Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc

(Dân trí) - Trong không khí xuân tràn ngập, sau khi dâng hương lễ Phật cầu mong một năm mới an lành, vãn cảnh đền chùa sẽ mang lại cho bạn những phút giây thanh tịnh và yên bình.

1. Phủ Tây Hồ, Hà Nội

Phủ Tây Hồ được xem là một trong những chốn linh thiêng nhất hệ thống đền, chùa ở Hà Nội. Hàng năm cứ dịp Tết đến xuân về, nơi đây lúc nào cũng đông đúc, không chỉ là người dân Hà Nội mà nhiều khách thập phương về dâng hương.

Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc - 1

Phủ Tây Hồ vào ngày đầu năm luôn tấp nập khách thập phương.

Phủ Tây Hồ trước đây thuộc đất của một ngôi làng cổ thuộc kinh thành Thăng Long, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây. Nơi đây thờ bà chúa Liễu Hạnh. Sau khi thắp nhang cầu xin một năm an lành, bạn có thể vãn cảnh phủ, cảm nhận vẻ đẹp của Hà Nội khi hoàng hôn buông trên mặt hồ, một khung cảnh vô cùng thị vị.

2. Chùa Hương, Hà Nội

Cách Hà Nội khoảng 40 km, bạn dễ dàng đi chùa Hương trong ngày. Đây là một quần thể văn hóa - tôn giáo Việt Nam. Ngôi chùa được xây dựng với quy mô chính vào khoảng cuối thế kỷ 17, sau đó bị huỷ hoại trong kháng chiến chống pháp năm 1947 và được phục dựng lại năm 1988.

Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc - 2

Ngồi thuyền trên dòng suối Yến vào chùa Hương.

Hằng năm, bắt đầu từ mồng 6/1 đến hết tháng 3 âm lịch diễn ra lễ hội chùa Hương. Rất đông các Phật tử từ khắp cả nước đổ về trảy hội, vừa để lễ bái, cầu nguyện, vừa chiêm ngưỡng cảnh đẹp non nước.

Thật thú vị khi ngồi lênh đênh trên con đò, xuôi theo dòng suối Yến, cảm nhận vẻ đẹp của đất trời vào xuân.

3. Yên Tử, Quảng Ninh

Khu di tích danh thắng Yên Tử là một quần thể chùa, am, tháp, tượng, rừng cây cổ thụ và cảnh vật thiên nhiên thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đỉnh núi Yên Tử có chùa Đồng ở độ cao 1.068m so với mặt nước biển, nổi tiếng linh thiêng.

Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng Thiền phái Trúc lâm Yên Tử. Lễ hội Yên Tử diễn ra từ ngày 10 tháng Giêng cho tới hết tháng 3 âm lịch.

Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc - 3

 

Ngày nay có hệ thống cáp treo nên du khách dễ dàng lên được chùa Đồng mà không tốn nhiều công sức. Vì vậy, không chỉ vào dịp Tết mà khách thập phương tới đây vãn cảnh quanh năm. Từ trên đỉnh cao, bạn có thể phóng tầm mắt thưởng lãm phong cảnh của núi non, mây trời.

4. Bà chúa kho, Bắc Ninh

 

Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc - 4

Đền bà Chúa Kho cách Hà Nội 25 km, nổi tiếng linh thiêng về cầu làm ăn buôn bán. Đầu năm, nơi đây nườm nượp khách đến dâng hương, cầu mong một năm làm ăn thuận lợi. Và cuối năm nơi đây cũng nô nức người đến trả lễ.

Đền nhìn về hướng nam, các công trình kiến trúc chính của đền gồm sân đền, hai dải vũ, toà tiền tế, công đệ nhị và hậu cung, tất cả tạo thành một thể thống nhất, uy nghi. Đến đây ngoài việc dâng hương, bạn cũng có thể tìm hiểu về lịch sử ngôi đền linh thiêng.

4. Bái Đính, Ninh Bình

 

Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc - 5

Chùa Bái Đính được mệnh danh là ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á. Hằng năm, chùa mở vào đầu xuân, đón hàng triệu khách thập phương về dự. Nơi đây hấp dẫn du khách khắp nơi bởi ngôi chùa có nhiều kỷ lục: diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á…

Vãn cảnh chùa, bạn sẽ cảm nhận được không gian thanh tịnh nơi đây, với phong cảnh sơn thủy hữu tình. Đây là điểm lý tưởng cho nếu bạn chỉ du xuân trong ngày. 

5. Đền Trần, Nam Định

Mỗi năm vào ngày khai ấn, du khách đổ về chật kín các lối đi. Nhiều người phải chen lấn, dẫm đạp lên nhau để xin ấn.

Những điểm du lịch tâm linh nổi tiếng miền Bắc - 6

Cổng vào đền Trần.

Hội đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần, mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng.

Thu Hà (Tổng hợp)