Khám phá bản “hồng hoang” ngủ quên trên độ cao 2000 mét

Son, Bá và Mười là ba bản thuộc xã Lũng Cao của huyện Bá Thước (Thanh Hóa), nơi đây vẫn còn hoang sơ, bởi bà con dân tộc Thái vẫn chưa có điện, cuộc sống của họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Để khám phá cuộc sống của đồng bào ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển, chúng tôi đã phải vượt đỉnh núi mới vào đến bản.

“Hồng hoang” một bản làng

Trên đỉnh núi Đá Lát, đồng bào dân tộc Thái thuộc ba bản Son, Bá và Mười sống quần cư đã bao đời nay. Ba bản này đa phần là những ngôi nhà sàn được xây dựng vững chắc dọc theo trục đường chính hoặc nằm sát sườn đồi. Sự “hồng hoang” của bản làng chính là trang phục, lối sống và cách sinh hoạt của bà con. Bởi mỗi khi màn đêm buông xuống, bản làng lại chìm đắm trong bóng tối. Vì hàng trăm năm nay người dân vẫn đốt đèn nến sống trên một cao nguyên hoang sơ, ít người biết đến. 

Xe chúng tôi vượt đỉnh núi để đến với bản làng cực kỳ khó khăn. Bởi từ trung tâm xã Lũng Cao lên đến bản Son toàn là những vách đá dựng đứng. Nhiều đoạn xe máy phải bò chậm chạp nên một trong chúng tôi phải đi bộ chừng một cây số mới lên được đỉnh núi. Xe chạy hết dốc Đá Lát cũng là lúc tiết trời thay đổi bởi khí hậu nơi đây khác hẳn hoàn toàn ở dưới chân núi. Cái lạnh của cao nguyên dường như xua đi nỗi vất vả và mệt nhọc. Anh em chúng tôi ngồi nghỉ ở đầu bản và tận hưởng không khí mát lạnh, bởi những đám sương mây đang còn bay bảng lảng trên đỉnh núi.      

Đi sâu vào bản là một thung lũng yên tĩnh, thỉnh thoảng lại có tiếng gà gáy cất lên trong nắng sớm. Dừng xe ở một quán nước ven đường, ông Hà Văn Minh, chủ quán cho biết: “Trong bản vẫn chưa có điện lưới, nhiều hộ gia đình vẫn phải dùng đèn dầu cho các cháu nhỏ học bài. Ở trong bản mọi thứ đều đắt đỏ vì cước vận chuyển hàng hóa từ trung tâm chợ Phố Đòn về nhà khá cao. Có nhiều người từ lúc sinh ra đến tuổi lấy vợ, gả chồng nhưng chưa một lần được đặt chân  đến trung tâm thị trấn Càng Nàng.

Theo ông Minh, mặc dù cuộc sống có thay đổi theo hướng hiện đại hơn nhưng đồng bào Thái vẫn lưu giữ y nguyên bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Người phụ nữ Thái vẫn còn dệt thổ cẩm và thêu thùa. Vào đầu xuân, các bản làng nơi đây thường tổ chức múa sạp hoặc những làn điệu khập Thái (hay còn gọi là hát tỏ tình, chia sẻ tình cảm với người mình yêu). Mỗi khi có khách quý đến nhà, phụ nữ Thái thường mặc váy truyền thống để cùng uống rượu cần. Hầu như mùa nào trong năm, đồng bào nơi đây cũng đều có một bình rượu cần và các món ăn lạ từ rừng núi như cơm nếp, gà đồi.

Khám phá bản “hồng hoang” ngủ quên trên độ cao 2000 mét - 1
Con đường nơi mà bà con xuống trung tâm xã Lũng Cao.  

Theo như quan sát, các bản làng nơi đây nằm ở độ cao trên 2000m so với mực nước biển nên nhiệt độ thấp hơn so với các nơi khác rất nhiều. Theo người dân bản địa, nhiệt độ trung bình là từ 20 - 22 độ C. Mùa đông thường đến sớm và lạnh, có khi xuống dưới 0 độ C khiến cho tuyết rơi. Do được thiên nhiên ưu đãi nên các loại rau củ quả như ngô, su hào, mướp đắng rất thích hợp với thổ nhưỡng. Hiện trong bản đã có nhiều hộ trồng mướp đắng, đây là một dự án phát triển kinh tế cho đồng bảo.

Mướp đắng - đặc sản cao nguyên

Dọc theo hai bên đường, đâu đâu cũng được phủ một màu xanh của ngô và mướp đắng. Do bản làng có khí hậu lạnh nên rất thuận lợi cho các công ty đầu tư. Hiện mướp đắng đã được trồng phổ biến, hầu như ngày nào các hộ gia đình cũng đi thụ phấn cho hoa. Bước xuống thửa ruộng kế bên con đường chạy vào bản, chị Hà Thị Hương đang miệt mài thụ phấn cho hoa trên giàn mướp của mình. Khi được hỏi chuyện, chị Hương chia sẻ: “Giàn mướp này được đầu tư bởi Công ty CP Phát triển và Đầu tư Nhiệt đới, nghe nói lúc thu hoạch, họ sẽ về tận vườn để thu mua”.

Theo chị Hương, dự án trồng mướp đắng lấy hạt trên cao nguyên xứ lạnh này đã có từ mấy năm về trước, tuy nhiên đến năm nay thì công ty họ mới cho trồng thử nghiệm. Những năm trước, bản cũng đã trồng su su nhưng giá thấp, không đạt hiệu quả kinh tế. Hiện tại dự án trồng mướp đã có 43 hộ dân trồng thử nghiệm. Nếu chăm sóc đúng cách và cho sản lượng tốt thì sẽ mở rộng cho tất cả các hộ dân cùng làm. 

Cũng theo chị Hương, bản Son có 99 hộ dân, gần 500 nhân khẩu, đời sống của bà con những năm về trước cực kỳ khó khăn. Bởi bà con chỉ cấy được một vụ lúa nhưng năng suất chưa cao, thậm chí không đủ ăn. Có hộ không có ruộng thì phải trồng ngô để đổi gạo. Hiện tại dự án trồng mướp đắng được bà con dân bản rất hưởng ứng vì giá 1kg hạt mướp sẽ được công ty họ thu mua là 480 nghìn đồng. 

Khám phá bản “hồng hoang” ngủ quên trên độ cao 2000 mét - 2
Chị Hà Thị Hương đang thụ phấn cho hoa mướp.  

Hiện ruộng của gia đình chị Hương là 150m2, dù mới trồng thử nghiệm nhưng bước đầu đã khởi sắc vì mướp đậu quả gần như 100%. Cũng theo chị Hương, do mới trồng thử nghiệm nên chị chưa khẳng định được năng suất và sản lượng mướp trên thửa ruộng của mình. Chị Hương tâm sự: “Trồng mướp đắng mất nhiều thời gian lắm, mình chỉ bỏ sức ra để làm thôi. Cũng mong vụ mướp năm nay sẽ cho năng suất cao vì tôi còn phải nuôi gia đình”. Nhà chị Hương có ba nhân khẩu, đứa đầu đã đi lấy chồng, đứa thứ hai đang theo học ở Trường phổ thông Cao Sơn.  

Anh Trương Văn Đức, Trưởng thôn Son, Bá, Mười, chia sẻ: “Hiện bà con trong bản vẫn còn lạc hậu, nên năng suất lao động vẫn chưa cao. Sản lượng trồng trọt của bà con làm ra rất nhiều, tuy nhiên vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong khâu vận chuyển. Bà con bản làng chúng tôi đang mong chờ con đường nhựa từ trung tâm xã Lũng Cao thông với Tân Lạc (Hòa Bình). Bởi nếu đường thông thì nhu cầu giao lưu hàng hóa giữa người miền ngược và người miền xuôi sẽ ngắn lại”.

Anh Đức nói thêm: “Son, Bá, Mười có trên 700 nhân khẩu, chiếm 31% là hộ nghèo. Hiện Cty CP Phát triển và Đầu tư Nhiệt đới họ đang đầu tư trồng mướp đắng lấy hạt xuất khẩu, đây cũng là giải pháp giảm nghèo. Song song với việc thoát nghèo, từ năm 2003 một tổ chức phi chính phủ tại Anh đang tập huấn cách làm du lịch cho các xã Lũng Cao và Lũng Niêm. Điều này sẽ tạo điều kiện phát triển du lịch”. 

Hiện ba bản Son, Bá và Mười còn gặp khó khăn. Hầu như các hộ vẫn chưa có ti vi, họ phải dựa vào chiếc đài radio, đó cũng là phương tiện phổ biến pháp luật và kiến thức cho bà con. Nếu muốn phát triển khu du lịch nghỉ dưỡng bền vững thì bản làng nơi đây cần phải chú trọng phát triển và đầu tư đúng mức. Bên cạnh việc đầu tư phát triển du lịch, cần đảm bảo cuộc sống ổn định, đặc biệt là điện, đường, trường, trạm vì bản làng đều nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông./.

Theo Pháp luật VN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm