Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao?

(Dân trí) - Không ít người vẫn nghĩ Tết Nguyên Đán tại Singapore không khác gì so với Việt Nam. Trên thực tế, qua lời chia sẻ của những người Việt có dịp đón Tết tại Singapore thì Tết tại đây có những nét độc đáo và khác biệt mà ít ai biết tới.

Du xuân Singapore: Tết Nguyên Đán tại Singapore có gì hay?

Trải qua một mùa Tết Nguyên Đán tại Singapore, Diệp Uyên (26 tuổi) cho biết: “Do đi theo chương trình trao đổi ngắn hạn kéo dài chỉ từ tháng 1 đến hết tháng 5 nên mình không có cơ hội về nhà ăn Tết. Bù lại, mình đã tận dụng quãng thời gian nghỉ Tết ở Singapore để thăm thú các nơi và biết thêm về đất nước này.”

Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao? - 1
Không khí Tết hiện hữu trên đường phố Chinatown qua lăng kính của Diệp Uyên (phải). Nguồn: NVCC

Với khoảng 3/4 dân số thuộc tộc người Hoa, không ngạc nhiên khi Tết Nguyên Đán tại Singapore được tổ chức vô cùng rầm rộ ở khắp mọi nơi, song quy mô lớn nhất phải kể đến các hoạt động lễ hội tại Chinatown.

Kể từ đầu tháng 1 Dương lịch, tại đây đã diễn ra các sự kiện chào xuân. Một thú vui không thể bỏ lỡ chính là xem khu phố thắp lồng đèn vào mỗi tối. Những chiếc lồng đèn được làm bằng tay với muôn hình vạn trạng, từ các mẫu thiết kế cổ điển đến những sáng tạo mới mẻ, hiện đại như 12 con giáp, đồng tiền vàng, các loại hoa lá hay những lời chúc mừng đầu năm, v.v.. Tất cả càng khiến đường phố lung linh ảo diệu hơn.

Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao? - 2
Lễ hội lồng đèn Chinatown lung linh huyền ảo

Diệp Uyên chia sẻ: “Đối với mình, ấn tượng nhất có lẽ là lễ hội River Hongbao diễn ra tại sân khấu nổi lớn nhất thế giới tại Vịnh Marina, đặc biệt là dàn lồng đèn khổng lồ trên nền pháo hoa vô cùng hoành tráng.”

Uyên cũng cho biết rất muốn đến thăm River Hongbao năm nay vì ngoài chương trình ca múa nhạc và biểu diễn pháo hoa thường niên, sự kiện năm nay còn có một khu triển lãm hàng trăm thiết kế bao lì xì của Singapore từ trước đến nay.

Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao? - 3
River Hongbao thu hút sự tham gia đông đảo của cả cư dân và du khách nhờ quy mô hoành tráng và thấm đượm văn hóa Trung Hoa.

Đặc sắc không kém là đoàn diễu hành Chingay Parade diễn ra trong ngày 31 tháng 1 và 01 tháng 2 năm nay. Cuộc diễu hành Chingay Parade có tuổi đời gần 50 năm và không hề kém cạnh các cuộc diễu hành Âu – Mỹ về độ rực rỡ và hoành tráng. Đặc biệt, lễ hội này phô diễn những nét văn hóa độc đáo của nhiều cộng đồng dân cư người Hoa, Malay, Ấn Độ, v.v., được trình diễn bởi chính những người thuộc sắc tộc; đồng thời phô diễn nhiều loại nhạc cụ và nét văn hóa – nghệ thuật truyền thống.

Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao? - 4
Chingay Parade tôn vinh nền văn hóa đa dạng của Singapore.

Anh Nhật Nguyên chia sẻ về trải nghiệm ăn Tết tại Singapore suốt 12 năm sinh sống và làm việc ở đây: “Chingay đúng là một bữa tiệc nhấn mạnh vào nền văn hóa đa dạng của Singapore. Mình khá ấn tượng vì lễ hội rất đầu tư, đa dạng sắc màu và cũng là dịp để hiểu thêm về nền văn hóa tại Đảo quốc”.

Ăn Tết như người Singapore

Muốn hiểu trọn vẹn nền văn hóa đa màu sắc của Singapore, không thể bỏ lỡ nền ẩm thực cực kỳ đa dạng của quốc đảo. Vị trí địa lý đặc biệt đã biến quốc gia thành một thương cảng trù phú, đồng thời mỗi dân tộc lại được khuyến khích giữ gìn những bản sắc tinh túy của mình.

Với Đỗ Quyên (24 tuổi), Tết ở Singapore chủ yếu là về con người, trọng về việc thăm hỏi người quen và cùng nhau chia sẻ mâm cỗ truyền thống và ăn mừng một năm mới: “Lần đầu đến đây du học mình mới 14 tuổi, nên trường có xếp một gia đình tại Singapore làm người bảo hộ. Tết đầu tiên đến nhà họ chúc Tết, theo tục lệ truyền thống mình mang 2 trái cam làm quà. Lần đầu ăn Tết xa nhà, mình cũng ngại lắm nhưng người Singapore rất thân thiện. Họ mời mình ăn món Lo-Hei truyền thống ngày Tết. Rất ấm lòng.”

Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao? - 5
Truyền thống của Singapore là tặng hai trái cam dịp đầu năm để mang lại may mắn, tiền tài.

Món Lo-Hei Quyên nhắc đến còn được gọi là gỏi cá thịnh vượng Yu Sheng. Cá sống được thái lát thật mỏng và xếp gọn gàng chung một đĩa với nhiều loại rau củ quả thái sợi khác rồi được làm lạnh trước khi ăn. Thú vị hơn cả là cách cả nhà “lấy lộc” ở bàn ăn. Khi ăn, mọi người cùng đứng quanh bàn ăn, dùng đũa vừa đảo vừa tung các nguyên liệu của món gỏi vào với nhau và trao nhau lời chúc phúc lành. Nguyên liệu được tung lên càng cao thì sang năm càng được nhiều lộc may.

Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao? - 6
Gỏi cá sống đầy màu sắc Yu Sheng

Phần ẩm thực mang âm hưởng của cộng đồng người Malay cũng không hấp dẫn không kém, với nhiều loại bánh truyền thống dành riêng cho dịp này như bánh tart dứa, bánh mặn lapis ngàn lớp, bánh thư tình Pandan hay món bánh truyền thống Kuih Bangkit, v.v.

Uyên cho biết bản thân cô rất thích món nhục can (Bak Kwa). Món này được làm bằng thịt heo lát mỏng nướng và sấy khô, thường được dùng làm quà tặng vào dịp Tết Nguyên Đán. Do sự hòa nhập giữa các nền văn hóa, Bak Kwa hiện nay có nhiều biến thể như thịt gà, thịt bò, mật ong thậm chí là cá sấu.

Người Việt đón Tết ở Singapore ra sao? - 7
Bak Kwa – món ngon không thể thiếu của người Hoa dịp Tết Nguyên Đán

Uyên cũng thường xuyên mua các món đồ ăn Singapore làm quà Tết cho người thân. Món thịt nướng Bak Kwa, da cá trứng muối hay các loại bánh kẹo đặc sản của Fragrance luôn được cô chú ý lựa chọn bởi hương vị thơm ngon, dễ ăn, dễ bảo quản và mang đậm nét ẩm thực Singapore.

Minh Huyền