Nơi có tập tục ướp xác và sống chung với người chết suốt thời gian dài

Việt Hà

(Dân trí) - Người dân ở đây vẫn lưu giữ truyền thống ướp xác rồi sống chung với người đã khuất suốt thời gian dài. Họ thậm chí còn "thay áo", chải tóc và chụp ảnh với những xác ướp này.

Nơi có tập tục ướp xác và sống chung với người chết suốt thời gian dài

Odiya Sulu, 38 tuổi, ôm chặt bức ảnh của mẹ mình và ngập ngừng kể về việc đã nhớ bà tới mức nào. Cô nức nở hàng giờ bên ngôi mộ của gia đình. Mẹ cô, bà Elis Sulu, đã qua đời vào năm 2015 ở tuổi 65.

Một năm sau, khi quan tài của bà được người thân khiêng ra ngoài và lật mở, bên trong thi thể gần như còn nguyên vẹn. Đó là kết quả của kỹ thuật bảo quản xác ướp theo cách truyền thống người địa phương.

Nơi có tập tục ướp xác và sống chung với người chết suốt thời gian dài - 1
Thi thể người chết được ướp xác

Cô Sulu vuốt nhẹ gương mặt người mẹ đã khuất, nhanh chóng thấy bình tĩnh hơn rồi bắt đầu dọn dẹp phần mộ. Gia đình cô là những người Toraja, một cộng đồng dân tộc thiểu số sống ở miền nam Sulawesi - một trong những hòn đảo lớn nhất tại Indonesia.

Từ lâu, người dân ở đây đã lưu giữ phong tục ướp xác và sống chung với những xác ướp trong suốt thời gian dài. Họ thực hiện nghi lễ đám tang phức tạp, đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc cho tang lễ của người thân.

Nơi có tập tục ướp xác và sống chung với người chết suốt thời gian dài - 2
Một phần trong nghi lễ ma'nene' của người Toraja ở Indonesia

Những năm trở lại đây, nhiều gia đình người Toraja bắt đầu đón nhận sự hiện diện của khách du lịch khi tổ chức tang lễ. Qua đó, du khách phần nào dễ dàng hơn trong việc tìm hiểu nghi thức tại đây.

Đối với người Toraja, cái chết là một quá trình dần dần. Thi thể người vừa qua đời được gia đình lưu giữ và bảo quản có khi kéo dài hàng năm trời cho tới lúc họ đủ tiền lo tang lễ. Linh hồn người chết được cho là sẽ ở lại thế giới trước khi đám tang được tổ chức chính thức. Sau đó, linh hồn mới bắt đầu hành trình đến Puya - vùng đất của người chết theo quan niệm của người Toraja.

Nơi có tập tục ướp xác và sống chung với người chết suốt thời gian dài - 3
Người đã khuất được thay trang phục mới

Để bảo quản thi thể người mới qua đời, trước kia người ta dùng dấm chua và lá trà. Nhưng hiện tại, các gia đình có thể tiêm chất formaldehyde để xác chết không bị phân hủy. Với cách làm này, một tuần sau, tử thi sẽ không bị bốc mùi khó chịu.

Tập tục này có thể khiến nhiều người thấy rợn tóc gáy khi sống cạnh xác chết nhiều tháng trời, thậm chí hàng năm. Nhưng người dân bản địa lại quan niệm, cái chết không phải là sự kết thúc hay lời vĩnh biệt. Họ cho rằng, người chết luôn bảo vệ gia đình nên cần được tôn thờ.

Nơi có tập tục ướp xác và sống chung với người chết suốt thời gian dài - 4
Chụp hình cùng thi thể người đã khuất

Người Toraja cho biết, nếu bảo quản thi thể càng lâu, chi phí làm tang lễ sẽ giảm xuống rất nhiều. Với nghi thức truyền thống, đám tang sẽ kéo dài 12 ngày. Trong đó, nhà có đám phải hiến hàng chục con trâu và hàng trăm con lợn. Những buổi lễ như thế sẽ tốn chi phí lên tới cả trăm nghìn USD.

Vài tháng sau khi lễ tang tiến hành xong, họ bắt đầu tổ chức một nghi lễ khác với tên gọi ma'nene'. Hay hiểu nôm na đó là việc đào mộ và vệ sinh cho người đã khuất. Khi đó, những thi thể được rửa sạch, phơi khô dưới nắng rồi "mặc" quần áo mới.

Theo truyền thuyết địa phương, nghi lễ ma'nene ' bắt nguồn từ câu chuyện về một người thợ săn có tên Pong Rumasek. Hàng trăm năm trước, người này vào rừng săn bắn, vô tình bắt gặp một xác chết bị bỏ rơi giữa rừng già. Thương cảm trước sự bất hạnh của người chết, thợ săn này đã chăm sóc và thay quần áo mới cho thi thể. Kể từ đó, ông gặp rất nhiều may mắn trong cuộc sống.

Nơi có tập tục ướp xác và sống chung với người chết suốt thời gian dài - 5
Nấu bữa ăn truyền thống phục vụ ngày tổ chức nghi lễ ma'nene'

Ngày nay, cộng đồng dân tộc thiểu số này phần lớn theo đạo Thiên Chúa, nhưng phong tục tang lễ lâu đời của họ vẫn tồn tại. Để tưởng nhớ người chết, các gia đình sẽ tổ chức nghi lễ ma'nene' vài năm một lần. Theo tín ngưỡng, sau khi thực hiện nghi thức này sẽ giúp họ có mùa màng bội thu vào năm sau.

Sống cùng xác ướp để trong nhà hàng năm trời

Trở lại câu chuyện của gia đình cô Odiya Sulu. Sau khi hoàn thành nghi lễ ma'nene', họ qua về nhà và bắt đầu ăn một bữa truyền thống được chuẩn bị từ trước.

"Tôi nhớ mẹ rất nhiều. Khi thấy mẹ hôm nay, trái tim tôi như được chữa lành. Nhưng tôi phải đợi thêm 2 năm nữa, mới được nhìn thấy bà", cô Sulu cho biết.

Hiện nay, chính phủ Indonesia đang nỗ lực quảng bá tập tục của người Toraja nhằm phát triển ngành du lịch trên đảo Sulawesi.