa Pa theo một góc nhìn hết sức mới mẻ.
Ở phần đầu, không gian Tây Bắc được mở ra bằng âm thanh của gió, lá, của những tiếng thoi đưa và nhịp khung cửi rộn ràng. Khi chưa hết choáng ngợp, khán giả lại tiếp tục được đắm mình cùng câu chuyện tình đẹp như mơ giữa chàng Đỗ và nàng Quyên –loài hoa biểu tượng của Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ.
Ngay sau đó, một đám cưới người Dao Đỏ được tái hiện sống động như cái kết tròn đầy. Để rồi những lát cắt ấy được đóng lại bằng màn múa Vũ hội Mường Hoa với ngập tràn cảm xúc hạnh phúc, khi người dân vùng cao sống trong một không gian đẹp như thơ giữa núi rừng, thung lũng, và lại tiếp tục mở ra bằng màn Tâm linh hội tụ đầy liêu trai, thực mà mơ giữa mênh mang mây núi.
Giám đốc nghệ thuật kiêm đạo diễn Phạm Hoàng Nam chia sẻ, bản thân anh và cả ekip sáng tạo đã hết sức cố gắng để có thể chắt lọc ra những giá trị tinh túy và tiêu biểu nhất của Tây Bắc, để bất kỳ một dân tộc nào trong vùng nhìn vào show diễn cũng phải nhận ra mình trong đó. Chính vì vậy, khán giả thưởng thức Vũ điệu trên mây có thể dễ dàng cảm nhận được những nét Tây Bắc đậm đặc trong từng chi tiết nhỏ. Mỗi một lớp cảnh đều “ngồn ngộn” những tầng văn hóa bản địa đan cài với nhau một cách tinh tế.
Không chỉ chinh phục khán giả bằng văn hóa, nghệ thuật và âm nhạc tài tình kết hợp những giai điệu đặc trưng Tây Bắc với âm nhạc hiện đại, Vũ điệu trên mây còn khiến người xem mãn nhãn bởi sự cộng hưởng từ những bộ trang phục được tạo tác cầu kì, đưa văn hóa bản địa lên tầm nghệ thuật. Tận dụng tối đa chất liệu Tây Bắc, đạo diễn Phạm Hoàng Nam và hai biên đạo là NSND Kiều Lê cùng NSƯT Hồng Phong chỉ sử dụng ba loại đạo cụ xuyên suốt show diễn, đó là những tấm vải thổ cẩm dài tới 15m và những khung cửi, chiếc gùi quen thuộc. Trong khi đó, toàn bộ phục trang mặc dù được cách điệu nhưng vẫn giữ nguyên nét đặc trưng với những họa tiết được tỉ mỉ thêu trên nền vải sợi lanh nhuộm chàm và trên nền vải bông của đồng bào dân tộc Tây Bắc.
Thành công trong việc đan xen và kết nối các mảng màu văn hóa truyền thống bản địa, Vũ điệu trên mây đã thực sự trở thành một đặc sản văn hóa, một món ăn tinh thần thú vị cho cộng đồng.
Cần thêm nhiều hơn những Vũ điệu trên mây
Không phải tới khi Vũ điệu trên mây chính thức ra mắt, câu chuyện phát triển du lịch gắn liền với những yếu tố đặc sắc vốn có của địa phương mới được nhắc đến.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty Du lịch Tây Bắc, trong vòng khoảng 3 năm trở lại đây, du lịch văn hóa đã trở thành xu hướng phổ biến của nhiều địa phương.
“Khi chúng tôi đưa các đoàn lên Mường La (Sơn La), Bắc Hà, Sa Pa (Lào Cai), họ đều rất thích thú khi được hòa mình vào các lễ hội tại đây. Rõ ràng, du khách hiện nay không chỉ còn tự giới hạn mình ở nhu cầu thăm quan đơn thuần mà họ còn muốn được khám phá, thậm chí trải nghiệm văn hóa bản địa,” ông Tùng dẫn chứng.
Thực tế cũng đã chứng minh, các địa phương nếu phát huy được “nội hàm văn hóa” của riêng mình sẽ tạo nên một cú hích rất lớn cho ngành công nghiệp không khói. Giống như sẽ thật thiếu sót nếu như đến Huế mà chưa một lần nghe nhã nhạc cung đình trên sông Hương hay đến miền Tây lại “bỏ quên” đờn ca tài tử miệt vườn. Ở đây, giá trị văn hóa có ý nghĩa như một chỉ dấu không thể bỏ qua cho điểm đến.
Một tín hiệu đáng mừng là trong vài năm qua, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã từng bước tham gia vào sân chơi đặc thù. Tại Tây Bắc, Sun World Fansipan Legend đã tạo nên một không gian văn hóa, du lịch đậm chất bản địa và vô cùng cuốn hút, đưa du khách vào hành trình chinh phục nóc nhà Đông Dương thuận tiện, an toàn trên cáp treo Fansipan và trải nghiệm văn hóa vùng cao thông qua các lễ hội đặc sắc suốt bốn mùa.
Ngày xuân, Fansipan có Hội xuân mở cổng trời, Lễ hội khèn hoa Tây Bắc, sang hè có Lễ hội ẩm thực, thu sang có Giải đua Vó ngựa trên mây, Vũ điệu trên mây, rồi khi đông đến có Lễ hội mùa đông… Du khách thỏa sức đằm mình trong không gian Tây Bắc, tự tay nấu rượu thóc Séng Cù, rượu ngô Bản Phố, rượu thóc Nậm Cần, hòa nhịp nhảy sạp, đi cà kheo hay chung vui với đám cưới người Dao bản xứ… Ở đây, tinh hoa văn hóa truyền thống trở thành một thứ “đặc sản ngàn đời” níu chân du khách trên hành trình khám phá Sa Pa của mình, thu hút lượng du khách tăng trưởng không ngừng tới Sa Pa.
Kết hợp giữa du lịch khám phá, du lịch tâm linh với các lễ hội mang đậm màu sắc cổ truyền được nâng lên tầm cao mới là một sự kết hợp thú vị mà Sun World Fansipan Legend đã làm được. Xét trên góc độ kinh doanh, đây là một chiến lược thành công bởi không gian sôi động của các lễ hội luôn có sức hút mạnh mẽ. Trên góc độ phát triển chung, họ đã thực sự tạo ra được những sản phẩm văn hóa chất lượng, nhận được sự cộng hưởng tích cực khi gắn chặt với du lịch bền vững. Rõ ràng, “phát triển du lịch gắn với phát huy bản sắc văn hóa địa phương chắc chắn sẽ là một chiến lược không thể bỏ qua với toàn ngành du lịch” đúng như nhận xét của ông Nguyễn Văn Tùng – Giám đốc Công ty du lịch Tây Bắc. Và hơn hết, chúng ta cần nhiều hơn nữa những “Vũ điệu trên mây” để bức tranh du lịch Việt rực rỡ sắc màu và không ngừng hấp dẫn.