Nguy hiểm rình rập ở nơi "thở cũng gây chết người", nhưng khách vẫn kéo tới

Quốc Việt

(Dân trí) - Hàng nghìn ca tử vong được ghi nhận ở thị trấn nhỏ Wittenoom tại Australia khiến chính quyền địa phương buộc phải xóa sổ cái tên này.

Nguy hiểm rình rập ở nơi "thở cũng gây chết người", nhưng khách vẫn kéo tới

Một thị trấn nhỏ ở phía tây Australia đã bị bỏ hoang vì khí độc. Đó là thị trấn Wittenoom ở vùng Pilbara. Nơi này được cảnh báo là "địa điểm ô nhiễm gây nguy hiểm nhất hành tinh" khi khí độc còn sót lại vẫn có thể gây chết người.

Hơn 2000 người đã chết tại đây vì ô nhiễm khí độc. Đến nay, nơi này dù không còn người ở, nhưng vẫn thu hút những du khách tò mò muốn tới khám phá tìm hiểu về một thời lịch sử đen tối.

Nguy hiểm rình rập ở nơi thở cũng gây chết người, nhưng khách vẫn kéo tới - 1
Wittenoom từng là nơi sầm uất nhờ khai thác amiăng

Nghịch lý này khiến nhiều người liên tưởng tới Chernobyl, địa điểm từng hứng chịu thảm kịch hạt nhân trong quá khứ khiến hàng nghìn người thiệt mạng, nhưng gần đây lại trở thành điểm đến du lịch nổi tiếng sau cơn sốt phim trên HBO.

Vào khoảng năm 1940 của thế kỷ trước, Wittenoom lại là thị trấn rất nhộn nhịp và sầm uất nhờ khai thác khoáng sản. Đó là thời điểm ngành khai thác amiăng xanh xuất hiện và bùng nổ. Wittenoom là thị trấn đón đầu, phát triển mạnh nhất trong khu vực, nên thu hút hàng nghìn công nhân tới làm việc trong các khu mỏ. Cùng theo đó, gia đình của những người thợ cũng đổ về đây sinh sống.

Nguy hiểm rình rập ở nơi thở cũng gây chết người, nhưng khách vẫn kéo tới - 2
Vào năm 1966 khi toàn bộ các khu mỏ đều đóng cửa, người dân cũng lần lượt rời đi

Theo số liệu thống kê, giai đoạn từ 1940 -1960, trong 13.000 gia đình công nhân mỏ sống tại Wittenoom thì có tới hơn 2.000 người đã tử vong vì các bệnh liên quan tới amiăng.

Các chuyên gia cho biết, khi con người hít phải amiăng dạng sợi, chúng có thể gây ra các bệnh về phổi, giảm khả năng hít thở rồi thậm chí gây ung thư.

Nguy hiểm rình rập ở nơi thở cũng gây chết người, nhưng khách vẫn kéo tới - 3
Biển cảnh báo nguy hiểm xuất hiện khắp nơi quanh thị trấn

Vào thời điểm đó, khi hít phải bụi amiăng, tác hại của nó chưa nhận thấy trong vòng 15 năm. Nhưng 20 - 30 năm sau, những người từng tiếp xúc với chất độc này sẽ phát bệnh.

Và vào năm 1966, các khu mỏ khai thác amiăng xanh đều lần lượt đóng cửa. Người dân rời khỏi thị trấn. Từ nơi náo nhiệt, Wittenoom bị bỏ hoang và thành "thị trấn ma". Dù khu mỏ đều ngừng hoạt động, nhưng nhiều chuyên gia cho biết, bụi amiăng còn sót lại khiến môi trường ở đây không an toàn.

Nguy hiểm rình rập ở nơi thở cũng gây chết người, nhưng khách vẫn kéo tới - 4
Du khách liều lĩnh vẫn tới đây để chụp hình

Năm 2007, chính quyền địa phương đã gạch tên Wittenoom ra khỏi bản đồ, đồng thời khẳng định nơi này sẽ không bao giờ được hồi sinh trở lại, dù còn khoảng 3 triệu tấn amiăng bỏ lại ở hẻm núi và khu vực xung quanh.

Dù vết đen của quá khứ còn đó, nhưng kỳ lạ thay điều này không ngăn nổi bước chân khám phá của những vị khách tò mò. Ngày nay, vẫn nhiều người muốn tìm tới "thị trấn ma" này.

Nguy hiểm rình rập ở nơi thở cũng gây chết người, nhưng khách vẫn kéo tới - 5
Nhóm khách chụp ảnh bên ngoài một căn nhà hoang

Bất chấp cảnh báo nguy hiểm, nhiều người trẻ liều lĩnh vẫn chụp hình check in tại các khu vực nguy hiểm ở Wittenoom rồi chia sẻ lên mạng xã hội kèm theo hashtag như #blueasbestos và #ghosttown.

Theo bà Melita Markey, cố vấn Trung tâm quốc gia về các bệnh liên quan đến amiăng, hành động này không khác gì "trò chơi nguy hiểm mà người tham gia muốn đánh cược mạng sống của mình".