Khám phá rừng phong tuyệt đẹp ngay tại Việt Nam
(Dân trí) - Ai đã từng sang nước Nga sẽ không bao giờ quên cảnh mùa thu vàng. Nó không chỉ trên tác phẩm tuyệt tác của Evitan, mà hầu như ở khắp nước Nga. Những rừng bạch dương bạt ngàn vào thu sẽ chuyển màu vàng rực. Lá vàng trên cây, lá vàng trên mặt đất. Saint Petersburg là một trong những thành phố có mùa thu vàng nổi tiếng thế giới.
Những rừng bạch dương bạt ngàn vào thu sẽ chuyển màu vàng rực. Lá vàng trên cây, lá vàng trên mặt đất. Saint Petersburg là một trong những thành phố có mùa thu vàng nổi tiếng thế giới.
Bạch dương được coi là quốc thụ của Nga, Bạch dương cũng là quốc thụ của Phần Lan. Rời nước Nga tôi mang theo tấm ảnh chụp tại trang trại của Đại văn hào Lev Tolstoy- tác giả của tuyệt tác “Chiến tranh và hòa bình”.
Châu Âu thường được các công ty du lịch giới thiệu đến với các thành phố có mùa thu vàng đẹp khó quên đó là Paris (Pháp), Praha (Cộng hòa Sec), Budapest (Hungary), Baravia (Đức), Louxembourg, London (Anh), Bern (Thụy Sỹ). Thực ra đây chỉ là những địa danh quen thuộc mà các tuyến du lịch đi qua. Còn rất nhiều nơi ở châu Âu từ miền Bắc Âu như Thụy Điển, Na Uy đến Nam Âu như Italia , Tây Ban Nha ..đều ngút ngàn mùa thu vàng.
Bên kia Đại Tây Dương lục địa Bắc Mỹ như Canada có những rừng phong bạt ngàn, nhất là ở miền Đông Nam, đâu đâu cũng thấy những cây phong. Người ta cho rằng lá phong ở đây đổi màu đẹp hơn những nơi khác.
Phong là loài cây gỗ, có tên khoa học là Acer. Từ Acer có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp cổ có nghĩa là “sắc nhọn” để chỉ các điểm đặc trưng trên lá của chúng. Nhiều loài phong có bộ lá sáng màu về mùa thu và nhiều nước có truyền thống theo dõi lá đổi màu. Du lịch mùa thu để xem lá đổi màu là nguồn lợi chính trong kinh tế của nhiều nơi. Lá phong đã đi vào quốc huy của Canada.
Ở Nam bán cầu mùa thu bắt đầu tháng tư.
Nhiều nhà khoa học cho rằng nhiều loài phong đẹp có nguồn gốc từ châu Á. Cây phong đã đi vào lịch sử vào các tuyệt tác văn chương Trung Hoa. Chẳng hạn nhiều người vẫn nhớ bài thơ tứ tuyệt của Đỗ Mục với hai câu: “Đình xa tọa ái phong lâm vãn. Sương diệp hồng ư nhị nguyệt hoa” (Tạm dịch: Dừng xe vãn cảnh rừng phong đẹp. Lá ngâm sương hồng tựa hoa xuân).
Phong ở Trung Quốc có nhiều nơi như vùng An Huy, Cửu Trại Câu… với nhiều khu du lịch nổi tiếng. Ngay ở Bắc Kinh công viên Hương Sơn phía Tây Bắc là một khu rừng núi được bao phủ bởi hàng ngàn cây phong. Công viên này được xây dựng từ năm 1115 và trở thành nơi nghỉ ngơi, thưởng ngoạn của vua chúa Trung Hoa từ nhiều thế hệ. Nếu Di Hòa Viên là cung điện mùa hè, thì Hương Sơn được coi là cung điện mùa thu của giới vương quyền.
Nhật Bản - cảnh sắc của “xứ sở Mặt trời mọc” trở nên rực rỡ hơn bao giờ hết từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm khi những rừng phong chuyển sắc từ xanh sang đỏ. Thật may mắn cho tôi khi lần đầu tiên lên đỉnh Phú Sỹ lại đúng cuối tháng 10 giữa mùa lá đỏ. Có lẽ vì vậy mà người ta thường gọi mùa thu ở Nhật Bản là mùa lá đỏ (momiji).
Mùa thu lá đỏ đẹp nhất ở Nhật là Kyoto. Hàn Quốc cũng vậy. Hàng năm nhiều công ty du lịch vẫn quảng cáo tour du lịch khám phá mùa thu lá đỏ từ Seoul cho đến đảo Jeju cực nam.
Ở Nam bán cầu thì ngược lại. Tháng tư mùa thu nước Úc. Chị Nancy Bui viết: “Nước Úc vào thu khoác lên mình chiếc áo vàng óng ả, những hàng cây đang mùa thay lá, đẹp như một bức tranh. Sắc thu vàng rải rác trong thành phố, ngập các công viên, trải dài trên các nẻo đường từ Melbourne, Canberra đến Sydney, như níu lấy bước chân ai”.
Ở Việt Nam, hầu như từ trước đến nay, "mùa lá rụng đỏ vàng" khó được nhìn thấy đối với đa số người dân. Mà theo tài liệu có tận trên đỉnh Hoàng Liên Sơn cao vút, hay ở Mù Căng Chải Yên Bái rồi Tam Đảo, Đà Lạt. Ở thành phố ta chỉ mới thấy một số cây thay lá đơn lẻ. Lộc vừng gần đây được trồng làm cảnh ở nhiều nơi cũng thay lá đỏ, lá vàng ...để rồi nảy búp non xanh mơn mởn. Nhưng ít thấy ở đâu có một khu rừng tập trung cây thay lá đỏ lá vàng như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản hay châu Âu, châu Mỹ.
Vậy mà gần đây, ở cách Hà Nội không xa chưa đầy 100 km trên tuyến du lịch Hà Nội - Hạ Long, đã phát hiện ra một quần thể cây phong lá đỏ lá vàng mỗi độ thu về. Khu rừng thuộc chùa Thanh Mai nằm trên dãy núi Tam Ban, nơi tiếp giáp địa bàn ba tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh. Chùa được xây dựng từ thế kỷ 13. Khu vực này chỉ cách thị trấn Sao Đỏ Chí Linh khoảng 15 km và từ đường 18 rẽ vào chỉ độ 10 km. Cùng với Côn Sơn, Yên Tử thì Thanh Mai do thiền sư Pháp Loa xây dựng và phát triển trở thành một trong ba điểm đến quan trọng của Thiền phái Trúc Lâm.
Khu rừng phong này khá tập trung, do là một khu vực tâm linh cho nên dẫu qua các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ, cho đến nay vẫn bảo tồn nguyên vẹn. Nhiều cây cao to đến 25-30m. Mới đây, tôi theo chân hai nhà thực vật lâm nghiệp Nguyễn Bội Quỳnh và Nguyễn Khánh Xuân về khảo sát cụ thể và làm việc cùng đơn vị Quản lý khu vực rừng này. Các nhà thực vật Lâm nghiệp xác định đây là khu rừng sau sau. Sau sau, còn gọi là sau trắng, sâu trắng, phong hương, bạch giao, bạch giao hương, cây thau, trao, chao, cổ yếm, sâu cước, chà phai, mâng deng, là một loài thực vật thuộc họ Tô Hạp. Tên khoa học: Liquidambar formosana. Tra cứu tài liệu cho thấy người Trung Quốc gọi cây sau sau là phong hương.
Cây sau sau ra lá non tươi ở chùa Thanh Mai, Chí Linh, Hải Dương.
Rừng sau sau ở đây trải rộng hơn 100 ha, trong đó có khoảng 50 ha thuộc khuôn viên nhà chùa Thanh Mai . Hôm tôi đến đây sau sau đang rất xanh tốt. Cơ quan Bảo vệ rừng và nhà chùa cũng như nhân dân trong xã cam kết bảo vệ nghiêm ngặt khu rừng, Hy vọng cứ đến cuối thu khu rừng này sẽ lại chuyển đỏ chuyển vàng như trong câu thơ của Đỗ Mục : "Sắc đỏ của lá phong như hoa mùa xuân".
Cây sau sau ở ta không phải cây mới lạ, mấy chục năm trước ở khu vực Hữu Lũng Lạng Sơn cũng có cả rừng sau sau. Đồng bào dân tộc Tày ở đây lấy lá sau chắt nước nấu xôi có màu rất đẹp. Hy vọng nếu biết tổ chức biến khu rừng Thanh Mai có đường đi lối lại kết hợp du lịch tâm linh với phong cảnh mùa thu vàng thì đây sẽ là điểm đến hết sức thuận lợi và đầy thú vị .
Nguyễn Lương Phán