Nỗi sợ hãi của các tiếp viên khi làm việc giữa đại dịch Covid-19
(Dân trí) - Nhiều tiếp viên hàng không bày tỏ sự lo sợ đang thua cuộc trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Vào thời điểm cuối tháng 1 vừa qua, khi thông tin về loại virus nguy hiểm gây chết người từ tâm dịch Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) lan ra, đó cũng là thời điểm các chuyến bay quốc tế tới châu Á phải khử trùng diệt khuẩn.
"Chúng tôi đã xin phép được đeo khẩu trang khi làm việc", một tiếp viên hàng không hiện làm việc cho hãng bay lớn ở Mỹ, chia sẻ với tờ TIME.
Trong các cuộc phỏng vấn và những email qua lại gửi cho tờ TIME, hơn chục tiếp viên hàng không "mô tả tình trạng thiếu đồ bảo hộ trong thời gian dài". Họ cho biết không được hướng dẫn cụ thể nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Mối quan tâm hàng đầu của các tiếp viên đó là, sau nhiều tuần làm việc chưa có nguồn hàng phù hợp, trong khi phải tiếp xúc với hàng ngàn khách.
"Nếu không may, có thể chúng tôi là người truyền virus từ chỗ này sang chỗ khác, từ thành phố này sang nơi khác và trong cả các khách sạn", một tiếp viên hàng không với 15 năm kinh nghiệm, làm việc ở Atlanta (Mỹ), bày tỏ.
Trước đó, trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ (CDC) đã yêu cầu tiếp viên phi hành đoàn phải tự cách ly khi tới những khu vực có khả năng nhiễm bệnh cao hoặc có khả năng phơi nhiễm. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ lại cho phép khoảng 119.000 các tiếp viên hàng không miễn lệnh tự cách ly.
Nếu như hành khách thường xuyên được kiểm tra sức khỏe ở sân bay, thì tiếp viên lại không. Đến nay, số tiếp viên nhiễm Covid-19 tại Mỹ đang gia tăng. Và thậm chí, con số này chưa dừng lại.
Trong cuộc nói chuyện với tờ TIME, đại diện của các hãng bay như American Airlines, Delta, United, Southwest và JetBlue cho biết, họ khuyến khích tiếp viên và phi công nên ở nhà nếu cảm thấy không khỏe.
"Các hãng hàng không của Mỹ luôn tuân thủ nghiêm túc quy tắc sức khỏe cũng như hướng dẫn từ CDC và Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA), đại diện một hãng hàng không Mỹ khẳng định. Tuy nhiên, rất nhiều thách thức đặt ra với các hãng bay khi cuộc khủng hoảng diễn ra ngày càng sâu rộng, dự kiến sẽ "ngốn mất" 252 tỷ USD doanh thu trong năm nay.
Trong nhiều tháng, những thông điệp mâu thuẫn vẫn được đưa ra giữa sự gia tăng của dịch bệnh. Điều này khiến các tiếp viên cảm thấy họ buộc phải bay để giữ công việc. Một số tiếp viên cho biết, họ vẫn tham gia bay trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm. Số khác chia sẻ, họ cảm thấy tội lỗi khi giúp đỡ những hành khách lớn tuổi vì không biết có lây lan virus cho người khác không.
Một nhóm kín trên mạng xã hội được tạo ra vào ngày 22/3 tăng lên gần 50.000 thành viên, là nơi để các tiếp viên chia sẻ kinh nghiệm, những lo ngại khi làm việc giữa đại dịch. Nhiều bài viết trong nhóm kín chia sẻ những kinh nghiệm, tư vấn về thiết bị bảo hộ tự chế, cung cấp thực phẩm, thuốc men cho những người buộc phải cách ly ở khách sạn tại nhiều thành phố xa lạ.
Nhiều tiếp viên cho biết, họ nhận ra tương lai của mình gắn liền với tình hình tài chính của ngành hàng không, dẫn tới áp lực phải làm việc để "bảo toàn" công việc. Các nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp này từng lên tiếng cảnh báo, dịch Covid-19 sẽ tồi tệ hơn với các hãng so với vụ tấn công khủng bố 11/9.
Tất cả những tiếp viên trò chuyện với tờ TIME đều yêu cầu được giấu danh tính do sợ bị mất việc vì quy định nghiêm ngặt của các hãng hàng không cấm chia sẻ với truyền thông.
"Tôi biết việc chia sẻ với báo chí là đi ngược với quy định của công ty chủ quản, nhưng tôi không thể tiếp tục chịu đựng việc bản thân và đồng nghiệp có nguy cơ bị phơi nhiễm mà không được quan tâm", một tiếp viên bày tỏ.
Trước tình hình trên, hiện nhiều hãng hàng không lớn như American Airlines và SouthWest đã có những thay đổi. Đầu tiên là việc bỏ dịch vụ ăn uống trên hầu hết các chuyến bay để hạn chế tiếp xúc.
Hầu hết các hãng bay cho phép nhân viên đeo khẩu trang và găng tay khi làm việc kể từ cuối tháng 3. United Airlines cho biết, hãng cung cấp thêm khăn lau khử trùng, tăng 25 % lượng găng tay và bổ xung thêm chất khử trùng có cồn vào hành lý bay cho các tiếp viên.
Chí sẻ với TIME, đại diện của JetBlue cho biết, bắt đầu từ 15/3, hãng sẽ cho phép tiếp viên nghỉ 14 ngày nếu được chuẩn đoán mắc Covid-19 hoặc được bác sỹ chỉ định phải cách ly.
Suy cho cùng, đại dịch lần này đang đặt ra nhiều thách thức cho ngàng hàng không Mỹ nói riêng và thế giới nói chung.
Huy Hoàng
Theo Times/ Businessinsider