Linh đình lễ hội rước người sống ở Hà Nam
(Dân trí) - Từ hàng trăm năm nay, Lễ hội Tiên Công vùng "Tứ xã" Hà Nam là Lễ hội mùa xuân lớn nhất ở Yên Hưng, Quảng Ninh. Các lão nông đạt tuổi thọ 80 được con cháu mừng thọ rước lên Miếu Tiên Công ở xã Cẩm La yết cáo và bái tạ tổ tiên.
Có tất cả 206 cụ trong đó có cả cụ đã bước sang tuổi 100, số còn lại là những cụ ở tuổi 90, 80 võng lọng chia làm ba đoàn được rước về Miếu Tiên Công trong dịp đầu xuân năm nay. Đó là phong tục hàng trăm năm nay tại vùng đất Hà Nam, Yên Hưng, Quảng Ninh.
Tương truyền, vào thời Hậu Lê khoảng năm 1434, đời Thiệu Bình thứ I, vâng chiếu vua Lê mở rộng kinh thành, một tập đoàn 17 người gồm các nho sĩ, thợ thủ công, ngư dân, cày cấy... đã xuôi thuyền qua sông Hồng đến cửa sông Bạch Đằng tìm đất lập nghiệp.
Dân gian vùng này kể rằng: Ngày xưa, mỗi độ xuân về, những người dân ở đây lại khôn nguôi nhớ chốn kinh thành, nhớ những hội hè, đình đám... nên họ đã mời các bô lão tuổi tác cao nhất trong phường xã trộm đóng y phục giống như đức vua ngồi lên võng đào, kiệu rồng để con cháu xúm lại nghinh rước lên Miếu đường và bày soạn tế lễ.
Không khí diễn ra như thể ở triều đình, cũng hai bên "bát biểu", lọng che, cũng phường nhạc bát âm, trống khẩu cầm nhịp, cũng hát xướng ca ngâm...
Rồi dần dà, đã hình thành một Lễ hội Rước Người. Theo cổ tục, hội mở chính vào ngày 7 tháng Giêng âm lịch và chỉ mừng thọ cụ ông.
Không khí chuẩn bị Lễ hội náo nức từ tháng Chạp năm cũ. Trên các ngả đường, đây đó người ta đã hỏi thăm nhau xem trong họ ngoài làng, xã mình xã bạn Tết này có bao nhiêu cụ 80, bao nhiêu cụ 90 tuổi? Cụ nào yếu, cụ nào còn khoẻ mạnh?
Mồng 6 là ngày yết hội. Các gia đình có cụ Thọ mang lễ lên nhà thờ họ, trước là bái tạ Tổ họ, sau báo mời nội ngoại, bạn bè... Nhà cửa được căng phông rạp, trang hoàng, bày biện nghi lễ, đèn sáng hoa tươi chuẩn bị đón tiếp khách khứa gần xa.
Buổi sáng trở đi đường thôn đã tấp nập các đoàn đội lễ đầy ắp phẩm vật, hoa quả đến dâng mừng, chúc tụng.
Cụ Thọ 80 tuổi từ ngày đó dù trong họ thuộc hàng con cháu chăng nữa cũng đều được phong gọi là "Cụ Thượng" một cách cung kính. Cụ Thượng mặc áo gấm đỏ hoặc xanh thêu chữ Thọ, đạo mạo ngồi trên ghế bành trải nệm hoa, cạnh hương án.
Phần lễ tế con cháu đội các mâm lễ vật đi trước, đặc biệt trên mâm có con long mã kết bằng hoa quả, các cụ thượng thọ đi sau.
Các cụ già yếu thì được con cháu khiêng bằng võng, che bằng lọng. Sau phần lễ tế đến lễ động thổ. 4 cụ thượng thọ được chọn từ trước sẽ bẻ bốn hòn đất đắp đê tượng trưng đứng trước hương án Tiên Công và diễn trò đánh vật nhằm biểu thị tinh thần đấu tranh với thiên nhiên, tiếp tục sự nghiệp quai đê lấn biển, bảo vệ xóm làng của các Tiên Công.
Sau lễ động thổ là các trò chơi như chọi trâu, chọi gà, đánh cờ người, chơi đu, hát chèo suốt từ sáng đến đêm.
Lễ hội Tiên Công năm nay được tổ chức từ ngày 3-2 (tức mùng 4 Tết) với 2 không gian chính: Gia đình các cụ thượng thọ, từ đường các dòng họ trong vùng.
Trong đó, từ đường các dòng họ tổ chức tế tổ, làm lễ mừng thượng thọ tại các gia đình; các gia đình, dòng họ tổ chức dẫn lễ hoặc rước các cụ Thượng lên miếu Tiên Công lễ tổ.
Theo ban tổ chức lễ hội Tiên Công năm nay có 206 cụ thượng thọ được rước võng lọng về miếu Tiên Công lễ tổ, trong đó có một cụ tròn 100 tuổi, 35 cụ tròn 90 tuổi và 170 cụ tròn 80 tuổi. Trong đó, 34 cụ được con cháu tổ chức rước lên miếu, chia thành 3 đoàn rước tập thể và một đoàn rước cá nhân. Đoàn rước có số cụ Thượng đông nhất là 28 cụ.