Những ngôi đền chùa linh thiêng tọa lạc vị trí đắc địa hiếm người ngờ tới
(Dân trí) - Dù tọa lạc ở địa thế hiểm trở nhưng những ngôi đền chùa này vẫn đặc biệt thu hút các tín đồ do mang nhiều ý nghĩa tôn giáo linh thiêng.
Bí ẩn về ngôi chùa cổ nằm "lơ lửng" giữa những tầng mây
Trên đỉnh núi Phạm Tịnh (Fanjingshan) nơi cao nhất của dãy núi Vũ Lăng ở tây nam Trung Quốc là hai ngôi chùa Phật giáo cổ.
Đây là một danh thắng rất khác biệt với hai ngôi chùa nhỏ xây trên đỉnh một chóp đá chẻ, nối với nhau bằng cây cầu hình vòm, nhìn hướng tới cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ.
Với lịch sử hơn 500 năm được xây từng thời nhà Minh, làm thế nào để các Phật tử cách đây hàng trăm năm xoay xở vận chuyển những vật liệu cần thiết lên xây chùa, đến nay vẫn còn là câu hỏi bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Nằm ở độ cao khoảng 2.330 m so với mực nước biển, chùa Phật và chùa Di Lặc bị ngăn cách nhau bởi hẻm núi. Nhưng du khách có thể đi theo cầu đá để từ chùa này sang chùa bên kia.
Kể từ năm 2018, UNESCO đã công nhận nơi này là Di sản Thế giới, với hai ngôi chùa có tầm quan trọng lớn trong Phật giáo, là nơi giác ngộ của Phật Di Lặc.
Chùa Treo 1.500 tuổi - Kiệt tác nằm chênh vênh giữa hẻm núi dựng đứng
Huyền Không tự là chùa treo nổi tiếng nằm ở núi Hằng Sơn, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, với niên đại hơn 1500 năm tuổi.
Trải qua hàng chục thế kỷ, ngôi chùa nằm ở địa thế hiểm trở, chênh vênh giữa những hẻm núi dựng đứng, nhưng vẫn hiên ngang giữa đất trời, "thi gan" cùng tuế nguyệt, tạo nên cảnh quan hùng vỹ hiếm có, đồng thời là điểm đến tâm linh hút khách đặc biệt vào dịp đầu năm.
Theo sử sách ghi lại, Huyền Không tự do một nhà sư xây dựng, được cho là từ thời Bắc Ngụy (năm 386-557). Ban đầu, chùa vốn được dựng bằng gỗ trên vách đá. Qua nhiều triều đại phong kiến, từ nhà Đường, Nguyên, Minh, Thanh, chùa treo được trùng tu. Lần trùng tu gần đây nhất diễn ra vào năm 1900.
Nằm ở địa thế hiểm trở như thế, nguyên nhân gì giúp ngôi chùa trải qua hàng nghìn năm lịch sử cùng trời đất mà vẫn được bảo tồn gần như hoàn hảo cho con cháu đời sau? Đó là câu hỏi bất cứ du khách nào có dịp tới đây không khỏi thắc mắc.
Có thể nói, cấu trúc chùa là sản phẩm hoàn hảo của người xưa sáng tạo nên, đồng thời giúp công trình vẫn vững vàng cho tới ngày nay. Nhờ khí hậu khô trên cao đã giúp kết cấu gỗ của chùa không bị mục nát. Nằm trên vách núi, cách xa mặt nước nên lũ lụt, mưa to, hay thậm chí những trận hồng thủy cũng không thể nào tác động tới chùa.
Trong 50 năm trở lại đây, lịch sử ở khu vực này từng ghi nhận xảy ra 3 trận động đất với cường độ từ 6 độ richter trở nên. Gần nhất vào năm 1992, toàn huyện có khoảng 10.000 ngôi nhà và công trình đổ sập, nhưng chùa Huyền Không vẫn không bị ảnh hưởng.
Nhờ cấu trúc còn nguyên vẹn tới ngày nay, vào tháng 12/2010, Huyền Không tự được tạp chí Times bình chọn nằm trong "Top 10 kiến trúc bí ẩn nhất thế giới".
Chùa Đá Vàng nằm chênh vênh trên tảng đá suốt nghìn năm
Chùa Đá Vàng hay chùa Kyaikhtiyo là một trong những điểm đến nổi tiếng, xếp trong hàng những kiệt tác thiên nhiên của Myanmar. Chùa nằm trên đỉnh núi Kyaikhtiyo ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, tọa lạc trên khối đá hình trứng, chênh vênh trên sườn núi. Cả ngôi chùa và tảng đá đều được dát kín vàng.
Nhìn ở nhiều góc độ khác nhau, du khách có cảm giác tảng đá khổng lồ có thể lăn xuống dưới bất cứ lúc nào. Thế nhưng nó vẫn đứng vững hàng nghìn năm nay, phá vỡ mọi nguyên tắc trọng lực. Đáng ngạc nhiên ở chỗ, gắn liền với tảng đá vàng là truyền thuyết kỳ bí mà thú vị về Đức Phật tới nơi này truyền đạo.
Với các tín đồ Phật tử, cuộc hành hương về với ngôi chùa Đá Vàng luôn là một giấc mơ. Các Phật tử tới đây sẽ mang thêm những lá vàng dát vào tảng đá thiêng.
Đặc biệt từ tháng 11 đến tháng 3 hàng năm, nơi này luôn chật kín Phật tử từ khắp thế giới đổ về. Trong ngày 31/12 hàng năm tổ chức lễ hội thắp hàng nghìn ngọn đèn chào năm mới và tạ ơn Đức Phật ngay tại khuôn viên chùa.
Tu viện Phật giáo linh thiêng tọa lạc trên vách đá cao ngất giữa tầng mây
Tu viện Paro Taktsang là ngôi đền nổi tiếng, địa điểm linh thiêng của Phật giáo nằm trên dãy Himalaya, cheo leo bên vách đá cao ngất giữa những tầng mây của thung lũng Paro, Bhutan.
Được xây dựng vào năm 1692, công trình còn là nơi tín đồ Phật giáo và người dân Bhutan đặc biệt tôn kính bởi vì nó gắn liền với quá trình tu tập và hành đạo của ngài Padmasambhava.
Quần thể tu viện gồm có bốn ngôi điện chính và những khu nhà ở được thiết kế khéo léo, tùy biến theo địa thế của các vách núi đá, hang động. Xung quanh khu vực của tu viện Paro Taktsang hiện có 8 hang động. Mỗi ngôi điện còn có ban công, là nơi lý tưởng cho du khách ngắm nhìn thung lũng Paro tuyệt đẹp ở phía dưới.