Quảng Nam:

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết

(Dân trí) - Chỉ còn gần 1 tháng nữa sẽ đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các làng nghề truyền thống xứ Quảng những ngày này nhộn nhịp hơn hẳn. Không khí sản xuất tất bật, khẩn trương len lỏi vào từng mái nhà, ngách ngõ.

Nghề làm tượng ông Công, ông Táo (Làng gốm Thanh Hà-Hội An)

Nếu một lần ghé qua Hội An - Quảng Nam, bạn không thể bỏ qua làng nghề cổ truyền này. Làng Thanh Hà đã tồn tại từ trước triều Nguyễn có lịch sử gần 500 năm.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 1.

Nghề làm tượng ông Công, ông Táo nhộn nhịp dịp cận Tết

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 2.

Tượng được làm tỉ mẩn, kỹ càng từng công đoạn để xuất bán đi khắp mọi miền để có mặt trên mâm cúng vào 23 tháng Chạp

Những ngày cận Tết Nguyên đán 2019, không khí sản xuất như rộn ràng hơn hẳn. Đặc biệt đây còn là nơi ra đời của hàng ngàn tượng ông Công, ông Táo sẽ có mặt trên mâm cúng 23 tháng Chạp của gia đình người Việt trên khắp mọi miền.

Bởi vậy, bắt đầu từ tháng 11 hàng năm, những nghệ nhân làng gốm Thanh Hà lại bắt đầu nổi lửa làm tượng.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 3.

Nhiều nghệ nhân vẫn cố gắng giữ nghề để lưu giữ hồn Việt

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Văn Chín-một trong những nghệ nhân vẫn còn lưu giữ nghề làm tượng ông Công, ông Táo tại làng gốm Thanh Hà

 

Theo những người thợ làm tượng, để làm ra một tượng Táo quân đẹp mắt và đạt chất lượng, người thợ phải tỉ mỉ từng công đoạn: nhồi đất cho nhuyễn, phơi khô phải đủ 2-3 nắng hoặc sấy, nung 3 ngày 3 đêm, sau đó đợi 2 ngày cho tượng nguội rồi sơn tượng…

Tượng Táo quân được bán với giá từ 1.500-2.000 đồng/tượng tùy theo loại. Cứ mỗi dịp cận Tết cổ truyền của dân tộc, các gia đình làm nghề ở Thanh Hà sản xuất khoảng từ 30-60.000 tượng để cung ứng ra thị trường.

Làng nghề trồng rau truyền thống Trà Quế (Cẩm Hà, Hội An)

Những ngày này, người trồng rau tại làng rau Trà Quế (Hội An) đang tất bật chăm sóc, vun bón những luống rau để kịp phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp đến.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 5.

Làng rau Trà Quế gần 500 năm tuổi nối tiếng với chất lượng rau sạch rộn ràng vào vụ cung ứng thị trường Tết

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 6.

Đây còn là nơi du lịch sinh thái thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách

 

Rau sử dụng hóa chất độc hại hiện đang là nỗi lo cho người tiêu dùng cả nước. Trong khi nhiều nơi dự án rau sạch VietGap bị phá sản, người trồng rau sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu tràn lan thì rau ở làng rau Trà Quế không chỉ nổi tiếng có hương vị riêng mà còn sạch đúng nghĩa. Những ngày cuối năm, lượng rau ở đây không đủ để cung ứng ra thị trường.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 7.

Vào mùng 7 tháng Giêng hằng năm, người dân sẽ tổ chức lễ Cầu Bông để cầu mưa thuận, gió hòa…

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 8.

Món tôm hữu được làm từ các loại rau nổi tiếng Trà Quế

 

Bình quân mỗi ngày, nông dân Trà Quế thu hoạch hơn 2 tấn rau. Nhưng vào thời điểm cuối năm, nhu cầu rau tăng cao, lượng rau cung ứng ra thị trường khoảng 3 tấn. Năm nay, thời tiết thất thường, sản lượng rau có giảm nhưng giá rau sạch liên tục tăng khiến người dân trồng rau rất phấn khởi.

Làng chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh-Duy Xuyên)

Nằm trên một doi đất dài giữa hai dòng sông Thu Bồn và Bà Rén, không chỉ là làng nghề truyền thống, từ lâu chiếu Bàn Thạch giống như kho tư liệu sống tạo nên không gian văn hóa làng Việt thu hút khách đến tham quan, thưởng lãm.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 9.

Nghề làm chiếu Bàn Thạch tất bật vào vụ Tết

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 10.

Người dân vẫn cố gắng giữ nghề và cải tiến hơn nữa để theo kịp nhu cầu thị trường

 

Những ngày cận Tết, đơn đặt hàng nhiều nên công việc sản xuất và buôn bán chiếu như tất bật hơn hẳn. Nhiều người làm nghề phải thức đến khuya để kịp hoàn thành sản phẩm giao cho khách.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 11.

Chợ chiếu Bàn Thạch- một chợ truyền thống đặc biệt chuyên buôn bán chiếu chỉ hợp lúc tờ mờ sáng

 

Ngay từ đầu tháng Chạp, trên những con đường vào các thôn đều có những cây cói được nhuộm màu sắc sặc sỡ, phơi khắp nơi. “Sau đợt mưa lớn gây lũ lụt vừa qua, mấy sào rau đậu bị hư mất rồi, giờ chỉ trông vào cái này thôi. Nếu cố gắng làm thì một ngày kiếm được vài trăm. Mỗi chiếc chiếu thành phẩm tùy theo kích thước giá dao động 60.000-120.000 đồng/chiếc. Nếu chăm chỉ thì ngày có thể làm 2-4 chiếc” – bà Trần Thị Liên (51 tuổi, thôn Vĩnh Nam) cho hay.

Còn ông Lê Văn Hoàng (người làm chiếu tại Bàn Thạch) cho biết: “Nghề dệt chiếu ở Bàn Thạch hiện nay phát triển cũng khá mạnh, xuất đi nhiều nơi, hằng năm đến ngày 10 tháng Chạp, người dân Bàn Thạch lại đưa chiếu làng mình vào Tam Kỳ để dự triển lãm làng nghề”.

Làng nhang Quán Hương (Hà Lam, Thăng Bình)

Xong vụ mùa, nhiều nông dân ở làng Quán Hương lại bày biện đồ để làm hương cung cấp cho thị trường Tết.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 12.

Làng Quán Hương-làng làm hương nổi tiếng Quảng Nam nhộn nhịp vào vụ Tết

 

Theo ông Phan Tiến Dũng (hơn 48 tuổi), cây hương mang thương hiệu Quán Hương được người dùng ưa chuộng là do được làm hoàn toàn bằng nguyên liệu tự nhiên. Với hương quế nguyên liệu chủ yếu gồm: bột quế được mua từ vùng Tiên Phước, Trà My nổi tiếng, bột mùn cưa.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 13.

Người dân hối hả làm ngày đêm để kịp giao sản phẩm cho khách

 

Đặc biệt, người thợ làm hương tại làng nghề thường sử dụng chất kết dính giữa các loại bột là một loại keo bột tự nhiên nên cây hương thơm lâu mà không độc hại. Trong khi đó, chông hương được làm từ loại tre vàng có độ dẻo nên cây hương có độ bền cao. Nếu đủ nắng, chỉ cần phơi liên tục và đảo đều tay trong vòng 4 giờ là hương vừa khô.

Cả năm, Quán Hương xuất ra khoảng 700 tấn hương đến thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận như: Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Quảng Trị… Hương của làng nghề có khi lên tận Tây nguyên và được xuất sang Lào…

Làng bánh in truyền thống An Lạc (xã Duy Thành, Duy Xuyên)

Gần đến Tết cổ truyền, làng bánh in truyền thống An Lạc lại nhộn nhịp với những mẻ bánh in, bánh da dẻo… thơm ngon nức mũi.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 14.

Nghề làm bánh in An Lạc có truyền thống từ lâu đời, đến dịp cận Tết lại nổi lửa để phục vụ thị trường Tết

 

Cả làng An Lạc hiện có hơn 20 hộ làm nghề bánh in, chưa kể có những hộ dịp Tết nông nhàn, tranh thủ hoặc nhận gia công cho các cơ sở sản xuất lớn, hoặc tự làm để bán lẻ kiếm thêm thu nhập.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 15.

Hương Tết như len lỏi, thơm nức khắp đầu làng cuối xóm

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 16.

Giữ nghề truyền thống dân tộc

 

Đến với thôn An Lạc trong dịp cận Tết Nguyên đán, bạn có thể lắng nghe những tiếng gõ lốc cốc của người thợ luôn tay đổ bánh ra khỏi khuôn, tiếng máy xay bột chạy ầm ầm và đặc biệt là mùi thơm quyến rũ, hấp dẫn của nếp mới, đậu xanh…

Những ngày cận Tết, cả gia đình ông Nguyễn Mật cũng phải huy động hết năng suất để kịp giao bánh theo đơn đặt hàng. Tết năm nay, cơ sở của ông Mật sẽ sản xuất hơn 1,5 tấn bánh để bỏ mối cho bạn hàng.

Làng nghề làm chổi Chiêm Sơn (Duy Trinh, Duy Xuyên)

Với gần 50% hộ dân làm nghề chổi đót, cả thôn có gần 15 cơ sở sản xuất với số lượng công nhân trung bình từ 10-20 người mỗi cơ sở; nghề làm chổi đã trở thành một trong những nghề mang lại kế sinh nhai cho người dân, giúp họ cải thiện cuộc sống.

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 17.

Nghề làm chổi Chiêm Sơn làm quanh năm, nhưng nhộn nhịp nhất là vào dịp cuối năm để phục vụ thị trường Tết

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 18.

Làng làm chổi đã được công nhận làng nghề, như sự công nhận với công sức của người dân bào lâu nay

 

Những làng nghề truyền thống “chạy đua” ngày cận Tết - Ảnh 19.

Ngoài mẫu chổi đót, người dân còn sáng tạo nên nhiều loại khác nhau để cung ứng thị trường

 

Trước đây, chổi đót là sản phẩm chính của làng Chiêm Sơn, nhưng hiện nay để đáp ứng nhu cầu thị trường, người dân đã sản xuất thêm nhiều mẫu mã như chổi cán gỗ, cán nhựa, cán đót... được người tiêu dùng ưa chuộng.

Ông Nguyễn Nhất Tuấn - Tổ trưởng tổ sản xuất làng nghề cũng là chủ cơ sở ươm tơ và chổi đót thôn Chiêm Sơn - cho biết: “Chúng tôi làm chổi quanh năm, nhưng tiêu thụ mạnh nhất thường vào cuối năm. Chổi được xuất đi khắp nơi trong và ngoài tỉnh, mang lại nguồn thu nhập khá cho các hộ gia đình trong làng. Mỗi năm, người làng chổi Chiêm Sơn lại mang sản phẩm đến hội chợ làng nghề để quảng bá cho người dân khắp nơi”.

C.Bính-N.Linh