Hơn 10 nghìn người ký tên kiến nghị giải cứu Sơn Trà khỏi “bê - tông” hóa

(Dân trí) - Ngày 5/4, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã ký văn bản cảm ơn Thủ tướng đã có chỉ đạo liên quan kiến nghị xem xét lại quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà; và báo cáo đã có hơn 10.000 người ký tên kiến nghị giải cứu Sơn Trà khỏi “bê - tông” hóa.

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 3/4, Văn phòng Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ liên quan kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tại văn bản ký ngày 21/3 về Quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2020, định hướng đến năm 2015. Theo đó, Văn phòng Chính phủ truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với UBND TP Đà Nẵng xem xét, xử lý kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, yêu cầu UBND TP Đà Nẵng báo cáo cụ thể sự việc Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà; trong đó làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng và các quy định pháp luật có liên quan, những biện pháp đã xử lý của thành phố.

Ngày 5/4, ông Huỳnh Tấn Vinh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã ký văn bản bày tỏ cảm ơn Thủ tướng đã có chỉ đạo liên quan kiến nghị nói trên. Đồng thời, báo cáo Thủ tướng cụ thể đến 10h ngày 5/4, đã có 10.361 người ký tên đồng tính với kiến nghị xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Sơn Trà theo hướng “Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân” và giải cứu Sơn Trà khỏi tình trạng “bê- tông” hóa của những người yêu Sơn Trà phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh - Green Việt.


Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, đến ngày 5/4, đã có hơn 10 nghìn người ký tên đồng tình kiến nghị giải cứu Sơn Trà khỏi tình trạng bê-tông hóa của những người yêu Sơn Trà phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, đến ngày 5/4, đã có hơn 10 nghìn người ký tên đồng tình kiến nghị giải cứu Sơn Trà khỏi tình trạng "bê-tông" hóa của những người yêu Sơn Trà phối hợp với Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Green Việt.

Văn bản cũng nêu lại 4 điểm cụ thể trong “tâm thư” do Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng ký gửi Thủ tướng, kiến nghị xem xét điều chỉnh lại quy hoạch tổng thể Khu du lịch quốc gia Sơn Trà trước đó:

- Giữ nguyên hiện trạng, không xây mới các cơ sở lưu trú ở Sơn Trà. Đà Nẵng hiện nay đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, thành phố hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm (2016 đón 5,5 triệu lượt du khách)

- Chỉ quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với sự đòi hỏi nghiêm ngặt về quy chế ứng xử của du khách. Hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm.

- Hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà làm tăng nguy cơ phá hủy rặng san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế xã hội của dân cư.

- Hợp nhất Khu dự trữ thiên nhiên Sơn Trà (được thành lập theo quyết định số 45/QĐ-TTg) và vùng biển xung quanh đến Nam Hải Vân để hình thành Khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An nhằm mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước.

Khánh Hiền