Màn trình diễn nhạc cụ dân tộc ấn tượng trên đường phố Hội An
(Dân trí) - Chiều tối ngày 8/9, hàng ngàn người dân và du khách đã đổ về phố cổ Hội An để được thưởng thức những màn diễu hành và biểu diễn nhạc cụ dân tộc đặc sắc, độc đáo của hơn 150 nghệ nhân, diễn viên thuộc 6 đoàn nghệ thuật đến từ khắp đất nước Việt Nam.
Đây là một trong những chương trình văn hóa - nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 20 năm Đô thị cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản thế giới, 10 năm Cù Lao Chàm – Hội An là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Đoàn biểu diễn nhạc cụ dân tộc trình diễn qua khắp các tuyến phố Hội An, giới thi
Hơn 150 nghệ nhân, diễn viên thuộc 6 đoàn nghệ thuật gồm Nhà hát ca múa nhạc Việt Bắc, Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận, Đoàn ca múa dân tộc Đắc Lắc, Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, Nhóm nghệ nhân Cơtu Quảng Nam, Nhóm nghệ sĩ Hà Nội với hơn 60 nhạc cụ dân tộc sẽ tham gia trình diễn tại 5 sân khấu ở đô thị cổ Hội An và Mỹ Sơn.
Góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị di sản quý báu của dân tộc
Đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân gặp gỡ giao lưu, để các loại nhạc cụ dân tộc được cùng hòa quyện tôn vinh bản sắc dân tộc
Các nghệ nhân, diễn viên đã có những màn trình diễn ấn tượng, hấp dẫn ở phố cổ Hội An. Đoàn nghệ thuật diễu hành và biểu diễn đi đến đâu, người dân và du khách lại kéo theo đến đó; đoàn người rồng rắn nhảy múa qua khắp tuyến phố khiến không khí lễ hội càng thêm náo nhiệt, sôi động.
Đoàn biểu diễn nhạc cụ dân tộc gây “náo loạn” đường phố Hội An
Đoàn đi đến đâu, người dân và du khách lại kéo đến đó, chật ních khắp tuyến phố cổ
Biểu diễn của các nghệ nhân, diễn viên đến từ đoàn ca múa nhạc Việt Bắc
Đoàn ca múa dân tộc Đắc Lắc mang đến những giai điệu mang đậm âm hưởng núi rừng Tây Nguyên
Chị Trần Minh Thi (du khách Hà Nội) hào hứng chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi cùng lúc được thưởng thức những màn biểu diễn nhạc cụ ấn tượng, đặc sắc của đồng bào dân tộc trên khắp đất nước ngay tại phố cổ Hội An. Thật tuyệt vời khi tôi được đến Quảng Nam đúng dịp kỷ niệm đặc biệt này, Hội An và Mỹ Sơn đã đi qua 20 năm chặng đường sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, tôi hy vọng hai vùng đất này sẽ càng phát triển, được bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn trong tương lai”.
Đoàn diễu hành, trình diễn qua nhiều di tích của Hội An, người dân và du khách rất hào hứng và sôi nổi nhảy múa theo nhịp điệu lễ hội vang dội
Bên cạnh thưởng thức tài nghệ của các diễn viên, công chúng còn có dịp thưởng ngoạn nét độ đáo của các nhạc cụ cổ truyền tại khu trưng bày nhạc cụ đặt tại khuôn viên Vườn tượng bên sông Hoài.
Đoàn nghệ thuật Khmer Sóc Trăng
Với cách tuyển chọn hướng đến đặc trưng, bản sắc nghệ thuật của các dân tộc khắp ba miền, cuộc trình diễn nhạc cụ dân tộc hy vọng sẽ phác họa bức tranh cô đọng, độc đáo của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam; giới thiệu với công chúng về đời sống văn hóa, tinh thần, sức sáng tạo nghệ thuật đa dạng của các dân tộc cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Nó cũng cho thấy nỗ lực bền bỉ của thế hệ nghệ nhân trẻ trong hành trình bảo tồn các giá trị di sản của cha ông.
Đoàn nghệ thuật Cơtu, Quảng Nam
Lần đầu tiên tại vùng đất có hai di sản thế giới ở Việt Nam diễn ra sự kết hợp trình diễn giữa xe và nhạc cụ với điểm xuất phát là báu vật lưu giữ kỷ niệm, hồi ức, phản ánh sức sáng tạo nghệ thuật cùng năng lực tiếp cận khoa học phục vụ đời sống con người.
Các nhà tổ chức hy vọng sự kiện này như một nghĩa cử trả ơn của thế hệ hôm nay đối với trí tuệ, công sức của các thế hệ đi trước, thể hiện sự trân quý đối với giá trị, tác động và hiệu quả mà hai di sản mang lại cho đời sống cộng đồng, đồng thời cổ vũ cho việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy với hiệu quả cao nhất giá trị, ảnh hưởng của hai di sản.
Sau buổi trình diễn đường phố, vào tối 8/9 tại Hội An cũng đã diễn ra các buổi trình diễn âm nhạc dân tộc tại Công viên Kazik, di tích Chùa Cầu… để phục vụ người dân và du khách.
C.Bính-N.Linh