Những trải nghiệm thú vị của nhóm du học sinh Việt ở hồ sâu nhất thế giới
(Dân trí) - Mùa đông, hồ Baikal "chìm đắm" trong lớp băng dày trắng xóa. Cảnh tượng rộng mênh mông không thấy bờ với nhiều động băng kỳ ảo khiến khách Việt ngỡ ngàng.
Hồ Baikal ở phía nam Siberia được Sách kỷ lục Guinness ghi nhận là hồ sâu nhất thế giới.
Đây cũng là hồ nước ngọt có lượng nước lớn nhất (lưu trữ 20% lượng nước ngọt trên Trái đất, bằng diện tích nước Bỉ), đồng thời là hồ lâu đời nhất trên thế giới.
Hồ nằm trong một thung lũng tách giãn, nơi đây được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như "Suối nguồn thế giới", "Hòn ngọc nước Nga", "Biển hồ vô vàn giọt nước mắt",...
Hồ nước sâu nhất thế giới "ẩn mình" trong băng
Vào mùa đông, hồ Baikal "khoác" lên mình một diện mạo mới với mặt nước xanh thăm thẳm đã được phủ kín bởi lớp băng dày.
Vẻ đẹp hoang sơ đã khiến nơi đây trở thành thiên đường du lịch hấp dẫn những vị khách thích trải nghiệm khám phá, trong đó có nhóm du học sinh Việt đang sinh sống và học tập tại Nga.
Có chung niềm đam mê được tham quan, khám phá hồ Baikal, Tú Uyên (SN, ở Saint Petersburg) cùng 7 du học sinh Việt khác chưa hề quen biết đã lập thành một nhóm để lên đường tới hồ nước sâu nhất thế giới này.
Cảm nhận của Tú Uyên khi tới hồ Baikal gói gọn bằng từ "sốc". Thành phố nơi 9X sống nằm bên vịnh Phần Lan. Dù từng đi bộ trên vịnh đóng băng trong mùa đông nhưng cô vẫn không khỏi choáng ngợp khi đến Baikal.
"Thực sự những gì hiện ra trước mắt đều quá sức tưởng tượng của mình. Trên hồ có những đoạn mặt băng rất mịn nhưng cũng có một số bãi băng nhọn khổng lồ do băng nứt gãy, chồng chất lên nhau tạo thành.
Dù đã tìm hiểu kỹ và tham khảo thông tin từ mạng xã hội nhưng khi tới đây, mình có cảm giác như đang lạc vào một thế giới hoàn toàn khác vậy", Uyên nói.
Họ phải leo lên đỉnh núi Shamanka (còn gọi là Cape Burkhan), vượt qua đoạn đường khó khăn với những mỏm đá dốc nhọn và trơn trượt để chiêm ngưỡng toàn bộ khung cảnh, cảm nhận được sự vô tận của hồ băng.
Nhiệt độ ở hồ băng khoảng -10 độ C nhưng không quá lạnh. Du khách có thể thuê giày ra hồ trượt băng với giá 250 rub/giờ hoặc 400 rub/ngày.
Baikal quyến rũ vào mọi thời điểm trong năm nhưng theo Uyên, hồ đẹp nhất vào mùa đông. Dưới hồ chứa lượng khí oxy và metan rất lớn. Khi đóng băng trong nước, chúng tạo ra hiệu ứng đặc biệt như những chiếc kim "ẩn mình" trong lớp băng dày.
Những trải nghiệm "độc nhất vô nhị" trên hồ Baikal
Dù là hồ sâu nhất thế giới với độ sâu hàng trăm mét, bị phủ kín bởi lớp băng dày nhưng du khách đứng trên mặt băng vẫn có thể nhìn đáy. Điều này khiến nhóm du học sinh Việt không khỏi bất ngờ, hoang mang trong khoảnh khắc đặt chân xuống lòng hồ.
Càng ra xa, băng càng trong và có màu xanh lạ mắt. Nhóm bạn phải sử dụng giày đế bám, có răng cưa hoặc giày thể thao đế nhiều rãnh mới có thể di chuyển tự tin trên mặt băng.
"Thời điểm chúng mình tới đây là đầu tháng 3, trời đã ấm hơn nên băng bắt đầu tan và trơn trượt. Phải mất một lúc mình mới có thể làm quen và giữ thăng bằng. Đứng trên mặt hồ sâu hun hút, không thấy đáy lại nghe được tiếng băng nứt gãy kêu lách tách dưới chân khiến mình run sợ.
Bác lái xe kiêm dẫn đoàn đã động viên và bảo cấu trúc băng rất chắc chắn nên mọi người yên tâm khám phá", Uyên nhớ lại khoảnh khắc "đau tim".
Một trong những trải nghiệm thú vị nhất của cả nhóm là được thử cảm giác mạnh khi đi đường cao tốc ngay trên hồ Baikal. Xe ô tô chuyên dụng chở cả đoàn vượt qua đoạn đường băng với tốc độ cao, rung lắc mạnh khi qua từng đoạn xóc khiến nhóm khách vừa thích thú vừa sợ hãi.
Để chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp kỳ ảo nơi đây, Uyên cùng nhóm bạn còn tham quan hồ vào buổi tối, cùng nhau ngắm sao trời và chụp ảnh. Ánh đèn pin chiếu soi xuống hồ giúp nhóm du khách nhìn rõ từng khe nứt của các tảng băng.
Khung cảnh thực về đêm như "gói gọn" cả giải ngân hà vào tầm mắt. Ai nấy đều hào hứng ghi lại những bức hình thật đẹp về khoảnh khắc ngỡ như photoshop này.
Trên đường trở về làng, cả nhóm đã bị lạc vì trời quá tối, phải mất nửa tiếng mới tìm được mốc dẫn dù cách điểm chụp ảnh chưa đầy 200m.
Văn hóa độc đáo của người dân vùng Baikal
Nhóm của Uyên thuê nhà trong một ngôi làng cạnh hồ để nghỉ ngơi suốt chuyến tham quan, khám phá. Cư dân ở đây thưa thớt, cô cùng các bạn phải ra cửa hàng nhỏ để mua thực phẩm về tự nấu nướng và nhờ tới sự hỗ trợ của chủ nhà. Đồ ăn khá rẻ nhưng không có quá nhiều lựa chọn cho du khách.
Không chỉ được khám phá hồ băng, thưởng thức những món ăn địa phương, Uyên và nhóm bạn còn được biết thêm nhiều nét văn hóa độc đáo của vùng đất Baikal hoang sơ, huyền bí.
Ở Baikal, người dân có niềm tin đặc biệt với các pháp sư - những người được gọi là shaman với khả năng chữa bệnh và kết nối con người với thế giới bên kia. Đặc biệt, du khách có thể bắt gặp hình ảnh các cây cột được bao bọc bởi những dải dây nhiều màu sắc. Đó là cột nghi lễ của người Shaman giáo. Họ buộc những dải dây có màu sắc khác nhau để cầu nguyện những điều tốt lành.
Mỗi dây có một màu sắc khác nhau, tượng trưng cho một điều ước. Màu vàng cầu giàu sang, phú quý; màu đỏ cầu cho gia đình hạnh phúc, bình an; màu xanh thể hiện ước muốn mọi sự hanh thông, thuận lợi.
Kết thúc chuyến đi, Uyên và 7 người bạn đã có thêm nhiều trải nghiệm "để đời" thú vị. "Mình muốn ở thêm mãi, 4 ngày là không đủ.
Những gì mình tận mắt chứng kiến thực sự đẹp và kỳ vĩ hơn thứ mình được nghe qua những truyền thuyết, những câu chuyện cổ về Baikal. Sau chuyến đi, mình chỉ muốn gói hành lý để quay lại đó. Người dân hiền lành và tốt bụng đã giúp đỡ chúng mình rất nhiều", Uyên bộc bạch.