Những điểm đi lễ đầu năm ở Hà Nội …
(Dân trí) - Đi lễ đầu năm không chỉ để cầu phúc cho gia đình mà còn là để hướng về cội nguồn và những nét tinh hoa văn hóa của dân tộc. Trên mảnh đất Thăng Long – Hà Nội có rất nhiều ngôi chùa, đình, đền linh thiêng để cầu may dịp đầu xuân mới.
Đền Quán Thánh
Đền được xây dựng vào năm 1010 dưới triều vua Lý Thái Tổ. Sau khi dời Đô về Thăng Long, vua cho rước bài vị của thần về ở phía tây bắc thành, gọi là Huyền Thiên Trấn Vũ Đại Đế Quán – phúc thần của kinh thành. Đền là một trong Thăng Long tứ trấn (4 vị thần trấn thành Thăng Long): thần Huyền Thiên trấn phía bắc, thần Bạch Mã trấn phía đông (đền Bạch Mã), thần Linh Lang trấn phía tây (đền Voi Phục), thần Cao Vương trấn phía nam (đền Kim Liên).
Tam quan của đền có ba cửa và hai tầng. Trên gác tam quan có quả chuông đồng cao 1.5m, nặng 1 tấn, được đúc vào năm 1677, triều đại vua Lê Hy Tông.
Đền Quán Thánh, từ xưa đã nổi danh trấn Bắc trong “Thăng Long tứ trấn” của đất kinh kỳ. Đền Quán Thánh là nơi thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – một vị thần trấn giữ hướng Bắc kinh thành Thăng Long. Vì vậy mà đền có tên là Đền Trấn Võ, Quán Thánh Trấn Võ hay Quán Thánh.
Để tưởng nhớ công ơn to lớn của ông, nhân dân đã cùng nhau đúc lên một bức tượng phác hòa hình ảnh của ông bằng thứ kim loại quý là đồng đen
Đền Quán Thánh ngày nay nằm ở ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh, Hà Nội, trên đất phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, phía Nam Hồ Tây và gần cửa Bắc Thành Hà Nội
Phủ Tây Hồ
Phủ Tây Hồ thuộc phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội. Phủ cách trung tâm Hà Nội khoảng 4 km về phía Tây.
Phủ nằm trên bán đảo lớn của làng Nghi Tàm, nhô ra giữa Hồ Tây, Phủ thờ Bà chúa Liễu Hạnh- một trong những đại diện đạo Mẫu ở Việt Nam là một trong tứ bất tử của Việt Nam đó là: Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh
Phủ Tây Hồ không cầu kỳ về kiến trúc, với chiều dọc chừng 20m, rộng chừng 8m nhưng với kiến trúc trình bày các cung bậc thơ đã mang đầy ý nghĩa tâm linh. Các công trình kiến trúc của Phủ Tây Hồ, bao gồm cổng làm kiểu tam quan, kiến trúc chính 3 nếp (Tam tòa thánh mẫu); phương đình, tiền tế, hậu cung; Điện Sơn Trang, khu nhà khách, lầu Cô, lầu Cậu.
Di tích Phủ Tây Hồ hiện còn lưu giữ được khối di vật khá phong phú mang giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật thuộc thế kỷ XIX, XX như bộ tượng tròn gần 300 pho, hoành phi, câu đối…Đặc sắc nhất là bức đại tự ghi: “Thiên tiên trắc giáng” (Tiên trời xuất hiện) và bức hoành phi ở cửa cung đề: “Mẫu nghi thiên hạ” (làm mẹ của cả thiên hạ).
Đáng chú ý nhất trong các điện thờ Mẫu thường có ba pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây tượng trưng cho rừng, nơi con người xưa sinh sống bằng các loại củ; Mẫu Thoải (thủy) là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất. Ba vị mẫu này hợp thành Tam phủ, giải thích quá trình tiến hóa của cư dân Việt, từ rừng núi, sông suối xuống đồng bằng định cư trồng lúa nước.
Cũng theo quan niệm Tam phủ thì, cai quản thiên phủ có thiên quan ban phúc lộc cho con người, cai quản địa phủ có địa quán xá bỏ tội lỗi cho con người, cai quản thủy phủ có thủy quan cởi bỏ mọi chướng ngại, khó khăn cho con người. Với sức mạnh huyền bí ban phúc, xá tội và giải ách, tín ngưỡng Tam phủ rất hấp dẫn mọi người.
Chùa Phúc Khánh
Chùa Phúc Khánh từ lâu đã là một địa chỉ tâm linh quen thuộc và nức tiếng linh thiêng đối với người dân Hà Nội. Ngay sau giờ phút giao thừa, rất đông người đã tới đây cầu may, hái lộc và xin quẻ cho một năm mới của bản thân và gia đình.
Chùa Phúc Khánh còn có tên gọi khác là chùa Sở, tọa lạc tại số 382 phố Tây Sơn, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa được xây dựng từ thời Hậu Lê nhưng qua nhiều cuộc chiến tranh, loạn lạc, chùa bị phá hủy hoàn toàn. Đến thời vua Quang Trung, chùa được xây dựng lại bởi nhà sư Chiếu Liên và đô đốc quân Tây Sơn là Trần Văn Lễ. Sau này, chùa còn được trùng tu nhiều lần, gần đây nhất là năm 1950, chùa được xây dựng lại với kiến trúc như hiện nay.
Lịch sử của ngôi chùa gắn liền với sự kiện lịch sử Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh. Tương truyền, nhà chùa là nơi ẩn mình của một trong những cánh quân của Quang Trung Nguyễn Huệ, giúp tạo nên sự bất ngờ, thần tốc trong chiến dịch, phá tan quân xâm lược trong chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm xưa. Vị tướng quân nhớ tới công đức của nhà chùa nên đã góp phần cải tạo, xây dựng chùa sau đó.
Hữu Thắng (Tổng hợp)