Khách Trung Quốc đến, khách Tây đi!
Thực tế cho thấy ở đâu có du khách Trung Quốc đến đông thì ở đó khách châu Âu giảm hẳn vì họ thường rất xô bổ, ồn ào, thiếu ý thức...
Các tuyến đường ven biển như Hoàng Sa, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp (quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng) gần đây bỗng trở thành phố Trung Quốc (TQ) với hàng loạt nhà hàng, khách sạn treo biển bằng tiếng TQ.
Vừa ăn vừa nói, rất bát nháo
Ở TP Đà Nẵng, người TQ đông khoảng 3 năm trở lại đây, đa số đến để du lịch, làm việc trong casino, chủ nhà hàng, khách sạn ven biển.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) TP Đà Nẵng cho biết trong năm 2015 và quý I/2016, TQ là một trong những nước có số du khách nằm trong tốp đầu ở TP Đà Nẵng. Dù thế, các khách sạn ở đây cho biết họ ít được hưởng lợi vì khách TQ thường đi theo tour đặt sẵn tại các khách sạn do người TQ làm chủ.
Ở TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, du khách TQ đông thứ tư trong số du khách các nước đến du lịch. Tuy thế, người dân và các doanh nghiệp lưu trú rất “ngán” vì khách TQ rất ồn ào, thiếu ý thức. “Họ thường đi cả đoàn, vừa ăn vừa nói rất bát nháo. Họ vào cửa hàng ít khi mua sắm mà chỉ lật qua lật lại nhìn rồi bỏ đi. Du khách châu Âu thấy khách TQ vào là bỏ đi luôn nên nhiều khi chúng tôi rất bực bội vì mất khách” - một chủ cửa hàng kinh doanh vải tại TP Hội An phàn nàn.
Theo bà Lê Thị Châu Trinh, Trưởng Phòng Quản lý lưu trú Sở VH-TT-DL tỉnh Quảng Nam, do số lượng khách châu Âu đang giảm mạnh nên tỉnh này tập trung khai thác khách ở các thị trường gần. Thế nhưng, tỉnh không tập trung vào khách TQ, do các doanh nghiệp không mặn mà với đối tượng khách này vì khả năng chi tiêu không cao, ý thức kém.
“Ý thức của du khách TQ rất kém, đi đến đâu đều rất xô bồ, ồn ào, chỉ cần vài người là nói vang cả vùng. Trong khi đó, khách châu Âu đi cả đoàn 50 người vẫn rất yên lặng. Hơn nữa, khi ở lại khách sạn, dường như khách TQ muốn “tàn phá” cho lại vốn. Ăn uống nhiều, không có ý thức giữ gìn đồ đạc nên khách sạn rất nhanh xuống cấp. Chính vì thế, các điểm có khách TQ đến đông thì khách châu Âu rất ngại đến” - bà Trinh khẳng định.
Tại Khánh Hòa, trong buổi giao ban thường kỳ tháng 4 tổ chức hôm qua, 6-5, ông Lê Đức Vinh, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết năm 2015, lượng khách TQ đến địa phương này đạt 180.000 lượt, dự báo năm 2016 sẽ tăng đến 400.000 lượt. Ngành du lịch cần quản lý chặt các tour tuyến liên quan đến khách TQ; tránh tình trạng bán tour tuyến giá thấp, bán nợ để đề phòng khách TQ bất ngờ chuyển địa điểm du lịch sẽ để lại hậu quả đáng tiếc.
Ông Vinh cũng chỉ đạo lực lượng QLTT tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở bán hàng cho khách TQ có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Khánh Hòa: Du khách Trung Quốc tăng 500%
Số liệu mới nhất về quốc tịch du khách do Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa cung cấp cho thấy trong 3 tháng đầu năm 2016, lượng khách châu Âu đến tỉnh này giảm, chỉ còn 78% so cùng kỳ năm 2015; khách từ châu Đại Dương còn 89%; châu Mỹ còn 91%. Nhiều nước truyền thống như Úc chỉ còn khoảng 8.100 lượt, bằng 77% so với năm 2015; khách Mỹ còn khoảng 89%; khách Anh, Pháp, Đức lần lượt còn 89%, 85%, 78%. Trong khi đó, khách TQ lại tăng gần 500%, đạt 107.600 lượt!
Mới đây, một đoàn khách TQ đến tham quan Khu Di tích Tháp Bà, tỉnh Khánh Hòa. Khi vào phía trong Tháp Bà, dù đã có hướng dẫn bằng hình ảnh nhưng đoàn khách vẫn ồn ào, cười đùa. Đến mức, một khách nước ngoài khác phải yêu cầu bảo vệ của khu di tích này chấn chỉnh.
Một chủ khách sạn trên đường Hùng Vương (TP Nha Trang) cho biết khách sạn đối xử rất bình đẳng với tất cả khách nhưng quả thật khách TQ rất ồn ào, to tiếng, khi ăn uống thường cãi nhau, giành giật. “Thậm chí, khi ăn buffet, họ còn lấy thức ăn bỏ vào túi mang đi. Từ khi khách sạn tiếp nhận khách TQ,, khách nước khác giảm rõ. Chúng tôi đã cố gắng nhắc nhở nhưng rất khó nói vì lượng khách này rất đông” - chủ khách sạn này phàn nàn. Một chủ khách sạn khác còn bức xúc cho biết khách TQ “trùm sò” đến mức mua hải sản rồi bày trước khách sạn nướng để bán cho khách cũng người TQ!
Chi tiền thật thấp, đòi phục vụ thật cao!
Tại tỉnh Lâm Đồng, tuy chưa có đánh giá chính thức về việc khách TQ khi tới TP Đà Lạt du lịch nhưng theo một số doanh nghiệp, cơ sở lưu trú tại đây, nhiều du khách TQ có những hành động không đẹp, thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh chung, cư xử chưa chuẩn mực, rất nóng nảy và có thói “ta đây hơn người”.
Chị Trương Thị Phượng, chủ một quán cà phê trên đường Phan Đình Phùng (TP Đà Lạt), cho biết quán của chị thường có nhiều người nước ngoài ghé. “Keo kiệt, tính toán chi li là đặc điểm dễ nhận thấy ở du khách TQ” - chị nói.
Chị Phượng kể có một du khách TQ đến uống cà phê hỏi trước giá. Giá cà phê đen của quán là 12.000 đồng/ly, cà phê đá là 14.000 đồng/ly. Người này thích uống cà phê đá nhưng lại gọi cà phê nóng, sau đó gọi thêm ly trà đá, lấy đá trong ly trà bỏ vào ly cà phê. “Ban đầu, tôi không để ý nhưng 3 lần người này uống cà phê ở quán liên tiếp, tôi để ý thì thấy đều xin thêm ly trà đá, lấy đá bỏ vào ly cà phê để không phải trả tiền với giá của ly cà phê đá” - chị Phượng lắc đầu.
Theo ông Võ Văn Khánh, chủ một cơ sở lưu trú nhỏ trên đường Bùi Thị Xuân (TP Đà Lạt), du khách TQ muốn trả tiền phòng nghỉ thật thấp nhưng lại đòi chất lượng phục vụ phải “chuẩn sao”. “Tôi kinh doanh lưu trú bình dân, giá mỗi phòng chỉ 120.000-180.000 đồng. Nhiều khách TQ tới thuê phòng hỏi giá rất kỹ, kỳ kèo thêm bớt nên tôi muốn trả lời hết phòng cho rồi. Nhiều người đem đồ ăn về dùng không hết thì nhét xuống gầm giường. Vào lưu trú bình dân mà họ đòi máy lạnh, tủ lạnh, đồ ăn uống…” - ông Khánh ngán ngẩm.
Theo ông Ngô Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Dalat Discovery (TP Đà Lạt), khách TQ khi tới Đà Lạt du lịch thường tự tổ chức đi chứ rất ít khi mua tour của các đơn vị du lịch.
Một người am hiểu về du lịch phân tích rằng hiện nhiều công ty lữ hành trong nước đang mua lại tour của lữ hành TQ với giá rẻ. Để bù lại số tiền lỗ, họ phải mở các cửa hàng bán đồ hay bán tour khép kín cho khách TQ với giá cao. Điều này rất nguy hiểm cho ngành du lịch vì sẽ mang tiếng bán dịch vụ giá cao. Chưa kể, những doanh nghiệp lữ hành đa số mua nợ dịch vụ đi kèm như khách sạn, phương tiện chuyên chở, xây dựng cơ sở, mặt bằng… Sau khi đón khách xong, phía TQ thanh toán, họ mới có tiền trả lại. Nếu khách TQ chuyển hướng đi nơi khác, doanh nghiệp lữ hành TQ không trả tiền thì doanh nghiệp trong nước ôm nợ.
Đua nhau giảm giá
“Nhiều doanh nghiệp đã phản ánh khách TQ gây phiền hà cho các du khách khác. Sở VH-TT-DL tỉnh Khánh Hòa đã yêu cầu các doanh nghiệp tự điều chỉnh cho phù hợp với từng loại du khách, khéo léo phân tầng, thang máy riêng cũng như khu vực ăn uống, giải trí để tránh xung đột văn hóa giữa các vùng. Chúng tôi nhắc các doanh nghiệp lữ hành đưa khách TQ đến TP Nha Trang cần xây dựng cẩm nang hướng dẫn du khách điều gì nên, không nên khi đến du lịch để hạn chế tác động tiêu cực” - bà Phan Thanh Trúc cho biết.
Theo bà Trúc, bà đã nhiều lần tìm hiểu tại sao các doanh nghiệp du lịch đua nhau giảm giá các dịch vụ cho khách TQ trong khi lượng khách nước này liên tục tăng. “Giảm giá thì chất lượng dịch vụ sẽ đi xuống, trong khi thị trường rất đa dạng các loại khách. Chúng ta cạnh tranh nhau bằng chất lượng du lịch chứ không nên bằng giá” - bà bày tỏ.
Ra sân bay cũng lộn xộn
Liên quan đến việc hàng trăm người TQ gây náo loạn ở cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, ngày 6-5, Công an tỉnh Khánh Hòa khẳng định chưa phát hiện cán bộ an ninh cửa khẩu nhận tiền của khách TQ, đồng thời đề nghị họ cung cấp bằng chứng (nếu có) vào đường dây nóng của công an tỉnh (số 0947513113).
Đại tá Lê Như Toản, người phát ngôn của Công an tỉnh Khánh Hòa, cho biết đêm 2-5, sân bay Cam Ranh có 6 chuyến bay xuất phát đi TQ với hơn 1.000 khách nên rất lộn xộn. Trong lúc chuyến bay VJ5316 sắp đến giờ cất cánh, cán bộ an ninh phải ưu tiên phục vụ hành khách trên chuyến bay này thì 1 hành khách nam đi chuyến VN718 yêu cầu làm thủ tục. Cán bộ an ninh đề nghị lùi lại phía sau nhường cho những người cần đi ngay nhưng vị khách này nổi nóng, đập hộ chiếu lên bàn. Do bất đồng ngôn ngữ, không thể giải thích nên nhân viên an ninh đẩy người này ra ngoài, sau 6 phút mới mời tiếp tục làm thủ tục. “Hành động của nhân viên an ninh cửa khẩu này là sai. Chúng tôi đã yêu cầu giải trình, sai đến đâu sẽ xử lý đến đó” - ông Toản khẳng định.
Theo Trần Thường - Thạch Thảo - Kỳ Nam
Báo Người Lao động