London kiều diễm, London "quê mùa"
(Dân trí) - London hẳn sẽ lưu lại trong trí nhớ tôi như một thành phố đầy kiêu hãnh, kiểu cách, và... xa lạ, nếu điểm dừng chân cuối cùng của hành trình không phải là khu chợ đồ cổ Portobello trong một buổi chiều mưa rét cuối thu.
London chào đón tôi bằng không khí lạnh cuối thu, với những con phố dài rợp lá vàng, lá đỏ, những dòng người dòng xe hối hả, những cửa hiệu sáng choang xen lẫn những công trình mang dấu tích nghìn năm, những công viên xao xác tiếng lá, tiếng trẻ nô đùa, đôi khi xen lẫn tiếng vó ngựa...
Khu phố Burlington Arcade chỉ có khoảng 40 cửa hiệu nhưng khiến các tín đồ hàng hiệu cuồng mê bởi bán nhiều sản phẩm cao cấp được chế tạo thủ công tinh xảo.
Khu vực quảng trường Piccadilly luôn đông đúc, náo nhiệt, đặc biệt là vào các dịp cuối tuần.
London trong mắt tôi khi ấy giống như một tiểu thư kiêu kì, đẹp mà xa cách; và sẽ mãi như thế, nếu tôi không đến khu chợ Portobello vào đúng thứ 7, ngày duy nhất trong tuần có phiên chợ đồ cổ và các đồ thủ công mỹ nghệ.
Khu chợ này nằm cắt ngang qua trung tâm Notting Hill ở phía Tây London - địa danh trở nên nổi tiếng thế giới sau khi bộ phim lãng mạn "Chuyện tình Notting Hill", với sự diễn xuất của cô đào Julia Roberts và nam tài tử Hugh Grant, được trình chiếu vào năm 1999.
Chợ Portobello khởi nguồn là một nông trang được xây dựng từ năm 1740, đặt theo tên địa danh Puerto Bello ở vùng Caribe để vinh danh Đô đốc Edward Vernon, người đã giành được vùng đất mà nay thuộc Panama từ tay người Tây Ban Nha.
Portobello có cả chợ thời trang, chợ rau quả và chợ đồ cũ, nhưng nét độc đáo và thu hút nhất chính là phiên chợ đồ cổ và đồ thủ công mỹ nghệ chỉ diễn ra vào thứ 7 hàng tuần.
Sự thân thiện của những ông bà chủ, sự bình dị của những gian hàng dựng tạm, mùi thơm của những món nướng, tiếng đàn tiếng hát của những nghệ sĩ đường phố... tất cả khiến bạn dường như quên hẳn mình đang ở một trong những thành phố xa hoa và kiêu kì bậc nhất châu Âu, mà có cảm giác như đang lạc vào một phiên chợ quê nào đó, thật gần gũi, thân quen.
Sẽ chẳng sai nếu gọi Portobello là khu chợ "Cái gì cũng có", bởi ở đây bán đủ thứ, từ bàn ghế cũ cho đến cả những chiếc tay nắm cửa, la bàn, ống nhòm, bản đồ...
Những chiếc đồng hồ có tuổi đời trăm năm vẫn đổ chuông kinh coong đều đặn.
Ông chủ thủ thỉ trò chuyện, kể rằng chẳng ai rời Portobello mà thấy "đủ"; có nhiều khách sau khi về nhà đã gọi điện nhờ ông giữ lại một chiếc đồng hồ họ xem hồi chiều nhưng còn đắn đo giá cả, để rồi về mới thấy tiếc. Ông bảo, những món đồ cổ luôn tạo cảm giác ấm áp mà kiểu cách cho ngôi nhà.
Bạn có thể tìm mua đĩa than của những ban nhạc lừng danh một thời. Chủ gian hàng có cả đầu đọc cho khách thử đĩa tại chỗ.
Những chiếc máy ảnh dù không còn hoạt động vẫn được rất nhiều người quan tâm.
Tuỳ tình trạng và tuổi đời của máy, cũng như tài mặc cả của người mua, giá bán có thể từ vài chục đến vài trăm bảng Anh (tương đương vài triệu đến hàng chục triệu đồng)
Hàng trăm chiếc máy khâu cũ kỹ trở thành vật trang trí cho một cửa hàng thời trang.
6 giờ 30 chiều, các gian hàng lục đục thu dọn để về, tôi rời Portobello với tâm trạng đầy luyến tiếc, cảm giác mình chưa khám phá hết khu chợ nổi tiếng này, và bởi vậy, tôi lại thấy mình "có hẹn" với London.
Nhật Minh