Kinh nghiệm du lịch bằng xe máy
(Dân trí) - Với những du khách mà trải nghiệm trên đường đi có ý nghĩa hơn điểm đến thì chiếc xe máy sẽ là phương tiện di chuyển lý tưởng. Để đảm bảo chuyến đi thành công, sự chuẩn bị kỹ lưỡng là vô cùng cần thiết
Đi đâu?
Trước tiên, bạn cần xác định mình sẽ đi đâu và thời gian dành cho chuyến lãng du được mấy ngày. Việc lái xe nhiều sẽ làm bạn mệt mỏi khi đến đích, giảm sự hưng phấn, bớt hứng thú để khám phá những cảnh vật tuyệt đẹp nơi đến.
Thời gian của chuyến đi cần tính toán tới những khoảnh khắc tuyệt như mơ này. Bạn cũng cần lưu ý rằng trên đường đi cũng sẽ có nhiều nơi mà mình sẽ không thể nào cưỡng lại được việc dừng xe để ngắm cảnh, thăm thú.
Vậy nếu bạn có thời gian dành cho chuyến phượt là 2 ngày thì tầm xa sẽ khoảng dưới 400 km, 3 ngày là 600 km... và nhớ cộng thêm thời gian khứ hồi.
Chuẩn bị xe
Việc đầu tiên là phải kiểm tra và bảo dưỡng toàn bộ xe: thay nhớt, kiểm tra thắng – vỏ ruột xe, bugi, đèn, còi, kính chiếu hậu…Săm xe thủng ba lỗ thì nên thay mới. Mang theo dây thừng cuộn (để kéo nếu bị sa lầy).
Lưu ý: xe đi du lịch nên là các loại xe bền, thông dụng, dễ sửa chữa dọc đường như Jupiter, Future, Wave…Các xe nên có 1 chiếc săm sau phòng bị ( tự túc). Có loại keo tự vá bạn có thể bơm vào săm trước khi đi để đề phòng bất trắc.
Tư trang cần thiết
Sử dụng mũ bảo hiểm loại có hàm, kính kín nhằm tránh gió bụi, đỡ mệt mỏi và độ an toàn được nâng lên. Nên đi giày bít và mặc áo vải thô khi đi đường vì chúng sẽ làm giảm nguy cơ bị xây xát nếu ngã xe. Không nên mặc quần jeans, sẽ nặng nề và khó cử động, lỡ mắc mưa cũng rất lâu khô.
Nên đeo găng tay, chú ý chọn mua loại thoáng mà dày. Đeo găng tay không chỉ để tránh nắng mà người lái cũng sẽ đỡ mỏi tay hơn nhiều. Nên chằng buộc balô cẩn thận, không nên đeo balô khi đi đường xa, làm giảm sức khỏe của người đi xe, trừ túi máy ảnh và vật dụng tùy thân.
Di chuyển tốc độ an toàn, hợp lý
Hãy di chuyển với tốc độ cho phép trên đường, 60km/h trên đường ngoài đô thị và 40km/h trong khu vực đô thị. Đừng đi quá nhanh hay quá chậm! Nếu đi quá nhanh, bạn sẽ dễ mất kiểm soát tốc độ khi gặp sự cố. Nếu đi quá chậm, bạn sẽ liên tục bị xe ô tô vượt qua bên trái, chịu sức ép lớn và nhiều rủi ro hơn.
Tránh đi phía sau và sát đuôi xe tải lớn. Tại đường đồi núi, xe tải lớn chở nặng chỉ di chuyển với tốc độ rất chậm, từ 10 - 20 km/h, vì vậy hãy cảnh giác đừng bám sát đuôi. Những xe này nếu tuột dốc sẽ khiến bạn gặp nguy hiểm nếu bám đuôi quá gần. Hãy giữ khoảng cách hợp lý, quan sát phía trước và vượt khi có thể, chú ý không vượt ở khúc cua.
Nếu đi theo đoàn, hãy chọn người có kinh nghiệm dẫn đoàn, kiểm soát tốc độ và khoảng cách giữa các xe, luôn đảm bảo đoàn được an toàn khi vượt xe khác.
Luôn nhớ, hãy tuân thủ luật giao thông, sử dụng xi-nhan, đèn passing và còi để xin vượt; đi đúng tốc độ quy định, không vượt phải và không vượt tại các khúc cua. Chú ý cột mốc ven đường để tránh lao xe xuống vực, hãy dừng lại nếu không thể quan sát đường.
Đi dọc đường nên đổ đầy xăng khi có thể vì không biết phía trước có cây xăng hay không
Cách... đi và về
Nếu bạn thừa sức "dứt điểm" cả chuyện đi và về bằng xe gắn máy? Thật hoàn hảo vì bạn sẽ cảm nhận đầy đủ tất cả những gì tuyệt vời nhất trong chuyến đi. Nếu có thể thì bạn nên chọn cung đường đi có nhiều thắng cảnh đẹp cho dù có xa đích đến hơn một chút. Cung đường về là lúc chọn con đường ngắn và tốt nhất để về nhà, thường là các quốc lộ hay tỉnh lộ.
Minh Anh (tổng hợp)