Hà Nội sẽ tổ chức sới chọi cho các “đấu sĩ râu dài”

(Dân trí) - Đây là lần đầu tiên làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức hội thi chọi dê trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam và ngày quốc tế lao động.

Không giống như chọi trâu, chọi ngựa... chọi dê mang nhiều nét độc đáo riêng. Dê thi đấu theo… hứng thú và tỏ ra “khá lịch sự”. Những chú dê nhỏ bé tưởng chừng như yếu ớt nhưng khi lâm trận lại rất dũng mãnh và gan dạ. Nếu “nổi hứng”, các “võ sĩ râu dài” có thể chiến đấu với nhau đến nửa ngày mà vẫn bất phân thắng bại, kẻ yếu thế dù có bị dính nhiều đòn nhưng nhất quyết không bỏ chạy.
 
Ảnh: Internet.
Ảnh: Internet.

Ngược lại, khi đã không thích thì dù đang chủ động tấn công và giành lợi thế hoàn toàn, đấu sĩ "dê" có thể bất ngờ dừng lại, quay đầu ra sau với thái độ rất thờ ơ. Đối phương đuổi theo ra đòn nhưng không thấy được “nghênh chiến” thì cũng chẳng muốn truy cản đến cùng. Cuộc chiến kết thúc trong những tiếng xuýt xoa đầy luyến tiếc của khán giả và luôn làm... khó cho tổ trọng tài.

Từ lâu, tại các tỉnh vùng cao phía bắc để có được hội chọi dê tưng bừng, ngay từ đầu năm, người dân trong các bản Tày, bản H’mông, Dao,… đã phải nuôi dê chọi. Dê chọi là giống dê đực khỏe mạnh, chân to, đầu to, sừng dài, lông đen rậm.

Dê chọi được nuôi thả trên núi liên tục và cho ăn nhiều loại lá rừng để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển của đôi sừng. Đến gần ngày diễn ra hội thi, dê chọi được nhốt riêng chuồng và được chăm sóc rất chu đáo để có cơ hội giành được phần thắng. Hầu hết các bản đều tham gia chọi dê. Vì thế, không khí chuẩn bị ở mỗi bản khá khẩn trương.

Đối tượng tham dự lễ hội là các hộ gia đình, cá nhân đang công tác, hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn các xã, bản trên địa bàn huyện có dê chọi tốt thuộc sở hữu của gia đình được đăng ký tham gia; tuy nhiên mỗi xã không quá 2 con.

Các cặp dê tham gia giải phải được qua sơ tuyển trước khi tham gia lễ hội cấp huyện ít nhất 20 ngày. Thời gian tổ chức lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu tháng 2 âm lịch khi mà bao bộn bề của công việc cấy cày đã được gác lại.

Tại vòng chung kết lễ hội chọi dê, sẽ có 5 hạng cân tranh tài (từ 25 đến 30kg, từ 31 đến 35 kg, từ 36 đến 40 kg, từ 41 đến 50kg, từ 51kg trở lên) với tổng số dê là 40 con. Để có thể góp mặt tại vòng chung kết diễn ra tại sân vận động trung tâm của huyện, các “võ sĩ” dê phải trải qua vòng đấu loại trực tiếp tại các thôn bản để chọn ra những “võ sĩ” anh dũng nhất đại diện cho địa phương tham dự giải.

Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, cùng với hội chọi dê các hoạt động khác của cơ quan này chủ yếu nhằm giới thiệu tới du khách những đặc trưng văn hóa dân tộc Việt Nam tới đông đảo người dân trong các dịp ngày lễ lớn của đất nước.

Hữu Thắng