Những đứa trẻ làm du lịch ở thung lũng Tả Van

Xã Tả Van cách trung tâm thị trấn Sa Pa (Lào Cai) khoảng 8km. Qua con đường gập ghềnh, uốn lượn quanh triền núi, Tả Van thoáng hiện là một thung lũng lòng chảo nằm dưới chân núi Hoàng Liên cao sừng sững.

Nơi đây là địa bàn cư trú từ lâu đời của đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, Giáy. Đến Tả Van, ngoài ấn tượng về mây, núi, ruộng bậc thang và tiết trời mát mẻ quanh năm, chúng tôi còn nhớ mãi hình ảnh những đứa trẻ người dân tộc đi theo chân khách để hướng dẫn du lịch và bán hàng lưu niệm.


Ai đến Tả Van đều có thể gặp gỡ những hướng dẫn viên nhí là người bản địa.

Ai đến Tả Van đều có thể gặp gỡ những hướng dẫn viên nhí là người bản địa.

Từ chuyện mưu sinh

Tĩnh lặng, hoang sơ, bình yên và đậm sắc màu bản làng là những gì mà miền đất Tả Van có được. Là một thung lũng dưới chân hai dãy núi Hoàng Liên và Hàm Rồng, Tả Van được thiên nhiên ưu ái với khí hậu mát lành quanh năm, đất đai phì nhiêu trên những thửa ruộng bậc thang chạy dài, uốn lượn theo triền núi, nước suối trong vắt chảy quanh những bản làng. Nơi đây, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên như những cây sa mu non giữa đại ngàn.

Ai đến Tả Van đều có thể gặp gỡ những hướng dẫn viên nhí là người bản địa. Mỗi khi có chuyến xe chở khách du lịch dừng lại ở điểm dừng chân ngắm ruộng bậc thang hay tại đầu xã Tả Van, bọn trẻ lại chạy ùa ra đeo bám.

Lớn có, nhỏ có, đủ các lứa tuổi nhưng bọn trẻ ở đây đều giống nhau là tóc vàng hoe, mặc trang phục dân tộc và đứng thành từng nhóm ở những điểm khách du lịch thường dừng lại trên đường vào xã.

Chẳng phải vui đùa gì đâu, bọn trẻ đứng đợi ở đây là để bán hàng lưu niệm, làm “hướng dẫn viên” cho du khách. Cái nghề mà từ khi phố núi Sa Pa trở thành điểm du lịch nổi tiếng thì không chỉ người lớn mà những đứa trẻ mới lên 7 hay lên 10 cũng chọ chọe làm theo.

Bắt chuyện Giàng Thị Mí, cô bé nhỏ nhắn nhưng đôi mắt khá sáng và nhanh nhẹn, chúng tôi được biết, Mí và bạn bè của em sinh ra từ trên các bản làng xa xôi của Tả Van.

Từ nhà xuống trung tâm xã có đến 5 - 6 cây số đường núi gập ghềnh. Mí kể, vào ngày nghỉ cuối tuần hay những ngày hè, Mí cùng bọn trẻ trong các bản cùng nhau xuống núi để “làm du lịch”, phụ giúp thêm cho gia đình.

Việc chẳng nặng nhọc gì nhưng cần sự kiên trì. Đó là chờ khách du lịch đến, chạy lại bán hàng lưu niệm rồi hướng dẫn khách đi bộ vào bản.

Bọn trẻ ở đây hồn nhiên lắm, đứa nào cũng toát lên cái vẻ vừa e thẹn của trẻ vùng cao vừa có vẻ nhanh nhẹn của người làm du lịch. Chẳng thế mà khi chúng tôi đi bộ qua cây cầu dẫn vào trung tâm xã, bọn trẻ đã bám theo từng tốp người để giới thiệu về bản, về xã của mình mà không hề ngần ngại. Thậm chí, bọn trẻ còn lon ton đi trước dẫn đường khiến cho khách du lịch cảm thấy không lạ lẫm khi vào sâu trong bản.

“Khi vào bản, muốn nghỉ chân và ăn trưa ở đâu?” - Chúng tôi hỏi. Giàng Thị Mí vồn vã: “Chú thích nghỉ ở đâu thì nghỉ, ăn đâu thì ăn, cả xã, nhà ai cũng có chỗ cho khách nghỉ chân”.

Thì ra, bọn trẻ tuy nhỏ nhưng đều biết rằng ở Tả Van xa xôi, người dân nhà nhà đều làm du lịch và có chỗ dành cho khách nghỉ chân. Hơn thế, khi vào các bảo tàng gia đình, bọn trẻ thi nhau giới thiệu về các sản phẩm văn hóa cho khách tại đây một cách say sưa và đầy tự hào.

Đến việc học hành

Chúng tôi tò mò hỏi mấy đứa trẻ về việc thu nhập hằng ngày của chúng, bọn trẻ cười khanh khách và xua tay rằng chẳng được bao nhiêu. Với chúng, việc xuống núi vừa học cách làm hướng dẫn viên, vừa là niềm vui trong những ngày nghỉ.

Những lúc không có khách, bọn trẻ ngồi tụ tập bên lề đường để chơi đánh quay, chơi nhảy dây và ô ăn quan, tiếng nói cười vang lên hòa vào tiếng suối reo khiến cho không gian nơi đây trở nên náo nhiệt.

Trên đường vào bản, lũ trẻ láu táu kể đủ thứ chuyện. Nói đến học, bọn trẻ đứa nào cũng trả lời rất say sưa. Tâm sự với chúng tôi, bọn trẻ cho biết, chúng rất thích đi học.

Nhà ở tận sườn núi Hoàng Liên, quanh năm mây phủ, chỉ thích xuống trường ở bán trú rồi học chữ. Chúng tôi hỏi về điều kiện gia đình có đủ nuôi ăn học không.

Bọn trẻ trả lời, nhà chúng em nghèo lắm, bố mẹ làm chỉ đủ ăn thôi, không có tiền đi học đâu. May được nhà trường xây nhà bán trú, cho ăn ở mới có điều kiện để đi học.

Khi đi qua Trường Tiểu học, THCS Tả Van, thấy nhà trường được xây dựng khang trang, lại có nhà bán trú ở khu riêng, chúng tôi thầm hiểu, điều kiện cơ sở vật chất nơi đây đã được đầu tư khá nhiều và đây sẽ là cơ hội để những đứa trẻ ở Tả Van có điều kiện xuống núi học chữ.

Khi hỏi về thầy cô giáo, bọn trẻ thi nhau trả lời rằng quí cô giáo lắm và có nhiều lần cô đến tận bản để tìm học sinh đến lớp. Những ngày mưa lũ, cô giáo ra tận suối để đón.

Mải mê nghe chuyện của bọn trẻ về câu chuyện làm du lịch, rồi chuyện học, chúng tôi có nhiều suy ngẫm về thế hệ măng non nơi đây.

Những đứa trẻ tóc vàng hoe, bước đi rắn rỏi và giọng nói lanh lảnh tương lai sẽ ra sao. Việc xuống núi để mưu sinh quá sớm rồi chuyện học hành sẽ giúp chúng trở thành những người như thế nào.

Biết rằng, những đứa trẻ ở thung lũng xa xôi này có những ước mơ còn cao hơn cả dãy Hoàng Liên trước mặt, nếu chúng được dạy bảo và học hành đầy đủ thì lớn lên, biết đâu, các em lại là những chủ nhân của xứ sở du lịch bình yên này.

Theo Nguyễn Thế Lượng

GD&TĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm