Lau nở "như phất cờ" giữa trập trùng núi non vùng cao phía Bắc
(Dân trí) - Tháng 11 dương lịch, trời lạnh tê người vào sáng sớm, trên những sườn núi lau đã nở hoa như phất cờ.
Ai đã đi qua vùng núi Tây Bắc hay Đông Bắc đều không tránh khỏi choáng ngợp trước những ngọn đồi, triền núi bát ngát hoa lau. Và khi một trận gió đi qua chẳng nao lòng trước một rừng hoa lau đang rùng rùng chuyển động, ngàn cánh hoa bay khắp ngả, chợt ước mình nhẹ bỗng nương theo hoa đi về nơi xứ lạ phương xa ở tận cuối trời.
Suốt dọc chặng đường dài lên vùng Đông Bắc, qua những đoạn cua, những vách đá dựng đứng, thấy những bông hoa cỏ lau phất phơ trong gió, mọi du khách đều không thể rời mắt được, tâm hồn cảm thấy nhẹ bẫng khi được chứng kiến cái vẻ đẹp mong manh, nhẹ nhàng đó.
Mùa lau nở rộ là mùa cảm xúc dạt dào, đánh thức bao tâm hồn nhạy cảm, yêu thiên nhiên… Và bức tranh tuyệt đẹp đó đã để lại ấn tượng cho biết bao dân phượt đã ít nhất một lần đến đây.
Từ lâu lắm rồi, người con gái Thái Tây Bắc cũng thật khéo, thật đảm khi biết lựa những bông hoa lau tưởng chừng như vô dụng kia để làm nên những chiếc đệm ấm êm như món của hồi môn trong ngày cưới. Từng đường kim mũi chỉ, từng kĩ thuật nhồi khâu đã chứa đựng vào đó tất cả tình yêu, tâm hồn của những người con gái chăm chỉ, nết na.
Có tận mắt chứng kiến thì mới thấy yêu vẻ đẹp của loài hoa cỏ này, từng cành lau trắng muốt bay phất phơ trong gió rất uyển chuyển, rất mong manh. Sức sống của nó thật diệu kì, nó có thể mọc ở khắp nơi, trên vách đá, dưới bìa rừng, xen kẽ vườn cải và bên lề đường. Bông hoa nở rộ, bung ra những hạt màu trắng nho nhỏ để nhờ gió cuốn đi, để sinh sôi nảy nở tiếp.
So với hoa cỏ lau ở bãi bồi ven sông miền đồng bằng, hoa cỏ lau ở vùng núi cao có thân mảnh mai hơn và bông nhỏ hơn do điều kiện sống khắc nghiệt ở vùng núi cao.
Bông hoa lau khiêm nhường, giản dị trở thành một nét văn hóa trong đời sống người dân tộc vùng cao phía Bắc Việt Nam.
Bài&ảnh: Hữu Thắng