Phạt doanh nghiệp nếu du khách bỏ trốn: Nên cân nhắc nhiều yếu tố!

(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang rất lo lắng trước những quy định mới trong nghị định 45/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8. Đặc biệt là quy định khi du khách bỏ trốn lại nước ngoài thì doanh nghiệp đưa khách đi sẽ bị phạt 80-90 triệu đồng và tước giấy phép hoạt động.

Theo Khoản c, điểm 13, điều 7 của Nghị định 45 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch, từ ngày 1/8/2019, các công ty kinh doanh du lịch để khách du lịch trốn ở lại nước ngoài hoặc trốn ở lại Việt Nam trái phép sẽ bị phạt 80-90 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, thu hồi thẻ hướng dẫn viên.

Tại buổi tọa đàm liên quan đến Nghị định 45/2019 do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam tổ chức vừa qua, nhiều công ty lữ hành cho rằng việc khách bỏ trốn có khi nằm ngoài ý muốn nhưng lại bị phạt nặng, thậm chí tước giấy phép là chưa thật sự thỏa đáng và hợp lý. 

Theo các đại biểu tham dự tọa đàm, khi khách có ý định trốn thì doanh nghiệp làm tour cũng không có cách nào để phòng ngừa, có trường hợp vừa đến sân bay thì khách trốn, bỏ luôn hộ chiếu và hành lý. 

Phạt doanh nghiệp nếu du khách bỏ trốn: Nên cân nhắc nhiều yếu tố! - 1
Khách du lịch đã muốn bỏ trốn thì doanh nghiệp hay hướng dẫn viên cũng “bó tay”

Trao đổi nhanh với PV Dân trí, một chuyên gia hoạt động lĩnh vực lữ hành cho biết: “Để chắc chắn 100% khách không bỏ trốn là điều không tưởng. Vì việc bỏ trốn chỉ xảy ra khi khách đã đặt chân đến quốc gia họ cần đến, hướng dẫn viên muốn ngăn họ cũng khó, vì có rất nhiều cách để họ bỏ trốn mà hướng dẫn viên, người đại diện doanh nghiệp làm trưởng đoàn quản lý, hỗ trợ du khách cũng bó tay, dù vẫn giữ hộ chiếu và hành lý”.

Đại diện một số công ty du lịch cho rằng rất khó phân biệt khách có chủ đích bỏ trốn theo con đường du lịch khi họ làm đủ thủ tục giấy tờ. Bởi nhiều khi các cá nhân, tổ chức làm hồ sơ giả rất chuyên nghiệp, qua mặt cả các cơ quan công an thì doanh nghiệp không thể phát hiện. Do vậy, nếu tước giấy phép hoạt động, công ty du lịch đó thiệt hại rất lớn, thậm chí phá sản và phải đóng cửa.

Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Liên Bang cho rằng không thể quy hết mọi trách nhiệm cho công ty du lịch khi khách bỏ trốn mà cần phải xem xét công bằng, không vì một số công ty làm ăn bậy bạ rồi vơ đũa cả nắm, phạt tất cả mà không phân biệt mức độ vi phạm.

Còn theo quan điểm của đại diện của lữ hành TransViet thì với quy định này hy vọng sẽ giảm bớt, loại bỏ các công ty tiếp tay cho các khách có ý định bỏ trốn.

Nhưng để xử phạt cần phải điều tra rõ ràng tránh trường hợp các công ty du lịch bị oan bởi không phải lúc nào cũng sàng lọc được 100% du khách, chưa kể những khách ngay từ đầu có âm mưu bỏ trốn thì việc giả mạo hồ sơ rất bài bản và chặt chẽ.

“Họ sẵn sàng đầu tư lý lịch đi lại rất tốt ngay từ đầu bằng cách đi du lịch ở các nước tiên tiến để hộ chiếu rất thuyết phục. Do đó, cần đánh giá cẩn trọng biện pháp lẫn tình huống để tránh oan cho các công ty chân chính. Tăng cường tối đa sự cảnh giác với bất kỳ hồ sơ nào dù lịch sử đi lại nhiều nơi, bên cạnh phỏng vấn trực tiếp, yêu cầu khách cung cấp thẻ BHXH để trực tiếp kiểm tra công ăn việc làm, yêu cầu cung cấp các số điện thoại người thân để bất chợt gọi điện kiểm tra chéo... Đặc biệt chú trọng rà soát kỹ các du khách trong độ tuổi lao động, độc thân, không có công việc làm ổn định và lâu dài”, vị đại diện của TransViet nêu lên những trường hợp cụ thể.

Phạt doanh nghiệp nếu du khách bỏ trốn: Nên cân nhắc nhiều yếu tố! - 2
Khách sẵn sàng chuẩn bị cho mình một lý lịch đi lại "sạch sẽ" trước khi thực hiện ý định bỏ trốn để tăng niềm tin trong việc xét cấp Visa

Chia sẻ về vấn đề này ông Nguyễn Bảo Toàn, PGĐ Trung tâm Hướng dẫn viên của Vietravel cho biết: “Trách nhiệm của hướng dẫn viên là đảm bảo giữ 100% hộ chiếu khách từ lúc nhập cảnh tại nước ngoài và xuất cảnh về lại Việt Nam. Nếu khách cố tình trốn, nhưng công ty du lịch vẫn giữ lại hộ chiếu của khách, chứng minh công ty du lịch không tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật của khách thì không thể nào phạt công ty du lịch. Nếu phạt là không hợp tình và không hợp lý”.

“Còn trường hợp khách đã không quan tâm đến hộ chiếu nữa thì hướng dẫn viên không thể nào giữ khách lại được vì không thể nào bên cạnh khách 24/24 được. Các cơ quan lãnh sự xem xét việc công ty du lịch báo cáo tình hình, giao nộp lại hộ chiếu của khách là một sự thiện chí và nghiêm túc trong việc giữ gìn pháp luật. Trong trường hợp này các công ty du lịch phải được giảm nhẹ hình thức chế tài của các cơ quan lãnh sự đã cấp thị thực cho khách hàng”, anh Bảo Toàn phân tích. 

Phạm Nguyễn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm