Hàng không đã qua “đỉnh dịch”?
(Dân trí) - Nhiều hãng đang đặt kỳ vọng vào mô hình hồi phục chữ V, nghĩa là hàng không đã đi qua “đỉnh dịch”, bắt đầu phát triển trở lại, là nhân tố thúc đẩy phục hồi kinh tế qua các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch.
Kiến nghị cho tiếp tục tăng chuyến bay
Cục Hàng không Việt Nam vừa kiến nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép từ ngày 5/5/2020 tăng tần suất lên 52 chuyến khứ hồi/ngày đối với đường bay Hà Nội – TP HCM; 20 chuyến khứ hồi/ngày đối với đường bay Hà Nội - Đà Nẵng; 20 chuyến khứ hồi/ngày đối với đường bay TP HCM - Đà Nẵng. Các đường bay khác theo nhu cầu của hãng hàng không.
Đặc biệt, Cục kiến nghị từ ngày 1/6/2020, các hãng sẽ khai thác các chuyến bay nội địa và quốc tế bình thường theo lịch bay đã phân bổ.
Cùng với đề xuất tăng chuyến bay, Cục Hàng không Việt Nam cũng đề xuất dỡ bỏ toàn bộ quy định về giãn cách chỗ ngồi trên tàu bay, các hãng sẽ vận chuyển hành khách theo cấu hình của tàu bay, bắt đầu từ ngày 5/5/2020.
Trước đó, sau thời gian dài thực hiện cắt giảm chuyến bay, giãn cách ghế ngồi để phối hợp cùng cơ quan chức năng phòng chống dịch, từ ngày 29/4/2020, các hãng hàng không Việt Nam đã tăng số chuyến bay so với thời điểm giãn cách xã hội. Đồng thời, các hãng không áp dụng biện pháp giãn cách chỗ ngồi đối với hành khách là thành viên trong cùng gia đình, hành khách là nhóm bạn bè, đồng nghiệp cùng cơ quan, cùng doanh nghiệp, hành khách đi du lịch theo nhóm hoặc cùng mã đặt chỗ trên chuyến bay.
Ngay sau những điều chỉnh này, từ ngày 30/4/2020 đến 3/5/2020, các hãng đã vận chuyển hơn 150.000 khách trên các chuyến bay nội địa. Lượng khách này chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại do việc quyết định cho phép bay sát với thời điểm khai thác nên khách không kịp lên kế hoạch, đặt giữ chỗ, mua vé. Ngoài ra, việc xác định nhóm hành khách không áp dụng giãn cách trên tàu bay khó xác định cụ thể nên gây khó khăn cho các hãng, không thể đưa ra mức giá vé thấp như kỳ vọng của người dân.
Anh Lê Tấn Sinh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết anh có việc phải vào TP HCM nhưng vì các chuyến bay quá ít nên anh không mua được vé, phải liên tục đổi ngày. “Rất may là từ 1/5, các hãng bay nhiều chuyến trong ngày hơn nên tôi đã mua được vé giá rẻ của Vietjet, tính ra chỉ có 600.000 đồng/lượt”, anh Sinh nói.
Tín hiệu khả quan từ hàng không quốc tế
Việc Cục Hàng không Việt Nam đề xuất tiếp tục tăng chuyến bay được xem là phù hợp với tình hình dịch cơ bản đã được khống chế, phù hợp định hướng chung của ngành hàng không thế giới. Hiện tại, nhiều hãng đang đặt kỳ vọng vào mô hình hồi phục chữ V, nghĩa là hàng không đã đi qua “vực thẳm” bắt đầu phát triển trở lại, là nhân tố thúc đẩy phục hồi kinh tế qua các hoạt động giao thương, đầu tư, du lịch…
Điển hình là Trung Quốc, tâm điểm của dịch bệnh. Từ cuối tháng 3, khi “đỉnh dịch” đi qua, hàng không Trung Quốc đã bắt đầu hoạt động trở lại. Tín hiệu vui đi kèm đó là ngành du lịch nội địa của Trung Quốc trong tháng 4/2020 đã tăng gấp đôi so với tháng 2/2020 – thời gian cao điểm của dịch.
Một thị trường lớn khác là Ấn Độ, các hãng hàng không Vistara, IndiGo, AirAsia Indina, Air India, SpiceJet và GoAir… đang được điều phối để khai thác trở lại những chặng bay nội địa, đảm bảo việc giãn cách xã hội theo quy định của Ấn Độ.
Tại Thái Lan, bắt đầu từ tháng 5, Chính phủ nước này đã mở lại 32 đường bay nội địa và 14 sân bay. Ngay lập tức, Vietjet - hãng duy nhất của Việt Nam vừa có đường bay nối Việt Nam với Thái Lan, vừa có đường bay nội địa tại Thái Lan, đã nhanh chóng khởi động cho giai đoạn phục hồi bằng việc tặng hơn 1 triệu vé khuyến mãi với giá chỉ từ 9 Baht (khoảng 6.500 đồng) áp dụng cho tất cả các chặng bay nội địa tại Thái Lan và một số đường bay giữa Việt Nam và Thái Lan. Thời gian bay áp dụng từ ngày 01/8/2020 đến 31/12/2020.
Những tín hiệu từ nhiều nước cho thấy ngành hàng không quốc tế luôn là nhân tố đi đầu kéo theo kinh tế vực dậy, vượt qua đỉnh dịch, kiểm soát dịch bệnh lây lan. Mọi cái sẽ dần trở lại từ tín hiệu “mở cửa” bầu trời.
Trường Thịnh