Những quán cà phê đi cùng năm tháng của Thủ đô
(Dân trí) - Hương vị cà phê đậm đà, đặc trưng được lưu giữ vẹn nguyên qua nhiều thế hệ đã khiến những cái tên Lâm, Năng, Giảng, Nhân, Nhĩ trở thành một phần của Hà Nội. Bất chấp sự xuất hiện của những loại hình cà phê thời hiện đại, những quán này vẫn trường tồn với thời gian.
1. Cà phê Lâm
Cà phê Lâm ra đời năm 1952 ở vườn hoa Chí Linh, tên quán lấy từ tên chủ nhân đầu tiên là cụ Nguyễn Văn Lâm. Từ những ngày đầu mở quán, Lâm đã là điểm đến ưa thích của giới công chức, các văn nghệ sĩ. Đến năm 1955, quán chuyển về Tông Đản rồi từ năm 1960, quán chính thức nằm tại Nguyễn Hữu Huân như bây giờ.
Quán giữ nguyên vẻ đẹp giản dị với tường vôi vàng, của sổ xanh và tấm biển đặc trưng, vừa là nơi bán hàng tầng 1 vừa là nơi thờ cúng của gia đình.
Người ta yêu Lâm bởi hương vị quyến rũ đặc trưng chỉ riêng quán nhỏ này mới có, đó là thứ cà phê đậm đà, vị "sắc" và "khét" nhưng đủ tầm, rất ngọt, rất say. Hơn 60 năm qua, công thức rang xay cà phê mộc 100% ấy được truyền qua bao thế hệ, khiến hương vị cà phê ở Lâm khó để quên.
Nhưng đó chưa là tất cả, quán cổ còn nổi tiếng bởi tranh. Tại đây trưng bày rất nhiều bức tranh sinh động về con người và phố phường Hà Nội, những bức chân dung tự họa kèm bút tích, những bản thảo văn chương chép tay... mà tác giả là những tên tuổi từng làm xao xuyến tâm hồn bao thế hệ người Việt, như các danh họa Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Võ Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng; các nhạc sĩ nhà văn, nhà thơ: Văn Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Thế Lữ, Hữu Loan, Phùng Quán...
Còn gì có thể tuyệt vời hơn khi bạn đến uống cà phê và được ngắm nhìn những tác phẩm nghệ thuật của năm tháng với đủ màu sắc kích cỡ, gợi cho khách một cảm giác nhẹ nhàng, bình yên và có chút gì đó thật hoài cổ. Café Lâm đã đăng ký thương hiệu và có mặt trên bản đồ du lịch như một địa điểm cần phải đến ở Hà Nội.
2. Cà phê Năng
Tồn tại trên đất Hà Nội cũng khoảng 50 năm, nên nhắc đến cà phê Năng Hàng Bạc là người ta nghĩ đến ngay tách cà phê đậm đặc làm người uống phải choáng váng. Và cũng chính vì cái choáng váng đó, người ta đã “nghiện” cà phê ở đây lúc nào không biết. Nằm trong con phố cổ đông đúc, chật hẹp, đôi khi đến đây người ta còn thấy bất tiện bởi khó tìm được chỗ để xe nhưng không vì thế mà Năng vắng khách.
Không gian của quán sâu vừa phải. Những bộ bàn ghế gỗ thô kệch, nặng nề và xỉn màu. Quầy pha chế bầy những phin cà phê nhôm vừa là để trang trí vừa là để tiếp cà phê cho khách. Cầu thang đá với những bậc cấp cao và hẹp. Quán lúc nào cũng đông cả tầng 1 lẫn tầng 2, lúc nào cũng có người đang thả hồn mình vào phố phường nhộn nhịp lại qua.
3. Cà phê Giảng
Nhắc đến cà phê ở Hà Nội, người ta không chỉ nghĩ đến Nhân – Nhĩ – Dĩ – Giảng hay Nhân – Nhĩ – Dĩ – Năng, mà còn nghĩ đến “tam giác cà phê” Nhân – Lâm – Giảng.
Cà phê Giảng gốc nằm ở số Cầu Gỗ, ra đời từ khoảng năm 1946 do chính cụ Nguyễn Văn Giảng, người từng là nhân viên pha chế ở khách sạn Metropole thời Pháp thuộc mở. Sau cải cách 1955, quán chuyển về Hàng Gai nhưng ngày nay được tách làm hai, một nằm trên đường Yên Phụ, một ở Nguyễn Hữu Huân. Hai quán do hai anh em con cụ Giảng mở ra.
Nhiều người cho rằng, quán cà phê cổ này là nơi khai sinh ra cà phê trứng - thức đồ uống béo ngậy, đậm đà yêu thích của không ít người Hà Nội. Café trứng của Giảng cũng chính là thức uống đã đưa cà phê Hà Nội đứng đầu top 17 loại cà phê nên uống trên thế giới do Buzzfeed bình chọn.
Với đồ uống độc đáo, mùi thơm ngất ngây, vị hòa trộn giữa đắng và ngọt, bùi và ngậy, lớp bông trắng xôm xốp phủ bề mặt đẹp đến kì lạ, cà phê trứng là niềm tự hào, là chỗ đứng của quán cà phê cổ trong lòng người Hà Nội, không chỉ khiến người Hà Nội say mê tìm về mà còn hấp dẫn cả những vị khách đến thăm Hà Nội.
4. Cà phê Nhân
Cà phê Nhân đã ra đời và gắn bó với người Hà Nội từ năm 1946. Lịch sử của quán thực sự là một câu truyện dài và có ý nghĩa gắn liền với thăng trầm của cách mạng Việt Nam. Cà phê Nhân chính là đứa con tinh thần của vợ chồng cụ Nguyễn Văn Thi và cụ Trần Thị Thanh Kỳ.
Ông Thi cùng hai người bạn là cụ Thế và cụ Nhân đã tự nghiên cứu công thức pha cà phê, từ khâu chọn nguyên liệu đến rang, xay thủ công để cho ra đời một thương hiệu cà phê chung mà ba cụ đều thống nhất đặt tên là Nhân. Chữ Nhân do ba người đồng sáng lập cùng chọn làm tên hiệu với nhiều ý nghĩa: nhân tâm, nhân hậu, nhân đức, nhân nghĩa. Tuy do ba người sáng lập, nhưng chỉ có gia đình cụ Thi - Kỳ là người trực tiếp tìm tòi, chế biến và kinh doanh.
Cho tới thời điểm này, ở Hà Nội đã có gần một chục quán mang thương hiệu Cà phê Nhân do các con và cháu ông bà Thi Kỳ mở ở Hàng Hành, Láng Hạ, Nguyễn Thái Học, phố Đê La Thành... Tuy nhiên, quán ở Hàng Hành là địa chỉ được nhiều người biết đến nhất và được coi là quán gốc. Khách đến quán cũng đa dạng lứa tuổi bởi sự tiện nghi và thương hiệu lớn với tuổi đời hơn 60 năm ở đất Kinh Kỳ.
5. Cà phê Nhĩ
Nằm trong “bộ tứ” nổi tiếng một thời “Nhân - Nhĩ - Dĩ - Giảng”, cà phê Nhĩ nằm lọt thỏm ở giữa phố Hàng Cá giáp ngay ngã tư Hàng Lược, Hàng Cá và Ngõ Gạch.
Quán vỉa hè, không biển hiệu để nhận biết. Ở lối vào của quán hay đặt tạm mấy cái ghế gỗ thô kệch cũ rích, vừa dùng làm chỗ ngồi, vừa dùng làm bàn kê đồ uống.
Cà phê Nhĩ cũng chẳng nâng cấp bất kì cơ sở hạ tầng nào. Chiếc cốc, cái thìa đến chiếc ghế… vẫn giản dị đến mức tuềnh toàng. Ấy thế mà quán vẫn cứ đông, quá tải, ngồi tràn ra vỉa hè, chiếm chỗ của xe máy, của người đi bộ. Người đầu tiên bán là ông Nhĩ, sau thành tên quán, tự nhiên và đơn giản.
Cà phê được để trong các ấm tích bằng sứ, đong bằng các chén hạt mít con con, thêm đường hoặc sữa rồi đánh tung bọt lên bằng cây đánh trứng trước khi thả dăm viên đá vào. Cà phê đen sẫm, đặc, đậm vị và thơm. Cách rang xay đều rất công phu mang mùi thơm dễ chịu và cảm giác thoải mái khi uống.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp