Phát hiện người phụ nữ trên đảo nói tiếng Anh nhưng không biết mình là ai
(Dân trí) - Trên hòn đảo du lịch của Croatia, cảnh sát phát hiện một người phụ nữ biết nói tiếng Anh nhưng không biết mình là ai và không có giấy tờ tùy thân.
Trên đảo Krk, một hòn đảo của Croatia nằm ở phía bắc của biển Adriatic, cảnh sát rất bối rối khi tìm thấy một người phụ nữ bị thương, có thể nói tiếng Anh nhưng không biết mình là ai.
Người phụ nữ "bí ẩn" được cho là khoảng 60 tuổi, được một ngư dân phát hiện khi đang ở trên những tảng đá lởm chởm tại đảo Krk, Croatia. Người phụ nữ bị thương ở mặt và nói với nhà chức trách rằng, cô ấy không biết làm thế nào cô ấy đến đó, The Sun đưa tin.
Người phụ nữ này không có hộ chiếu, giấy tờ tùy thân hay điện thoại và khi được tìm thấy, cô thậm chí không thể uống nước vì quá yếu. Người phụ nữ nói tiếng Anh rất tốt nhưng chính quyền vẫn chưa thể xác nhận quốc tịch của cô. Người này hiện đang ở bệnh viện để điều trị y tế.
Theo các cảnh sát mô tả, người phụ nữ cao chừng 1,6 m với mái tóc ngắn. Người phụ nữ được cho là đã sống sót sau vài đêm ở trong một khu vực mà gấu thường xuất hiện.
Một người dân sống gần đó nói với trang tin tức 24Sata rằng: "Thật kỳ lạ khi cô ấy được tìm thấy trong khu vực đó. Đó là một khu vực cực kỳ khó tiếp cận của vịnh với những tảng đá sắc nhọn khủng khiếp. Ở đó không có ai sống ngoại trừ lợn rừng hoặc gấu đến để tìm kiếm thức ăn. Một người phụ nữ ở độ tuổi đó chắc chắn không thể bơi được tới đây".
Đảo Krk là nơi sinh sống của 17.000 người và được kết nối với đất liền bằng cầu. Hòn đảo nằm cách thành phố Rijeka khoảng 30 km và khá nổi tiếng với khách du lịch.
Krk trong lịch sử từng là trung tâm văn hóa Croatia. Du khách tới đây có thể tham quan nhà thờ Thánh Lucy ở Jurandvor, nơi tìm thấy tấm bia Baska nổi tiếng; Tác phẩm sắp đặt nghệ thuật "Giọt nước" trên ngọn đồi phía trên Baska; Nhà thờ Krk được dành riêng để thờ Đức Mẹ Đồng trinh Maria; Cầu Krk nối đảo với đất liền kể từ ngày 19 tháng 7 năm 1980.
Thị trấn cổ kính này là một trong những thị trấn lâu đời nhất ở biển Adriatic. Nó đã liên tục có người sinh sống kể từ thời cổ đại bao gồm cả người Illyrian và sau đó là người La Mã. Thị trấn này từng được biết đến với ngôn ngữ độc đáo được gọi là Vegliotic (một trong hai nhánh chính của ngôn ngữ Dalmatian đã tuyệt chủng). Ngôn ngữ đó được sử dụng ở đây cho đến đầu thế kỷ 19.