Phát “sốt” với hành trình 76 ngày đi bộ xuyên Việt của ông cụ 65 tuổi
(Dân trí) - Sinh năm 1953, năm nay đã 65 tuổi nhưng ông Trần Ngọc Công (Hà Nội) vẫn một mình thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt khám phá 29 tỉnh thành của cả nước.
Mới đây hành trình đi bộ xuyên Việt của “phượt thủ” 65 tuổi Trần Ngọc Công (SN 1953, Hà Nội) nhận được sự chú ý đặc biệt của dư luận. Dù tuổi đã cao nhưng ông Công vẫn một mình thực hiện chuyến đi bộ kéo dài 76 ngày khám phá 29 tỉnh thành từ Bắc vào Nam. Câu chuyện của người đàn ông này từng được xem như một hiện tượng trong cộng đồng “phượt thủ” bởi ý chí và nghị lực hiếm có.
Ông Công từng là bộ đội tên lửa và tốt nghiệp Đại học Sư Phạm chuyên ngành ngữ Văn nhưng cuối cùng lại rẽ hướng sang kinh doanh. Là người yêu thích du lịch, trải nghiệm nên người đàn ông này luôn mong muốn có cơ hội được khám phá những vùng đất mới. Một lần xem ti vi thấy một người đi bộ khắp đất nước Tây Ban Nha, trong đó mỗi ngày đi được 30km. Ông Công liền này ra ý định, thực hiện chuyến xuyên Việt từ Bắc vào Nam, vừa để thử thách bản thân vừa để thỏa mãn đam mê du lịch của mình.
Để chuẩn bị cho chuyến đi, ngay ngày hôm sau người đàn ông này thử nghiệm đi bộ vòng quanh Hồ Tây. Ngày đầu tiên, ông Công đi được 15km, ngày hôm sau 25km, cứ như thế sau 7 ngày luyện tập, “phượt thủ” này có thể đi được một vòng Hồ Tây với quãng đường dài 34km.
Khi cảm thấy sức khỏe đã ổn định, ông Công “vác” ba lô đi xe khách lên cửa khẩu Lạng Sơn để bắt đầu hành trình xuyên Việt của mình. Ngày đi bộ, tối về ông lại tìm nhà nghỉ để ngủ trọ, cứ như thế khi quay về đến Hà Nội đã là thời điểm sát Tết.
Trông thấy ông, vợ ông khóc hết nước mắt, nhất mực không cho chồng thực hiện tiếp hành trình của mình. “Phượt thủ” 65 tuổi kể: “Tôi bị gout mãn tính, tuổi đã cao nên nói đi bộ xuyên Việt bà ấy lo lắm, nằng nặc bắt tôi ở nhà bằng mọi giá. Cuối cùng tôi đành phải động viên ngược lại, tôi bảo: Tôi đi để rèn luyện sức khỏe chứ có phải đi vào chỗ nguy hiểm đâu mà bà khóc. Mãi rồi, ăn Tết xong bà ấy cũng nguôi và sắp xếp hành lý cho tôi lên đường”.
Mỗi ngày hành trình của ông Công bắt đầu từ 5h30 sáng và kết thúc vào khoảng 6h chiều với quãng đường trung bình đi bộ khoảng 36km. “Phượt thủ” này kể, giữa những ngày tháng 3, thời tiết giao mùa, thay đổi liên tục, vô cùng khắc nghiệt. Có những đoạn trời đang nắng gắt, bỗng đổ mưa rào rồi đêm xuống lại se se lạnh. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là căn bệnh gout của ông Công liên tục tái phát.
Trong 76 ngày đi bộ, không ngày nào chân ông không sưng phồng, đau nhức. Thậm chí, tại chặng đường ở Thanh Hóa, chân đau đến nỗi không thể di chuyển phải bò để tìm chỗ bán thức ăn thế nhưng “phượt thủ” này chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc giữa chừng. “Đau ở đâu thì tìm chỗ nghỉ ngơi, lấy thuốc xoa bóp, đỡ đau rồi lại xách ba lô lên và đi. Tôi quan niệm, đã nói là phải làm và không được thỏa hiệp dễ dàng trước khó khăn”, ông Công chia sẻ.
Chặng đường của ông Công di chuyển men theo quốc lộ 1, đến Long An thì chuyển sang ngả Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Tháng 4/2017 phượt thủ này đặt chân đến đất mũi Cà Mau và kết thúc hành trình xuyên Việt dài 2.336 km.
Trong suốt hành trình, ông Công cho biết, điều khiến ông nhớ nhất là tấm lòng tốt bụng, sự nhiệt tình của người dân ở mỗi vùng đất ông đi qua. “Có những đoạn thấy mình đi bộ vất vả nhiều người đi đường dừng xe ngỏ lời cho đi nhờ. Thậm chí ở đoạn Phú Yên, Khánh Hòa, có cô gái trẻ còn “dúi” tiền vào tay tôi bảo: “Con cho bác tiền đi xe đò, đi bộ trời nắng khổ quá”. Hay đến các tỉnh Nha Trang, Phan Rang, Cà Mau… cộng đồng dân phượt ở đó đón tiếp rất chu đáo, các bạn còn tổ chức sinh nhật cho tôi rất vui và cảm động. Đây có lẽ là những trải nghiệm đáng nhớ mà tôi không thể nào quên”, ông Công nói.
Phượt thủ 65 tuổi này cũng cho biết, điều đọng lại trong tâm trí ông ngoài sự nhiệt tình, tốt bụng của người dân còn là cảnh đẹp mê hồn của những vùng đất ông đặt chân đi qua. Đó là những con đèo, bãi biển hùng vĩ nhưng không kém phần thơ mộng ở Huế, Đà Nẵng, Nha Trang… Hay cảnh sông nước miền Tây nên thơ, hữu tình như một bức tranh khiến không ít lần “phượt thủ” này cảm thấy choáng ngợp.
Hành trình xuyên Việt của ông Trần Ngọc Công không chỉ là việc chinh phục đích đến cuối cùng mà quan trọng còn là sự chiến thắng chính bản thân mình. “Ban đầu khi tôi nói sẽ đi bộ khám phá đất nước, mọi người cho mình là bốc đồng. Nhiều người cũng ngăn cản bởi sợ tôi đi một mình, đường xa dễ xảy ra tai nạn, cướp giật. Tuy nhiên, tôi đã kết thúc chuyến đi một cách an toàn với những trải nghiệm rất tuyệt vời. Đây có lẽ chính là câu trả lời thuyết phục nhất tôi dành cho mọi người.”, phượt thủ 65 tuổi chia sẻ.
Ông Công cũng cho biết, sắp tới, ông còn ấp ủ thực hiện hành trình đạp xe khám phá 64 tỉnh thành của cả nước hoặc xuyên các Đông Dương.
Hà Trang