Nghỉ lễ kéo dài nạn “chặt chém” lại hoành hành

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, với kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay kéo dài khiến giá phòng khách sạn tại nhiều nơi tăng vọt, thậm chí có tiền cũng không đặt được dẫn đến tình trạng chủ khách sạn tha hồ hét giá,...

Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, chị Lê Hà (Hà Nội) cho biết, cách đây một tuần nghĩa là cách kỳ nghỉ lễ 30/4 tới gần hai tháng, chị Hà đã bốc máy gọi lên Sapa đặt phòng cho chuyến nghỉ lễ của gia đình. Tuy nhiên, mặc dù gọi lên tất cả các khách sạn tại Sapa, chị H vẫn không tìm được một phòng trống. “Chạy vạy” nhờ tất cả mối thân quen trên Sapa, cuối cùng chị cũng tìm một phòng trống dạng homestay tại bản Tả Van, với giá 1,3 triệu/ngày đêm.

Nghỉ lễ kéo dài nạn “chặt chém” lại hoành hành
Mặc dù rất cố gắng, nhưng chỉ chậm chân một chút, ngay cả các doanh nghiệp lữ hành cũng không đặt được phòng vì giới đầu cơ.


Trong khi vào những ngày thường giá phòng home stay chỉ giao động ở khoảng 300 – 500 ngàn/phòng/một ngày đêm.

Cũng theo khảo sát của chúng tôi, ngay từ bây giờ rất nhiều nơi như Đà Nẵng, Phú Quốc, Hội An, Mũi Né các khách sạn đều kín chỗ. Hầu hết nhân viên khách sạn tại những điềm này đều cho biết do ngày nghỉ lễ năm nay kéo dài, nhu cầu khách lưu trú tăng cao nên gần như khách sạn đều đã kín phòng.

Đại diện Công ty Du lịch Vietrantour cho biết, đúng là hiện nay đang có hiện tượng “cháy phòng” vào dịp nghỉ lễ 30/4. Đặc biệt là tại Nha Trang và Đà Nẵng. Ngoài việc đặt seri booking trước đó một năm của các doanh nghiệp lữ hành, hiện này còn xảy ra các hiện tượng một số doanh nghiệp lữ hành địa phương “đầu cơ phòng” nhằm bán chênh lệch cho các đơn vị tổ chức tour tại hai đầu Hà Nội và Sài Gòn.

“Do vậy những đơn vị lữ hành tổ chức tour thực sự gặp rất nhiều khó khăn”, đại diện Công ty Du lịch Viettrantour chia sẻ.

Cũng giống với nhận định của Vietrantour, ông Nguyễn Hồng Đài, Giám đốc Công ty Du lịch APT cho đến thời điểm này phòng tại Đà Nẵng đã kín chỗ phần vì sự kiện pháo, phần vì nghỉ lễ dài ngày. Tại Nha Trang các khu resort cũng hết chỗ chỉ còn một vài nhà nghỉ còn trống. Phú Quốc cũng không ngoại lệ. Vì dịch vụ lưu trú tại đây cũng không đáp ứng được vào những lúc mùa cao điểm.

“Mặc dù vào dịp nghỉ lễ này các công ty lữ hành nhận được nhiều ưu đãi từ phía hàng không, nhưng nhiều doanh nghiệp lữ hành phải từ chối bán tour vì không đặt được phòng” – ông Đài chia sẻ.
Những phòng khách sạn như thế này đang là “mơ ước” của nhiều gia đình dịp 30.4 này.
Những phòng khách sạn như thế này đang là “mơ ước” của nhiều gia đình dịp 30.4 này.

Tuy nhiên theo tìm hiểu của chúng thì thực tế không hẳn như vậy, Chị P.A giám đốc một công ty du lịch khẳng định, đây thực chất là hiện tượng “đầu cơ” phòng của một vài doanh nghiệp lữ hành, thậm chí là sự “om hàng” chờ sốt giá mới bung hàng của giới đầu cơ. Thực tế, nhiều năm qua vào dịp này đã có rất nhiều doanh nghiệp “dở khóc, dở cười” với việc đầu cơ này.

“Nếu trúng, lãi có thể lên tới gấp đôi thậm chí gấp ba, nhưng lỗ, không có khách khách sạn không cho hủy được tiền cọc coi như mất trắng”, chị P.A chia sẻ.

Thực tế, vài năm qua ngành du lịch Việt Nam liên tục kêu gọi người Việt đi du lịch Việt trong bối cảnh ngành kinh tế này gặp nhiều khó khăn bằng các biện pháp kích cầu nội địa. Tuy nhiên với tình trạng “cháy phòng”, “cháy dịch vụ” liên tục xảy ra trong các dịp nghỉ lễ vừa qua thì xem ra ý tưởng kích cầu của ngành du lịch khó đạt được kết quả như kỳ vọng.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết “Kích cầu là làm thế nào để người dân ta có ít tiền vẫn đi du lịch được, nhưng một năm qua nhà nước không có một chính sách nào nhằm tác động giảm giá để người dân ta ai cũng có thể đi du lịch được”

H. Thắng