Những món ngon ở An Giang khiến thực khách mê mẩn
(Dân trí) - An Giang là một vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nhiều sản vật cùng khung cảnh hữu tình. Không những thế, các món ngon đậm chất miền Tây Nam Bộ nơi đây cũng khiến nhiều người quyến luyến không muốn rời xa.
Đường thốt nốt
Thốt nốt là một loài cây đặc trưng ở vùng Bảy Núi không chỉ cho nước uống mát lành mà còn là nguyên liệu làm món đường đặc sản. Đường được làm từ mật hoa và trái thốt nốt. Trải qua nhiều công đoạn, người dân đã cho ra những khoanh đường màu vàng da bò, ngọt thanh, thơm dịu và khi ăn có vị béo.
Ngoài cách thưởng thức trực tiếp, đường thốt nốt còn được dùng để nấu chè hoặc pha nước mắm làm tăng hương vị. Nấu chè thốt nốt rất đơn giản, chỉ cần nấu tan đường thốt nốt để có vị ngọt vừa phải, khuấy nước cốt dừa cho được hỗn hợp sền sệt rồi cho cùi thốt nốt vào. Món ăn sẽ ngon hơn nếu cho thêm thạch dừa vào và thưởng thức.
Bò cạp Bảy Núi
Bò cạp hay còn gọi là "bù kẹp", có màu đen nhánh, hai càng to kềnh, to cỡ con dế cơm. Về vùng Bảy Núi, du khách có thể tận mắt nhìn thấy loại côn trùng này được bán rất nhiều dọc hai bên đường.
Để bắt được những con bò cạp, người dân phải trang bị một cây cuốc, một cây kẹp, một chiếc xô và phải lên tận núi mới có. Tìm thấy tảng đá nào khả nghi, họ chỉ cần lật sang một bên, nhìn miệng hang thò kẹp vào là có ngay một con bò cạp.
Bò cạp bắt về được cho vào thau vài ngày cho "sạch bụng". Sau đó, người dân chỉ việc để nguyên con và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bò cạp chín sẽ bốc mùi thơm lạ lùng. Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh. Theo những người sành ăn, bụng của bò cạp mới là phần ngon nhất.
Món bò cạp còn được chế biến theo các kiểu khác như bò cạp lăn bột, bò cạp chiên bơ,... Một số người Khmer địa phương còn dùng bò cạp ngâm với rượu để chữa các chứng đau lưng, nhức mỏi, đau khớp… Thực tế thì món bò cạp thường chỉ dùng làm mồi nhậu cho các quý ông.
Cơm nị - cà púa
Về An Giang, nếu may mắn, du khách sẽ được thưởng thức món cơm nị - cà púa của người Chăm ở Châu Giang. Đây là món ăn độc đáo, thể hiện văn hóa ẩm thực đa dạng của người Chăm ở Châu Giang nói riêng và vùng An Giang nói chung.
Cơm nị là loại cơm được nấu bằng gạo ngon (đã xào săn) và nước cốt dừa. Cà púa là tên gọi một món ăn được người Chăm chế biến từ thịt bò. Khi nấu cà púa, người chế biến thường cho cà ri vào. Cà ri ở đây có mùi vị riêng do bí quyết gia truyền của từng gia đình nên món ăn có thể có sự khác biệt nhỏ về hương vị.
Cơm nị - cà púa mang mùi ngọt béo của sữa, vị bùi của đậu phộng, vị mặn ngọt của thịt bò cùng với vị cay xè của ớt. Tất cả đem lại cho người ăn một cảm giác thơm ngon, thật lạ miệng, no bụng mà chẳng thấy ngán.
Mắm Châu Đốc
Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là "vương quốc mắm" nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mekong nổi tiếng với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú. Đến Châu Đốc, bạn sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc... hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.
Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặc trưng của Nam Bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi kg.
Nhiều thương hiệu mắm nổi tiếng ở Châu Đốc làm theo công thức gia truyền riêng nên vị cũng khác nhau. Nếu muốn mua loại mắm ngon và hợp khẩu vị nhất về làm quà, bạn hãy nhờ người bán tư vấn. Du khách có thể mua mắm ở chợ Châu Đốc hoặc khu vực ngay chân núi Sam.
Cá lóc nướng trui
Cá lóc nướng trui là một món ăn đặc sản vùng Tây Nam Bộ. Cá lóc dùng nướng trui phải là loại cá lóc đồng thật tươi. Sau khi đem rửa cho sạch bùn nhớt, người ta xuyên một que tre qua thân cá rồi cắm xuống đất, phủ rơm khô lên và châm lửa đốt.
Cá được nướng chín vừa phải sao cho vảy cá cháy đều nhưng không làm khét thịt bên trong. Khi cá vừa chín tới, phần vảy cá cháy được cạo bớt. Thực khách chỉ việc lấy cá ra khỏi que tre rồi thưởng thức.
Cá lóc nướng trui khi chín đều sẽ để lộ phần thịt trắng, khói bốc lên thơm phức. Ăn kèm với cá lóc nướng trui là bánh tráng, bún tươi và các loại rau thơm, chuối chát, khế chua, đọt xoài, đọt cóc kèn… chấm kèm nước mắm chua ngọt, nước mắm me đều ngon tuyệt vời.
Cơm tấm Long Xuyên
Dọc đường về Long Xuyên (An Giang), du khách sẽ bắt gặp nhiều món ăn phổ biến như bún, phở, hủ tiếu, bánh canh,… Nhưng trong đó, cơm tấm Long Xuyên hẳn sẽ mang đến cho bạn một trải nghiệm thú vị về món ăn tưởng chừng quen mà lạ này.
Cơm tấm ở đây khá đơn giản khi không có nhiều nguyên liệu ăn kèm. Một đĩa cơm tấm đầy đủ chỉ có sườn, trứng, bì và đồ chua. Chỉ đơn giản là thế nhưng chính nhờ quá trình tẩm ướp nguyên liệu cũng như cách trình bày mà món ăn đã tạo nên một sức hút riêng.
Không giữ nguyên miếng sườn to bản, thịt sườn ở đây được thái thành lát dài, tẩm ướp gia vị rồi nướng chín trên bếp than hồng. Ngoài thịt, đĩa cơm tấm còn có trứng kho. Cũng giống như sườn, trứng không được để nguyên quả mà thái thành từng lát mỏng giúp người ăn không bị ngấy.
Không thể không kể đến các thành phần khác trong cơm tấm như bì, một ít mỡ hành và dưa chua. Ăn kèm với cơm là nước mắm pha hơi sánh. Chính những thành phần nhỏ nhưng quan trọng đó đã tạo cho cơm tấm một hương vị rất riêng khiến người ăn thích mê.
Tung lò mò
“Tung lò mò” là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Để được tung lò mò ngon nhất, người ta phải lấy thịt bò ở các phần như: đùi, bắp hoặc thịt bò nạc lóc từ xương. Sau khi loại bỏ những phần dai cứng, thịt bò sẽ được đem rửa sạch để ráo, khử mùi bằng cách ướp với chút rượu và gừng rồi đem cắt thành miếng, băm hoặc xay nhỏ.
Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Tung lò mò nên nướng chín tới đâu ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lẫn trong đó là vị chua của khế, vị chát của chuối sống ăn kèm. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt mới đúng vị.
Canh chua cá linh bông điên điển
Có hai thứ làm nên đặc trưng của mùa nước nổi miền Tây là cá linh và bông điên điển. Cũng chính hai nguyên liệu này tạo nên món canh chua độc đáo của người miền Tây.
Món canh chua cá linh bông điên điển cũng được nấu tương tự như các loại canh chua thông thường khác. Cá linh sau khi làm sạch thì cho vào nồi nước me chua nấu. Đợi nước sôi, người miền Tây tiếp tục cho các nguyên liệu như giá, cà chua, ngò gai, rau thơm và bông điên điển vào nồi rồi nêm nếm gia vị. Món canh hấp dẫn thực khách bởi vị ngọt thanh kèm chút béo của cá linh non, nước canh chua cùng với mùi thơm từ các loại rau khiến bạn ăn mãi không thấy ngán.
Nếu may mắn về miền Tây mùa lũ, du khách phương xa đừng nên bỏ qua “khúc biến tấu” từ đặc sản cá linh, một đặc ân tự nhiên chỉ tìm thấy duy nhất do dòng Mekong ban tặng.
Hoàng Ngọc
Tổng hợp