Kỳ lạ tục cướp vợ và ăn trộm lấy may đầu năm của người vùng cao phía Bắc

(Dân trí) - Phong tục kéo vợ của H’Mông hay tục ăn trộm của người Dao đỏ… trong những ngày đầu năm mới vẫn được những người dân tộc vùng cao lưu giữ và truyền lại cho đến tận bây giờ.

Đàn ông H’Mông phải dậy sớm nấu cơm ngày Tết

Người Mông thường ăn Tết vào những ngày đầu tháng Chạp âm lịch, trước Tết Nguyên đán khoảng một tháng. Trong những ngày đầu năm mới, đàn ông Mông thường dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… bởi họ quan niệm rằng, con trai là trụ của gia đình nên tất cả mọi việc trong gia đình họ phải chịu trách nhiệm để giữ được truyền thống cho cả năm. Sáng mùng một Tết, người phụ nữ trong gia đình được dậy muộn nhưng không được đi xông nhà hoặc nếu vào nhà người khác phải vào bằng cửa phụ.

613341.jpg

Trong những ngày đầu năm mới, đàn ông Mông thường dậy làm hết mọi việc thay phụ nữ, từ cho lợn gà ăn đến nấu cơm… Ảnh: báo Phú Thọ

Người Mông coi trọng lửa và luôn đỏ bếp trong những ngày Tết. Họ không ưa thích những ai thổi vào bếp nhà mình bởi theo quan niệm nếu có người thổi vào bếp hoặc làm tắt lửa thì năm tới cả gia đình họ sẽ gặp sóng gió, không may mắn.

Kỳ lạ tục “ăn trộm” lấy may đầu năm mới của người Dao đỏ

Tục ăn trộm đầu năm mới hay còn gọi là Nịn Xin của người Dao đỏ đã có từ lâu đời và vẫn được duy trì cho đến nay. Người Dao đỏ quan niệm, đi ăn trộm là để lấy may, để mong cho một năm mới nhiều thuận lợi, tốt lành.

2_195203.jpg

Tục ăn trộm đầu năm mới hay còn gọi là Nịn Xin của người Dao đỏ với hy vọng một năm mới gặp nhiều may mắn. Ảnh: Dân Việt

Khi trời nhá nhem tối cũng là lúc tục Nịn Xin diễn ra. Một đoàn người mang theo trống, chiêng, khèn đi khắp các bản làng thông báo sắp có người đột nhập vườn nhà. Khi đoàn trống chiêng dừng lại tại bản nào thì cũng là lúc những tay trộm nghiệp dư bắt đầu hành nghề. Họ ngó nghiêng xem các gia đình sơ hở ở đâu để nhanh chóng kiếm cho mình chiến lợi phẩm.

Theo quan niệm, người đi ăn trộm sẽ may mắn cả năm khi không bị chủ bắt, phạt. Còn gia chủ nếu không bắt được trộm thì năm đó sẽ kém may hơn, đổi lại nếu bắt và phạt được những tên trộm lẻn vào nhà mình thì tài lộc của gia đình vẫn giữ được và may mắn cũng theo đó mà đến với gia đình trong cả năm tới. Nếu không may tên trộm bị chủ nhà bắt được thì sẽ phải chịu hình phạt bằng những chén rượu thịt thơm nồng đã được chuẩn bị từ trước.

Tục gội đầu bằng nước gạo chua của người Thái trắng

Người Thái trắng ở Sơn La có phong tục ngày Tết đó là tiến hành lễ hội gội đầu từ trưa ngày cuối cùng trong năm. Tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bờ sông để tổ chức lễ gội đầu với mong muốn xua đi tất cả những gì không may mắn trong năm.

le-goi-dau-cua-nguoi-thai-trang-1423122085618.jpg

Tất cả già làng, trưởng bản, từ già đến trẻ hò nhau xuống bờ sông để tổ chức lễ gội đầu với mong muốn một năm mới nhiều thuận lợi

Họ còn chuẩn bị những bát nước gạo đã được ngâm cho chua nhẹ rồi xối từ từ lên tóc, gợi lên mọi điều tốt đẹp cho ngày mai bước vào năm mới thật tinh khôi. Lễ gội đầu kết thúc là đến cuộc vui đua thuyền giữa nam và nữ. Người ta tổ chức ném còn, xòe vòng… Trai gái được dịp vui chơi thỏa thích.

Kỳ lạ tục “cướp” vợ lấy may đầu năm của người H’Mông

Thông thường, những chàng trai sẽ tự tìm hiểu người con gái mình thích trong vùng. Khi cả hai bên đã ưng cái bụng, chàng trai sẽ về thông báo cho bố mẹ mang lễ vật sang nhà gái thưa chuyện cưới hỏi và tổ chức kéo vợ.

copy-of-bat-vo-3-1486748562247-1514295715488.jpg

Tục kéo vợ của người H'Mông đã có từ lâu đời và vẫn được duy trì cho đến ngày nay

Ngày cướp vợ thường được chọn vào chợ phiên ngày cuối tuần hoặc đầu năm. Theo quan niệm của người H’Mông, đây là những ngày chợ phiên lớn, có đông người, kéo vợ sẽ được người dân các bản đều biết. Đặc biệt, vào mùng 2, mùng 3 Tết là những ngày đầu xuân mở đầu cho năm mới, mở đầu cho sự sinh sôi nảy nở, nếu ai cướp được vợ về thì gia đình sẽ gặp may mắn cả năm. 

b_wszd.jpg

Ngày cướp vợ thường được chọn vào chợ phiên ngày cuối tuần hoặc đầu năm.

Người Cao Lan dán giấy đỏ từ nhà tới chuồng gà

Cũng như người Kinh, người Cao Lan ăn Tết từ cuối tháng Chạp tới tháng Giêng. Một đặc điểm của người Cao Lan là họ cúng ở cả nhà riêng lẫn đình làng, và tới giờ họ vẫn giữ nghi lễ lấy nước ở giếng đình làng để thờ cúng.

The-Duong-Tet-nguoi-Tay-3.jpg

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành.

Trước Tết Nguyên đán khoảng hai ngày, người Cao Lan sẽ mang giấy đỏ (tiếng Cao Lan là Chí dịt), để dán ở cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên, cối xay, chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng gà. Toàn bộ ngôi nhà bỗng nhiên nhuộm sắc đỏ rực rỡ. Bởi theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành. Dán giấy đỏ lên những nơi quan trọng là bắt đầu cho một năm mới với mong muốn an khang thịnh vượng.

Người Thái gọi hồn vào dịp Tết

Một tục lệ không thể thiếu và là nét đặc trưng của người dân tộc Thái vào ngày Tết là tục gọi hồn. Theo đó, vào tối 29 hoặc 30 Tết, mỗi gia đình sẽ thịt 2 con gà, một con cúng tổ tiên, một con gọi hồn cho những người trong nhà.

le-hoi-sapa.jpg

Lễ gọi hồn của người Thái trong dịp đầu năm mới

Thầy cúng sẽ lấy áo của từng thành viên trong nhà, bó chặt một đầu với nhau rồi vắt lên vai. Tay thầy cúng cầm một cây củi đang cháy, mang ra đầu làng và gọi hồn. Sau khi gọi khoảng 2-3 lần, thầy cúng về chân cầu thang của gia đình này gọi thêm một lần nữa. Cuối cùng, thầy cúng sẽ buộc một sợi chỉ đen vào tay từng thành viên của gia đình đó để trừ tà ma.

Hiệp Nguyễn

Tổng hợp