Những quần thể kiến trúc tuyệt đẹp bị vùi trong nước sâu
(Dân trí) - Không ít quần thể kiến trúc trên thế giới đã bị thiên nhiên vùi lấp trong làn nước sâu hàng nghìn năm qua.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học tìm ra được tung tích của một số ít quần thế kiến trúc này, trong số đó có những quần thể tuyệt đẹp, mang giá trị kiến trúc và lịch sử vô cùng quý báu.
Thành phố Thạch Thành, Trung Quốc
Được phát hiện vào năm 2001 bên dưới một cái hồ nhân tạo ở huyện Thuần An, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, tại chân núi Ngũ Sư (năm con sư tử), thành phố này được gọi là Thạch Thành, hoặc thành phố Sư Tử. Bị trầm tích vào năm 1959, thành phố này có niên đại từ thời Đông Hán vào năm 25-200 SCN. Cả thành phố có tuổi thọ trên 1800 năm tuổi và trải dài với chiều dài bằng 62 sân bóng đá. Nó từng là một trung tâm kinh tế, chính trị và khác với các thành phố cùng thời kỳ khác, nó có tận 5 cổng thành chứ không chỉ là 4. Nằm ở độ sâu 26 đến 40m dưới mặt nước biển khiến Thạch Thành trở thành một thách thức đối với các thợ lặn để thăm dò và thu thập thông tin một cách toàn diện.
Thành phố Heracleion, Ai Cập
Heracleion (hay Thonis) là một thành phố bị trầm tích dưới Vịnh Abu Qir gần Alexandria, Ai Cập. Nơi đây đã từng là một bến cảng chính của Ai Cập. Thành phố này được cho là đã được đặt theo tên của người anh hùng Hercules và từng được nàng Helen của thành Troy ghé thăm, nhưng nó đã trầm xuống đáy biển vào khoảng thế kỷ thứ 6 SCN. Các nhà khảo cổ học hàng hải đã phát hiện được các đồng tiền vàng, các bức tượng điêu khắc cao 5m, các thanh khắc chữ, và các quách đá chứa xác ướp động vật bên trong thành phố này.
Tàn tích của Quần đảo Yonaguni, Nhật Bản
Quần đảo Yonaguni của Nhật Bản là một trong những quần thể di tích hàng hải bí ẩn nhất cho đến ngày nay. Ước tính khoảng 14000 năm tuổi, khu tàn tích Yonaguni có một số các kiến trúc khác nhau, bao gồm một kim tự tháp lớn có chiều rộng 183 m và cao 28m với năm tầng riêng biệt và một kiến trúc giống như là cầu thang. Các dấu vết của dụng cụ và nét chạm khắc đã được ghi nhận trên một số các kiến trúc. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về việc liệu các di tích này là do nhân tạo hay tự nhiên vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Giáo sư Teruaki Ishii thuộc trường Đại Học Tokyo cho rằng sự chìm xuống của của quần thể kiến trúc này đã xảy ra vào khoảng cuối của kỷ băng hà lần trước, tức là vào khoảng 10.000 năm trước đây. Các công cụ và các chữ tượng hình đã được tìm thấy trên đất liền ở khu vực xung quanh.
Tàn tích Nan Madol, Pohnpei
Soun Nan-leng (Vịnh Thiên Đường), hiện nay được biết đến là thành phố Nan Madol, nằm ở ngoài khơi phía đông bờ biển của đảo Pohnpei tại Micronesia. Cũng được biết đến là Venice của Thái Bình Dương, những tàn tích này bao gồm 92 hòn đảo nhân tạo nhỏ. Những tảng cự thạch này được hợp lại từ những tảng đá nặng đến 50 tấn, và tạo ra một chuỗi các kênh đào xuyên qua các quần đảo nhỏ, từ đó nên nó mới được đặt tên là Nan Madol, hoặc là Khoảng Cách Ở Giữa (Spaces Between). Các nhà nghiên cứu vẫn đang bế tắc khi đi tìm một lời giải thích cho lý do và cách thức xây dựng những hòn đảo này trên đại dương, chứ không phải ở trên đất liền, vì những cư dân trên các hòn đảo đó sẽ phải đi vào đất liền để lấy thức ăn và nước uống. Theo truyền thuyết địa phương kể lại, những người sống sót của đại lục bị mất tích Mu, đã chìm xuống đại dương 12 nghìn năm trước đây, đã xây dựng nên quần đảo này.
Tàn tích của Vịnh Cambay, Ấn Độ
Khám phá về vịnh Cambay, Ấn Độ, đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng. Thành phố 9.500 năm tuổi, gọi là Vương Quốc Dwarka, đã thách đố nhận thức hiện tại rằng không một nền văn minh có tổ chức nào lại có thể tồn tại sớm hơn 5.500 trước. Nó là một nền văn minh được cho là đã bị nhấn chìm bởi các cơn lũ thời tiền sử. Thành phố này được thiết kế với các con phố và hệ thống thoát nước thải, kéo dài 7,5 km. Thành phố này nằm ở ngoài khơi của thành phố Dwarka hiện nay, được cho là đã từng là thành phố của vị Thần đạo Hindu – Krishna.
Thành phố Pavlopetri, Hy Lạp
Thành phố Pavlopetri, Hy Lạp được cho là thuộc về thời kỳ Mycenaean vào năm 2,800 TCN. Nằm dưới đại dương chỉ 3 đến 4m ở ngoài khơi phía nam Laconia ở Hy Lạp, thành phố này bao gồm các ngôi mộ phòng chứa, các phần mộ, đường phố và sân trong. Trong khoảng thời gian tồn tại của mình, thành phố Pavlopetri được coi là một bến cảng cho các hoạt động giao thương ở địa phương và các vùng đất xa xôi ở trên khắp Địa Trung Hải.
Quần thể hình Nón trong Biển Galilee, Israel
Nằm dưới vịnh sâu của Biển Galilee, Israel, là một quần thể đối xứng đồ sộ. Được phát hiện vào năm 2003 và xuất bản trên Tạp Chí Khảo Cổ Hàng Hải Quốc Tế, nó vẫn là một chuỗi những bí mật như là tại sao, khi nào, hoặc bởi ai mà quần thể kiến trúc này được xây dựng. Công cuộc xây dựng nó là một việc vĩ đại, đòi hỏi việc tổ chức chặt chẽ và sự thịnh vượng về mặt kinh tế. Kiến trúc này có hình nón, làm từ các tảng đá cuội và đá sỏi chưa hề qua gọt giũa, nặng đến 60.000 tấn, và cao gần 10m. Một số người tính toán niên đại của kiến trúc này là hơn 4.000 năm tuổi, giống như một số kiến trúc cự thạch xung quanh là có từ thiên niên kỷ thứ 3 TCN.