Những hình ảnh kinh hoàng tại lễ hội đầu xuân ở Việt Nam…

(Dân trí) - Lễ hội dân gian vào dịp đầu Xuân thể hiện văn hóa mỗi vùng, miền nhưng ngày nay đã bị biến tướng thành những trò bạo lực phản cảm, thậm chí một số lễ hội còn được các thanh niên lợi dụng làm nơi thanh toán ân oán giang hồ

Đổ máu, hoảng loạn vì cướp phết

Những hình ảnh kinh hoàng tại lễ hội đầu xuân ở Việt Nam… - 1

Chiều 20/2/2016 (tức 13 tháng Giêng) tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, hàng nghìn thanh niên trai tráng, trong đó có nhiều người xăm trổ tranh cướp phết kinh hoàng để cầu may mắn. Trong phần hội, 6 quả phết được ông "Chỉ Tiên" đem ra tung cho người dân với ý nghĩa: Nếu ai bị quả phết rơi vào đầu hay chạm tay thì năm đó không chỉ riêng họ mà cả làng, gia đình, thôn xóm đều gặp may mắn. Vì thế, hàng nghìn người đã nhảy vào tranh cướp thậm chí đổ máu để cầu may.

Luật chơi khá đơn giản, sau 3 hồi trống, ông Mệnh (một cao niên có uy tín trong làng) cầm quả phết đứng trên bậc thờ đình Đông Lai và tung ra, phía dưới hàng nghìn thanh niên trai tráng chờ sẵn phía dưới để cướp lấy quả phết, người nào hoặc nhóm nào cướp được phết đem vào bái yết trước cửa đền sẽ giành chiến thắng và được làng trao thưởng.

Vì niềm tin như vậy nên màn cướp phết năm nay đã diễn ra rất hỗn loạn, không ai chịu kém ai, các nhóm thanh niên của từng xóm lao vào ẩu đả, giẫm đạp lẫn nhau để cướp phết.

Những hình ảnh kinh hoàng tại lễ hội đầu xuân ở Việt Nam… - 2
Những hình ảnh kinh hoàng tại lễ hội đầu xuân ở Việt Nam… - 3

Dù buổi chiều muộn lễ hội mới diễn ra nhưng từ trưa, hàng trăm thanh niên đã sẵn sàng cho cuộc chiến tranh giành. Chẳng kịp chờ quả phết được rước đến đúng chỗ quy định, hàng trăm thanh niên mình trần lao vào nhau, giẫm đạp, ẩu đả để cướp bằng được quả phết với hy vọng mang lại may mắn cho mình. Biển người hỗn loạn, gào thét tạo nên cảnh tượng tranh giành phản cảm. May mắn chẳng thấy đâu nhưng đã có người vỡ đầu mẻ trán, có người bị đám đông chen đến ngất lịm, cũng chẳng hiếm người mặt mày lấm lem, thần sắc hoảng loạn do ẩu đả.

Đạp đổ hàng rào vào xin ấn

Tối ngày 14 tháng Giêng diễn ra hoạt động khai ấn Đền Trần, một trong những lễ hội lớn thu hút lượng lớn du khách. Lễ hội Khai ấn đền Trần là tục lệ cổ tại Tiên Miếu nhà Trần (Phủ Thiên Trường xưa) với ý nghĩa nhân văn là cầu mong cho quốc thái, dân an; thiên hạ thái bình, thịnh trị; động viên mọi người bước vào năm mới mạnh khỏe, lao động hăng say, học tập, công tác tốt.

Đây cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân bày tỏ lòng thành kính, tri ân công đức của các bậc tiền nhân, ghi nhớ công lao to lớn của Vương triều Trần ba lần chiến thắng quân Nguyên Mông xâm lược ở thế kỷ 13.Thế nhưng, nhiều người đi lễ Khai ấn đền Trần đã không hiểu rõ những ý nghĩa đó.

Những hình ảnh kinh hoàng tại lễ hội đầu xuân ở Việt Nam… - 4

Dù BTC Lễ hội đã chuẩn bị các phương án an ninh chặt chẽ như huy động hơn 2.000 cán bộ chiến sĩ công an, quân sự, dân quân tự vệ trên địa bàn tham gia công tác đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông nhưng vẫn không ngăn được hàng nghìn người đạp đổ hàng rào, trèo lên lư hương để nhìn kiệu rước, thậm chí giẫm lên cả bệ thờ để chạm tay vào “bảo kiếm”. Chỉ vài tiếng sau khi làm lễ khai ấn, các vật phẩm như hoa, quả tại ban thờ ngoài sân đền Thiên Trường đã bị cướp đến tan hoang.

Thanh niên rượt đuổi đánh nhau giữa phiên chợ

Tình trạng đánh nhau để cầu may năm nào cũng diễn ra ở phiên chợ Chuộng đầu năm ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Cứ vào mùng 6 tháng Giêng, hàng nghìn người đổ về phiên chợ này để “mua may, bán rủi”. Chợ Chuộng còn được biết đến bằng nhiều tên gọi khác như chợ choảng nhau, chợ giải xui, chợ ân oán… Người dân đến chợ Chuộng dù không quen biết, nhưng hễ gặp nhau là họ "choảng" nhau bằng cà chua, táo, trứng thối... Người ta có thể đánh nhau vì bất kỳ lý do gì, với bất kỳ ai. Theo quan niệm của người dân quanh vùng, năm nào tại phiên chợ Chuộng càng đánh nhau to thì năm đó bà con làm ăn thuận lợi, may mắn…

Những hình ảnh kinh hoàng tại lễ hội đầu xuân ở Việt Nam… - 5
Những hình ảnh kinh hoàng tại lễ hội đầu xuân ở Việt Nam… - 6

Nét độc đáo của phiên chợ này chính là màn đánh nhau giữa tốp thanh niên làng này với làng khác, giữ nhóm này với nhóm kia bằng cà chua chín đỏ, ai bị ném nhiều cà chua vào người thì người đó năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, bình an. Bởi thế mà tại chợ Chuộng, thứ không thể thiếu được đó chính là cà chua, đây là “vủ khí” chính dùng để “đánh nhau” cầu may.

Những năm gần đây, chợ Chuộng đã phần nào mất đi vẻ độc đáo của nó khi nhiều cuộc “đánh nhau” cầu may trở thành đánh nhau thật sự khiến nhiều người sứt đầu mẻ trán. Mọi thù hằn cá nhân, hay bực tức của thanh niên làng này với làng khác, người này với người kia đã được họ đem về chợ Chuộng để “giải quyết”.

Một số thanh niên đã lợi dụng phiên chợ để thanh toán hiềm khích cá nhân. Có người đã mang thương tật vì đánh nhau tại chợ Chuộng. Nhiều du khách đến chợ rất sợ hãi khi chứng kiến cảnh các nhóm thanh niên trai tráng rượt đuổi nhau bằng gậy gộc, thậm chí bằng dao, kiếm… Có người bị đuổi đánh đau đớn đã phải nhảy xuống sông mới thoát nạn.

Hữu Thắng

(tổng hợp)