Thừa Thiên Huế:
“Phải ứng xử nhân văn với Bạch Mã trong phát triển khu du lịch sinh thái”
(Dân trí) - Đó là bài ý kiến của nhà báo Dương Phước Thu – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế tại hội nghị Quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch sinh thái Bạch Mã (Thừa Thiên-Huế) do UBND tỉnh tổ chức ngày 13/10.
Vườn Quốc gia Bạch Mã là một trong 7 khu vực bảo tồn tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất tại Việt Nam, là nơi hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch, trong đó du lịch sinh thái đóng vai trò chủ đạo. Nằm ở vị trí giao thoa của hai vùng khí hậu khác biệt – Bắc và Nam của Việt Nam, với nhiệt độ trung bình 15 – 22°C và lượng mưa 8.000 mm/năm (cao nhất Việt Nam), cảnh quan thiên nhiên nguyên sơ và đặc biệt là tính đa dạng sinh học có được do địa hình và thổ nhưỡng phong phú cùng điều kiện khí hậu rất thích hợp cho sự phát triển của các loài động thực vật.
Du lịch Bạch Mã trong những năm gần đây được quan tâm và được đầu tư nhiều hơn trước, thu hút ngày càng đông khách du lịch đến với Bạch Mã. Tuy nhiên, sự phát triển này vẫn ở quy mô nhỏ, chưa được quy hoạch một cách bài bản và còn bộc lộ khá nhiều hạn chế. Việc quảng bá chưa được chú trọng, hạ tầng và cơ sở vật chất còn nghèo nàn, hoạt động vừa ít lại vừa kém hấp dẫn, chất lượng dịch vụ không đạt tiêu chuẩn là những yếu tố “bất lợi”, khiến du khách nếu có đến với Bạch Mã thì cũng chỉ lưu trú trong một thời gian rất ngắn, không đem lại các giá trị gia tăng đáng kể cho du lịch nói riêng và kinh tế nói chung. Sự phát triển này thực sự chưa tương xứng với tiềm năng của Vườn Quốc gia Bạch Mã.
Trước những hạn chế đó, ông Dương Phước Thu, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định: “Một giá trị văn hóa lịch sử (kể cả di sản vật thể và phi vật thể) đều có hai mặt: Bảo tồn nguyên dạng thì kém phát triển - Phát triển nhanh, nóng thì di tích di sản có nguy cơ bị phá vỡ, bị hủy hoại. Cái khó là vừa phải bảo tồn mà vẫn phát triển. Đây là hai phạm trù trong một thực thể sống, đành rằng sự lựa chọn cao nhất là vì lợi ích quốc gia, nhưng trước tiên là phải vì lợi ích của cộng đồng dân cư tại chỗ, phải ứng xử nhân văn với họ thì mọi giá trị mới thực chân giá trị.”
Theo đó, ông Thu cho rằng: “Phải ứng xử nhân văn với Bạch Mã trong quá trình phát triển khu du lịch sinh thái” và đưa ra một số ý kiến nhằm phục vụ tốt nhất cho việc phát triển kinh tế địa phương, cho con người tại chỗ thông qua lượng du khách đến Bạch Mã, đáp ứng được nhu cầu của du khách, để du khách đến với Bạch Mã nhiều hơn, đông hơn, ở lại với Bạch Mã dài ngày hơn.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, đề án khu du lịch trên diện tích 387,8ha ha, gồm 2 khu: Khu A rộng 97,8ha bao gồm hạ tầng đường giao thông tiếp cận 23,3 ha; trạm cơ sở tại khu vực Khe Su 64,1 ha; riêng khu xây dựng tuyến cáp treo có chiều dài 4km với hành lang bảo vệ 26m có diện tích 10,4 ha. Khu B là khu du lịch sinh thái đỉnh Bạch Mã có diện tích khoảng 290 ha với chức năng chính là nơi đón tiếp du khách, tổ chức hội thảo, triển lãm, các dịch vụ thương mại với quy mô phục vụ khoảng 2.000 khách tham quan và 600-800 khách lưu trú/ngày.
Tại hội nghị, các nhà khoa học, các chuyên gia cũng đã tập trung làm rõ các vấn đề như sự cần thiết của việc triển khai thực hiện quy hoạch và hình thành các khu du lịch tại khu vực Bạch Mã; việc hình thành hệ thống cáp treo, làm rõ quy mô và giải pháp xây dựng, đánh giá tác động môi trường của việc hình thành cáp treo; so sánh công nghệ, phương pháp thi công, phương án tổ chức thực hiện và kinh nghiệm với một số tỉnh, một số nước trên thế giới; cơ sở xác định quy mô, số lượng khách phục vụ của khu vực lập quy hoạch; đánh giá sự tác động, ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, khả năng đáp ứng tổng số lượng khách theo quy hoạch; đánh giá tác động của môi trường của việc triển khai thực hiện quy hoạch và giải pháp tổ chức thực hiện và các vấn đề khác có liên quan
Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhận định: “Việc xây dựng tuyến cáp treo cần phải nghiên cứu kỹ về hướng tuyến để vừa đảm bảo việc bảo vệ thiên nhiên vừa để du khách có tầm nhìn tốt và cần lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, kinh nghiệm thực hiện. Ngoài ra, cần xác định cụ thể khu hạt nhân trung tâm của khu du lịch sinh thái với phạm vi nghiên cứu rộng bao nhiêu héc ta, gồm những chức năng gì để từ đó tính toán diện tích quy hoạch hợp lý”.
Ngoài những vấn đề nêu trên, ông Nguyễn Xuân Hoa cũng đã đề xuất ý kiến xây dựng Bạch Mã trở thành một khu du lịch sinh thái chất lượng cao, với những đặc trưng về du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn cao và độc đáo.
Theo các nhà chuyên gia, quy hoạch phân khu xây dựng khu du lịch sinh thái Bạch Mã đã đề xuất nhiều nội dung và giải pháp phù hợp với đặc điểm phát triển của Vườn Quốc gia Bạch Mã gồm các loại hình du lịch, hoạt động khu du lịch, tầng cao. Việc xây dựng quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 sẽ là cơ sở để triển khai các quy hoạch chi tiết 1/500.
Bạch Châu – Đại Dương