Nghe khách Tây "mách" mẹo mua sắm tại Việt Nam

(Dân trí) - Một du khách nước ngoài đã chia sẻ kinh nghiệm mua sắm của mình khi đến Việt Nam trong một bài viết được đăng trên trang Vietnam News gần đây. Theo vị khách này, một trong những mẹo quan trọng để mua hàng tại Việt Nam là phải biết mặc cả.

Bài viết này cũng được trang The Star Online của Malaysia đăng tải lại trên chuyên mục tư vấn du lịch châu Á.

David Mann đã dạo quanh khu vực phố cổ Hà Nội đông đúc với những cửa hàng đan xen nhau. Nhiều cửa hàng bày bán sản phẩm không có giá niêm yết, phòng thử đồ thường là ở ngay nơi bán hàng và được quây bằng một tấm vải.

Du khách nước ngoài tại Hà Nội (Ảnh TTXVN)

Du khách nước ngoài tại Hà Nội (Ảnh TTXVN)

Có lẽ không chỉ David mà nhiều khách nước ngoài khác cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy cảnh khách hàng xúm lại mặc cả một đôi giày hàng nhái mang nhãn hiệu New Balance hay vào giờ cao điểm cảnh sát giao thông phải dẹp những gánh hàng rong, các sạp bán hàng trên vỉa hè, đường phố.

“Khi tôi tới Hà Nội, trong tôi pha trộn những cảm xúc trái ngược nhau, vừa muốn tò mò khám phá hàng hóa nơi đây, lại vừa có cảm giác lo sợ đến ngây ngô của một khách lạ ở một nơi khác xa với nơi tôi sống,” David bày tỏ.

Sau đôi chút bất ngờ với không khí ồn ào và cảnh giao thông có phần hỗn độn và phức tạp vào giờ cao điểm, David đã có những trải nghiệm khá thú vị và khó quên khi shopping tại phố cổ Hà Nội và anh đã rút ra một số bí quyết khi đi mua sắm tại đây:

Cần biết một số từ tiếng Việt cơ bản về mua sắm

Sẽ rất cần thiết cho một du khách nước ngoài biết được một số từ tiếng Việt khi đi mua sắm tại Việt Nam, chẳng hạn như “Cái này giá bao nhiêu?”, hay cụm từ cảm thán “Ối giời ơi” để chỉ sự ngạc nhiên trong trường hợp người bán đòi giá "trên trời"...Và nếu không thuận mua vừa bán, bạn có thể rút lui nhưng hãy cố gắng giữ thái độ thân thiện với người bán hàng bằng một nụ cười.

Sẵn sàng tinh thần mặc cả

Trừ các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, hầu hết các cửa hàng trong khu vực phố cổ Hà Nội đều bán sản phẩm với mức giá khá cao so với thực tế, mặc dù đã được niêm yết giá. Trong nhiều trường hợp, chủ cửa hàng phát giá dựa trên cảm nhận của họ về khách hàng. Khách nào mà trông sang trọng, đặc biệt là khách tây, họ sẽ đòi mức giá cao hơn những người trong có vẻ bình dân.

“Theo một số người bạn của tôi tại Việt Nam, người nước ngoài được cho là “khách sộp” và vì vậy, người bán hàng có thể đòi mức giá cao gấp 3-4 lần so với mức thực tế,” David viết.

Vì thế, tốt hơn hết để tránh bị chặt chém, bạn có thể mặc cả nếu như thấy mức giá đưa ra không hợp lý, hoặc trước khi mua hàng nên tham khảo ý kiến của bạn bè hay hướng dẫn viên du lịch của bạn.

Đi mua sắm cùng người địa phương

David đã có một kinh nghiệm bổ ích khi đi mua sắm tại Hà Nội cùng với gia sư của anh, người đã giúp anh mặc cả một đôi giày, giúp anh biết thêm về cách mua hàng ở Việt Nam mà không bị chặt chém để có thể tự tin đi mua đồ một mình cho những lần sau.

Tất nhiên, việc mặc cả chỉ thường nên áp dụng đối với những hàng rong, những cửa hàng nhỏ không có giá niêm yết, và bạn đừng ngạc nhiên khi nhân viên bán hàng tại quầy mỹ phẩm của Trung tâm Thương mại VinCom tỏ ra khó chịu khi bạn cố gắng mặc cả một lọ nước hoa mang nhãn hiệu Aqua di Gio.

Cần so sánh và tham khảo giá giữa các cửa hàng

Cũng chia sẻ về kinh nghiệm shopping tại Việt Nam trên trang Examiner, tác giả Cassandra James viết “Một trong những bí quyết giúp du khách nước ngoài có thể mua hàng với giá cả hợp lý nhất tại Việt Nam là cần so sánh giá cả tại một số cửa hàng. Cùng một sản phẩm, tuy nhiên, mức giá tại nhiều cửa hàng có thể là rất khác nhau.”

Quay đi khi cần thiết

Theo James, người mua cần phải dứt khoát quay đi khi không thuận mua vừa bán. Chẳng hạn, trong trường hợp, người bán đòi giá quá cao và không chấp nhận sự mặc cả, người mua có thể đi hàng khác nhưng nên giữ thái độ thân thiện. Có thể lúc đó, người bán hàng sẽ chạy theo khách hàng và đưa ra mức giá hợp lý hơn mà khách hàng có thể chấp nhận được.

“Mua hàng ở Việt Nam rất cần sự kiên nhẫn và khéo léo. Người bán hàng ở Việt Nam có phần nóng tính hơn nhiều nước châu Á khác và du khách nước ngoài thường chịu mức giá cao hơn so với người Việt vì họ được coi là khách hạng sang. Nhưng nếu biết cách, thì khách ngoại vẫn có thể mua được hàng với mức giá hợp lý nhất”, cô chia sẻ.


Phương Nam
Theo Vietnam News & Examiner

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm