Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục đạt kỷ lục

(Dân trí) - Trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành Du lịch Việt Nam đã đón 6,2 triệu lượt khách quốc tế, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2016; phục vụ trên 40 triệu lượt khách nội địa, tổng thu đạt 262.000 tỷ đồng.

Trong đó, lượng khách đến từ hai thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc vẫn đạt con số tuyệt đối cao nhất. Các thị trường được miễn visa duy trì đà tăng trưởng khá. Khách du lịch nội địa cũng tăng cao trong dịp 30/4 – 1/5.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, tính trung bình mỗi tháng, du lịch Việt Nam đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế. Trong năm qua, du lịch Việt Nam cũng lọt top quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. Cụ thể, với việc gia tăng 24,6% lượng khách nước ngoài vào năm 2016, chúng ta đứng thứ 7 trong top 20 nước đang tăng trưởng mạnh mẽ. Đây là những con số ấn tượng thể hiện sự tươi sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Ông Tuấn cho rằng sự tăng trưởng ấn tượng này nhờ hàng các chính sách được triển khai trong thực tế, tạo động lực cho ngành Du lịch phát triển. Cụ thể, đầu năm 2017, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây là dấu ấn đặc biệt trong lịch sử 57 năm phát triển của ngành du lịch, là cơ sở quan trọng để xây dựng khuôn khổ pháp lý, đề ra các chính sách, khắc phục những khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển ngành.

Trong năm 2016, du lịch Việt Nam lọt top quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. (Ảnh minh họa)
Trong năm 2016, du lịch Việt Nam lọt top quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới. (Ảnh minh họa)

Tiếp đó, tháng 6/2017, Quốc hội đã thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) với nhiều nội dung đột phá, tạo điều kiện thuận lợi, thông thoáng cho du lịch phát triển. Rất nhiều nội dung, tư tưởng của Nghị quyết 08 được cụ thể hóa trong Luật Du lịch sửa đổi. Luật sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Ở các địa phương, nhất là các địa phương trọng điểm du lịch, nhiều dự án mới của các nhà đầu tư chiến lược hoàn thành, đưa vào khai thác đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ du khách cũng như khả năng tiếp nhận khách từ các phân khúc thị trường khác nhau. Cùng đó, trong 6 tháng qua, ngành du lịch Việt Nam tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, chấn chỉnh hoạt động lữ hành, hướng dẫn viên trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tựu trên, trong 6 tháng đầu năm 2017, ngành du lịch Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Những hạn chế bất cập đã bộc lộ từ lâu vẫn chưa được khắc phục một cách cơ bản. Nguồn nhân lực vẫn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, nhất là tại những điểm đến đang phát triển với tốc độ nhanh.

Hiện tượng giá dịch vụ, thực phẩm, đồ uống tại một số điểm du lịch vào thời điểm đông khách vẫn tăng đột biến; rác thải tại một số khu điểm du lịch gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; hiện tượng cướp giật tài sản vẫn còn diễn ra lẻ tẻ ở một số điểm đến; một số tai nạn giao thông đáng tiếc đối với khách du lịch; sự cố ngộ độc thực phẩm là những vấn đề cần tiếp tục được khắc phục, chấn chỉnh trong công tác quản lý.

Để giữ được tốc độ tăng trưởng du lịch như thời gian vừa qua, theo ông Tuấn là một khó khăn, thách thức không nhỏ. “Để giải quyết thấu đáo những khó khăn, thách thức này không thể chỉ có ngành du lịch nỗ lực mà cần sự vào cuộc, hỗ trợ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là trong việc quản lý điểm đến, đảm bảo an ninh an toàn cho du khách”, ông Tuấn nói.

H.T