Nữ du khách run rẩy kể lại phút "đối mặt tử thần" khi khám phá Tà Năng - Phan Dũng

(Dân trí) - Cung đường Tà Năng - Phan Dũng được xem là cung trekking đẹp nhất Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên đây cũng được mệnh danh là cung đường “cực hình” bởi quãng đường di chuyển không hề dễ dàng… Không ít những vụ tai nạn đáng tiếc đã xảy ra trên hành trình khám phá địa danh này.

Mới đây, vụ việc du khách T.A.K (SN 1994, TP. Hồ Chí Minh) tử vong khi khám phá cung đường Tà Năng – Phan Dũng, một trong những cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự đau xót, thương cảm với nam thanh niên xấu số thì nhiều người cho rằng, vụ tai nạn là một bài học đắt giá dành cho những người yêu thích đam mê du lịch đặc biệt là ưa thích những cung đường mạo hiểm.

Chị Nguyễn Hồng Thu (TP. Hồ Chí Minh), một du khách từng tham gia trải nghiệm Tà Năng – Phan Dũng cho biết, ngay bản thân chị cũng từng gặp phải tai nạn nhớ đời khi tham gia trekking cung đường này.

Tà Năng - Phan Dũng được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam nhưng cũng được xem là cung đường cực hình. Ảnh Facebook Tà Năng Trekking
Tà Năng - Phan Dũng được mệnh danh là cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam nhưng cũng được xem là cung đường "cực hình". Ảnh Facebook Tà Năng Trekking

“Cuối tháng 9 năm ngoái, vì muốn cho 2 bạn nhỏ trải nghiệm du lịch khám phá mà mình cùng mấy bạn đồng nghiệp mua tour đi trekking cung đường Tà Năng. Vốn là người không biết sợ là gì, nhưng đây là lần đầu tiên mình cảm thấy kinh hoàng khi phải đối mặt với cái chết”, chị Thu nhớ lại.

Nữ du khách này kể, hôm ấy sau khi đi được chặng đường gần 10km, chỉ còn 1 con suối nữa là đến khu vực cắm trại, lúc này khoảng 4h chiều thì trời bắt đầu đổ mưa lớn. Lúc đó, đoàn bị tách làm hai. Con gái lớn của chị Thu cùng vài người bạn đã sang được bờ bên kia trong khi chị Thu cùng con gái nhỏ và 7 người khác bị mắc kẹt ở bên này.

Mưa mỗi lúc một nặng hạt, nước từ trên rừng đổ xuống ầm ầm, con suối hiền hoà bỗng nhiên gầm thét dữ dội. Dưới cơn mưa đó, cả đoàn ở hai bên suối vẫn cố chờ đợi nhau. Tuy nhiên một tiếng, hai tiếng… mưa vẫn không ngớt, nước suối không rút, trời thì sầm sập tối.

Hình ảnh đoàn du khách chị Hồng Thu khi chuẩn bị băng qua con suối định mệnh trước khi bị chia cắt. Ảnh: Hồng Thu
Hình ảnh đoàn du khách chị Hồng Thu khi chuẩn bị băng qua con suối định mệnh trước khi bị chia cắt. Ảnh: Hồng Thu

“Porter không có dao, chẳng có dây thừng, bật lửa ướt sũng cũng chẳng thể bật nổi lửa, sóng điện thoại tuyệt nhiên không có một vạch nào. Bóng tối, mưa và cái lạnh bắt đầu bủa vậy, bạn Si, cô con gái 12 tuổi của mình bắt đầu run vì lạnh và sợ.

Tận cùng của tuyệt vọng, mình bảo với porter và mọi người trong đoàn, không thể chờ được vì trong điều kiện này, nếu kẹt ở giữa rừng, đêm nhiệt độ xuống thấp, không bạt, không lều, quần áo đồ đạc ướt sũng, kiểu gì cũng chết, chi bằng liều quay ra, mệt cũng phải quay ra”, nữ du khách nói. Ý kiến của chị Thu được mọi người trong đoàn chấp thuận. Đoàn có 9 người bắt đầu tìm cách trở ra khỏi rừng, còn những người bên kia suối thì tiếp tục di chuyển lên đỉnh đồi để dựng trại.

Du khách này kể, con đường đi về cực kỳ gian nan, cả đoàn phải băng qua 4 con suối. Có chỗ thì phải bám thanh tre để bò qua, có chỗ lòng suối rộng như một con sông nhỏ, nước ngập đến gần cổ, phải nắm tay nhau, chân phải bám thanh gỗ mà đi. “Có đoạn nguy hiểm đến nỗi, chỉ cần 1 người ngã là cả đoàn người chết theo. Trong hoàn cảnh ấy, mình chỉ biết ngửa mặt lầm rầm khấn thần rừng, khấn trời, khấn phật để xin cho mọi người an toàn vì thật sự con người hoàn toàn bất lực trước sự hung hãn của thiên nhiên”, chị Thu kể.

Cuối cùng sau nhiều nỗ lực, đến gần 1 giờ sáng thì đoàn chị Thu cũng ra được đến đường cái. Ngày hôm sau, con gái lớn chị Thu cùng đồng nghiệp sau khi cắm trại an toàn trên đỉnh đồi cũng quay trở về, kết thúc chuyến đi trải nghiệm với nhiều ám ảnh.

Nữ du khách này cho biết, sau chuyến đi chị tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ mạo hiểm đi du lịch theo hình thức này nữa vì có quá nhiều rủi ro.

“Dù đã đăng ký đi theo tour nhưng porter của đoàn mình thực sự chưa được trang bị các kỹ năng xử lý với các tình huống phát sinh bất ngờ. Khi xảy ra xử cố, họ cũng không biết phải giải quyết ra sao. Cộng thêm vào mùa mưa lũ, thời tiết ở Tà Năng diễn biến rất bất ngờ, không thể lường trước được nên rất nguy hiểm”, chị Thu nói.

Du khách này cũng cho rằng, nếu ai có quyết định trekking cung đường Tà Năng – Phan Dũng thì cần phải nghiêm túc, cẩn thận nghiên cứu về chuyến đi, vẽ lên mọi tình huống và phương án dự phòng. Kiểm tra thật kỹ năng lực, sự chuẩn bị của porter, người dẫn đường vì không phải ai cũng có đầy đủ kinh nghiệm và sự chuyên nghiệp để ứng phó trong mọi tình huống.

Hiện nay có rất nhiều nhóm dẫn tour ở Tà Năng là những nhóm tự phát, họ là người dân bản địa tranh thủ thời gian nông nhàn đi làm thêm, chưa có kỹ năng, kiến thức trong việc quản lý đoàn, giải quyết các phát sinh bất ngờ nên rất nhiều rủi ro.

Thêm vào đó, không nên đi Tà Năng - Phan Dũng vào mùa mưa vì rất nguy hiểm, mưa và lũ có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Nếu đi theo đoàn thì tuyết đối không được bỏ đoàn, phải luôn đi cùng nhau để tránh việc bị lạc đường hoặc gặp những tai nạn không mong muốn.

Hà Trang

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm