Những ngôi đình cổ ở Tân Dân
Tìm hiểu, khám phá công trình trăm tuổi mới càng thêm quý trọng những giá trị văn hóa vật thể đẹp đẽ mà thiêng liêng, những dấu ấn truyền đời để lại cho con cháu mai sau.
Bỏ lại những bon chen, vất vả của cuộc sống thường ngày, đi tìm chút gì đó sâu lắng, an yên cho lòng mình, tôi tới thăm những ngôi đình làng cổ ở xã Tân Dân (Khoái Châu). Đến đây rồi, tìm hiểu, khám phá công trình trăm tuổi mới càng thêm quý trọng những giá trị văn hóa vật thể đẹp đẽ mà thiêng liêng, những dấu ấn truyền đời để lại cho con cháu mai sau.
Trải qua bao thăng trầm lịch sử, cả 4 ngôi đình cổ Thọ Bình, Bình Dân, An Dân và Dương Trạch của xã Tân Dân vẫn đang là nơi bảo tồn vẹn nguyên những giá trị văn hóa, tập tục cổ truyền xưa kia của người Việt. Mang đậm phong cách kiến trúc của thời nhà Lê, nhà Nguyễn, khi trang trí, đình thường được khai thác các đề tài liên quan đến sinh hoạt sản xuất, phong tục tập quán thường nhật, biểu tượng linh vật quý. Những hình ảnh sinh động ấy như nói lên khát vọng ước mơ bình dị của con người.
Thăm đình An Dân, lắng nghe lời giới thiệu của cụ thủ từ Phan Văn Điều, chúng tôi như đang được ngược thời gian trở về với lịch sử. Cụ Điều cho biết, đình An Dân được xây dựng vào khoảng ngày đầu năm 1909 niên hiệu Duy Tân. Đến nay, dù đã qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo nhưng đình vẫn giữ được kết cấu kiến trúc tương đối đồng bộ vững chắc, mang đậm phong cách kiến trúc thời Nguyễn với kiểu chữ Tam gồm Đại bái, Trung từ và Hậu cung. Đình được xây dựng bằng hệ thống cột, kèo chủ yếu từ gỗ lim, trên nền gỗ được chạm khắc những hoa văn tinh xảo hình rồng, chữ Thọ hay bộ tứ quý tùng, trúc, cúc, mai…
Cùng mang những nét chạm khắc thời Nguyễn nhưng đình Thọ Bình có điểm khác biệt khi mang trong mình một phần dấu ấn thời Lê. Qua lời kể của các vị bô lão trong thôn, chúng tôi được biết, đình Thọ Bình được tọa lạc trên một khu đất cao ráo, thoáng mát ở đầu thôn, mặt tiền hướng về phía Bắc nhìn ra cánh đồng, xưa kia có nhánh sông Kim Ngưu chảy qua. Đình Thọ Bình được xây dựng kiểu chữ Nhị gồm Đại bái và Hậu cung. Dừng chân trước sân đình, chúng tôi được ngắm nhìn những đường nét chạm khắc uốn lượn tinh xảo, được đắm mình suy ngẫm với những nét chữ Hán cổ, đôi dòng câu đối "Việt sử danh xưng bất tử/Nam sinh thánh hiệu trường sinh" (tạm dịch: Đất Việt ghi tên thần bất tử/Trời Nam sinh thánh mãi trường sinh).
Về thăm những ngôi đình cổ ở xã Tân Dân bạn không chỉ được ngắm nhìn những đường nét chạm khắc tinh xảo mà còn được đắm mình trong những giai thoại, ý nghĩa độc đáo của những vị thần được thờ cúng tại nơi đây. Được biết, cả 4 ngôi đình làng của xã Tân Dân đều đang thờ đức thánh Chử Đồng Tử cùng Nhị vị phu nhân là Tiên Dung công chúa và Tây Nương (hay còn gọi là Tây Sa) công chúa, những vị thần linh, người đã có công lớn trong việc khai hoang, lập ấp, chữa bệnh cứu người mang lại cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Để ghi nhớ công ơn của các vị thần, xưa kia các đình làng của xã Tân Dân đều được xây dựng ở vị trí trung tâm đắc địa của làng, nơi đây là địa điểm để người dân trong làng hội họp, tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, quyết định các công việc quan trọng của làng. Để rồi từ đó đình làng trở thành một địa điểm không thể thiếu, là sợi dây gắn kết bền chặt mọi người dân trong làng.
Hiện nay, trước những thay đổi của cuộc sống, người dân xã Tân Dân bộn bề với biết bao công việc phải lo toan nhưng những ngôi đình làng vẫn là nơi để mọi người trở về, sống những phút giây chậm lại để tưởng nhớ về những giá trị truyền thống của dân tộc. Từ bao đời nay vẫn vậy, hàng năm từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 8 tháng 2 (âm lịch) là ngày các đình làng trong xã mở hội. Những ngày hội ấy được xem là ngày vui nhất của dân làng khi mọi người cùng hòa chung niềm vui. Về với những ngày hội đình làng, mọi người cùng nhau trở về thắp những nén nhang thơm, dâng lên các vị thần những mâm lễ vật truyền thống. Ban ngày, mọi người đến tế, lễ, tối đến cùng nhau giao lưu văn nghệ, tổ chức các trò chơi dân gian.
Những ngôi đình cổ ở xã Tân Dân giờ đây đều đã in màu thời gian, nhưng từng mái ngói, từng đường nét chạm trổ đẹp đẽ kia như vẫn đang thầm thì kể câu chuyện xưa tích cũ và dù cho qua bao đời vẫn sẽ là nơi để người con quê hương gửi gắm, cầu mong các đức thánh, thần, các bậc tiền nhân phù hộ cho toàn dân được an lành, nhà nhà hạnh phúc, mùa màng bội thu…