Những câu chuyện về chuyến hành trình xuyên qua dãy Himalayas
(Dân trí) - Không phải tự nhiên mà dãy Hymalaya hùng mạnh nằm ở bang Kashmir, Ấn Độ với phong cảnh lộng gió, những ngôi làng nhỏ bé và nền văn hóa Phật giáo độc đáo là niềm mơ ước của rất nhiều người.
Sau một hành trình kéo dài hàng giờ trên những con đường trải nhựa và qua một dòng sông băng ướt sũng; bạn sẽ đến với Goma Rangdum, một tu viện Phật giáo Tây Tạng tọa lạc trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ bao quanh bởi những ngọn núi cao chót vót. Gompa được Gelek Yashi Takpa xây dựng dưới thời vua Twesang Mangyul của Ladakh vào thế kỷ thứ mười tám. Hiện nay có khoảng 30-40 tu sĩ thường trú. Ở Ladakh, tu viện Phật giáo luôn nằm ở vị trí cao nhất trên ngôi làng.
Những cánh đồng ở gần thị trấn Rangdum ở thung lũng Suru đầy những chú bò yak khổng lồ được chăn thả vào mùa hè. Còn mùa đông, Rangdum gần như không thể truy cập được khi tuyết rơi dày đặc khu vực. Băng tan là một yếu tố quan trọng nhất để cỏ mọc – thức ăn chính của những chú yak. Bò Tây Tạng rất quan trọng với người Ladakh, họ lấy sữa bò, làm bơ, sữa đông và lông bò để làm quần áo mùa đông.
Bên trái là những phụ nữ Ladakh trong trang phục truyền thống, chuẩn bị cho buổi biểu diễn ở làng Chushot trong Lễ hội Polo Ladakh hàng năm. Trang phục của họ là kuntop (một loại áo len dày), trang sức của người Tây Tạng, papu – một đôi giày làm từ lông bò yak và da.
Bên phải là ảnh những tấm thảm Ladakhi được dệt thủ công truyền thống, đang phơi ở làng Nyoma, với hình ảnh một ngôi chùa Phật giáo đằng xa phía sau. Phụ nữ Ladakhi thường tự tay dệt thảm từ lông cừu, lông bò yak và màu nhuộm tự nhiên. Một tấm thảm này có giá từ 100 đến hàng ngàn đôla, tùy thuộc vào lượng len sử dụng, kích thước và độ phức tạp khi thêu. Đa số thảm trên thị trường vẫn dệt bằng tay, nhưng một số nhà máy đã mọc lên, bán thảm dệt máy với giá rẻ hơn.
Một người Tây Tạng đi từ một khu định cư này sang một khu khác ở khu vực Changthang, phía đông Ladakh, gần biên giới Ấn Độ. Anh ta mặc một chiếc goncha, trang phục truyền thống của đàn ông Ladakh, để bảo vệ bản thân khỏi thời tiết. (Goncha là một chiếc áo choàng làm bằng len bò yak, buộc ngang lưng bằng một cái xà cạp để khép hai tà lại). Ở cao nguyên sa mạc này, nhiệt độ có thể dao động từ 5 đến 30 độ C vào ban ngày với mưa, mưa đá và gió mạnh.
Vào bất cứ ngôi nhà Ladakh nào, bạn cũng sẽ được mời một tách trà bơ. Trà bơ làm từ lá trà đun sôi với muối và bơ bò yak tự chế. Trà đôi khi được dùng với tsampa. Bạn có thể cảm thấy khó uống khi lần đầu thử nó. Theo tục lệ của người Tây Tạng, một tách trà không bao giờ được để trống, nên chủ nhà sẽ tiếp tục rót cho bạn tách tiếp theo. Tuy nhiên, một số điều đang thay đổi ở đây: Khi Ladakh mở cửa cho phần còn lại của thế giới, nhiều gia đình đã chọn mua bơ bán trong cửa hàng để cho vào chè của mình. Nhiều gia đình không nuôi bò yak nữa nên không thể có bơ tự làm. Hơn nữa, việc mua bơ đóng gói sẵn cũng dễ hơn, rẻ hơn và để được lâu hơn.
Ảnh bên trái là Ali Mohammed, 35 tuổi, và vợ anh, chị Shafika, 32 tuổi, đang vắt sữa từ đàn cừu của gia đình. Ali và Shafika thuộc bộ lạc du mục có tên gọi là Bakarwals. Cặp vợ chồng thường dành mùa hè sinh sống tại thượng lưu Ladakh để chăn thả gia súc. Với sự giúp đỡ của các thành viên trong gia đình, họ đưa hơn 3.000 con cừu từ đồng bằng Kashmir đến thung lũng màu mỡ để ăn cỏ trong mùa hè. Thung lũng nằm trong một ngọn núi cao đến hơn 1.500 mét, đường đi rất khó khăn.
Bên phải là một cậu bé ở làng Nyoma, vùng sa mạc Changthang của Ladakh, trong trang phục Tang theo phong cách Trung Quốc. Sự gần gũi của khu vực với biên giới Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể đến lối sống truyền thống người Ladakh, trong cả cách phục sức thông thường.
Đây là sa mạc lạnh lẽo Changthang, khu Sanctuary của Ladakh ở bang Kashmir, Ấn Độ. Du lịch ở Ladakh, chỉ bắt đầu mở cửa cho du khách từ năm 1974, đang bùng nổ: Trong năm 2017, người ta dự kiến sẽ có hơn 300.000 du khách trong nước và quốc tế đến đây. Tuyết lạnh sẽ cắt mọi ngả đường giao thông đường bộ đến Ladakh khoảng sáu tháng mỗi năm, thế nhưng hầu hết người dân Ladakhi đều lo ngại về tình trạng bùng nổ du lịch mặc dù các gia đình địa phương có thể có thêm thu nhập tốt hơn. Một trong những lý do là vì Ladakh đang phải đấu tranh với tình trạng khan hiếm nước và số lượng rác thải tăng lên, gây ra áp lực lớn lên khu vực đang phải đối mặt với những ảnh hưởng suy thoái của biến đổi khí hậu.
Hữu Nguyên
Theo Cntraveler