Gỡ vòng kim cô để Việt Nam “rộng cửa”
Là nước có phí làm visa đắt nhất khu vực, thủ tục thực hiện khó khăn nhất, thời gian nộp hồ sơ dài nhất, Việt Nam đang tìm cách cởi "vòng kim cô" mang tên visa.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định miễn visa cho công dân đến từ 5 quốc gia gồm: Ý, Tây Ban Nha, Anh, Pháp, Đức. Quyết định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7.
Có thể nói đây là một bước đi phù hợp xu hướng, và được chờ đợi để gỡ dần chiếc “vòng kim cô” visa đang là một trong những nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành du lịch VN.
Gỡ “vòng kim cô”
Đầu tháng 6 vừa qua, Campuchia và Thái Lan đã chung tay kí chương trình đẩy mạnh hợp tác du lịch, gọi là “hai vương quốc, một điểm đến”, sau ba năm thực hiện. Ý tưởng ban đầu rất đơn giản: khách du lịch chỉ cần một loại visa chung để đến thăm cả hai nước. Hiệu quả của nó thì khá rõ ràng: chỉ tính riêng Quý I/2015, lượng khách đến Campuchia từ Thái Lan tăng đến 37%. Du khách có xu hướng kết hợp đi cả hai nước hơn trước đây bởi sự thuận tiện.
Sáng kiến visa chung này thực ra được thảo luận ở Bagan, Myanmar cách đây hơn chục năm, giữa lãnh đạo của bốn quốc gia là Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia. Việt Nam sau đó cũng đồng ý tham gia. Giấc mơ ban đầu là thiết lập một khối visa chung tương tự Schengen của Liên minh Châu Âu. Rồi ý tưởng đó, cũng như nhiều giấc mơ của ASEAN, bị chìm vào quên lãng, và chỉ có hai quốc gia kể trên thực hiện.
Nhưng dẫu sao, khách du lịch cũng có thể qua lại giữa bốn nước đó khá dễ dàng bởi chính sách visa tại cửa đến (visa on arrival) như ở Lào, hay thủ tục thuận lợi với visa điện tử (e-visa) như ở Campuchia. Hiện nước duy nhất bị cô lập trong vòng tròn du lịch sôi động nhất ở Đông Nam Á lục địa là chúng ta, Việt Nam.
Là nước có phí làm visa đắt nhất khu vực, thủ tục thực hiện khó khăn nhất, thời gian nộp hồ sơ dài nhất, Việt Nam đang tự trói mình trong vòng kim cô mang tên visa.
Giải tỏa lo ngại
Từng có những lo ngại miễn Visa sẽ làm mất một nguồn kinh phí. Song thực tế như ông Ken Atkison, trưởng nhóm công tác du lịch của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) phân tích, việc lo ngại mất 11 triệu USD tiền phí visa từ khách du lịch là “thiển cận”. Bởi số tiền bù lại mà đất nước thu được từ lượng khách du lịch đông hơn có thể lên đến hàng trăm triệu, thậm chí là cả tỷ đô la Mỹ.
Ước tính của ông Atkinson là cứ hơn 150 nghìn du khách tăng thêm, kinh tế đất nước sẽ thu thêm khoảng 200 triệu USD. Với thuế suất thu nhập doanh nghiệp hiện là từ 20 – 22%, nguồn thu cho ngân sách sẽ rơi vào khoảng 40 triệu USD. Số tiền này thừa đủ để chuyển lại một phần cho Bộ Ngoại giao khi Bộ mất thu nhập từ phí visa (vốn ít hơn 11 triệu USD vì chúng ta miễn visa có chọn lọc, chứ không phải cho toàn bộ các nước).
Một nước Đông Nam Á khác, Indonesia, vừa mới thực hiện chính sách miễn visa cho hơn 30 nước từ đầu năm nay. Quốc gia này kì vọng mời gọi thêm 750 ngàn lượt du khách đến và một tỷ USD doanh thu hàng năm. Trước đó, Indonesia chỉ miễn thị thực cho công dân của 15 nước.
Hai lý do phản đối miễn thị thực mạnh mẽ nhất, không phải từ góc độ kinh tế, là an ninh quốc gia và an toàn sức khoẻ cộng đồng. Nhưng theo tôi, quan điểm đó cũng không mấy thuyết phục.
Miễn visa không có nghĩa là người ta muốn vào Việt Nam lúc nào cũng được. Kiểm soát an ninh hàng không, con đường chính của du khách, phải có hai chiều; và chiều đi ở những nước đề xuất miễn visa (Châu Âu và Bắc Mỹ) đều được siết chặt, hạn chế tới mức tối đa nguy hiểm từ khủng bố hay tội phạm.
Ở cửa khẩu Việt Nam, tôi cũng đã nhiều lần qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài, và thấy rằng hệ thống an ninh của chúng ta cũng rất chặt chẽ và hiện đại. Chúng ta hầu như chưa bao giờ gặp vấn đề an ninh tại sân bay.
Thêm vào đó, miễn visa nhưng du khách vẫn cần hộ chiếu, và với việc thông tin hộ chiếu có thể kiểm tra qua mạng, rủi ro an ninh chắc chắn là không đáng kể.
Dịch bệnh truyền nhiễm cũng không liên quan đến visa. Cần visa hay không, tất cả mọi du khách, kể cả người Việt, khi nhập cảnh vào Việt Nam đều phải thông qua hải quan và nơi kiểm soát dịch bệnh (hay đo thân nhiệt như với trường hợp phòng dịch MERS ở Bắc Á) tại cửa khẩu. Các trường hợp bị nghi ngờ sẽ được giữ lại kiểm tra, bất kể anh có visa, được miễn visa, hay mang hộ chiếu Việt Nam.
Một lo ngại nữa là miễn visa đơn phương liệu có phải là “hạ mình” và làm xấu hổ đất nước? Tôi không cho rằng là như vậy. Du lịch được coi là ngành “xuất khẩu tại chỗ”, và chính sách visa được thực hiện với người dân của các quốc gia khác là để tăng cường hoạt động kinh tế từ các cá nhân, không liên quan gì đến chính quyền.
Nguyên tắc bình đẳng song phương chỉ có trên bình diện các hiệp định giữa hai nhà nước với nhau, và liên quan nhiều đến ngoại giao hơn. Tôi thực sự không nghĩ người Thái, nơi có gần 30 triệu lượt khách mỗi năm, hay Singapore, quốc đảo bé bằng Phú Quốc và có 15 triệu lượt khách đến năm ngoái, thấy “nhục” khi đơn phương miễn visa cho các nước khác.
“Cởi trói” cho chính sách
Bản thân tôi là một người tương đối thích đi du lịch, và cũng có dịp được đi một số nước trên thế giới. Miếng dán visa ở hộ chiếu, đối với tôi, nhiều khi cũng là vật trang trí thú vị để mình nhớ về chuyến đi đến những vùng đất xa lạ. Thậm chí tôi có thể thích nó. Bởi vậy, tôi không ngại xin visa nếu thủ tục thuận tiện, không nhiêu khê, không mất thời gian, và chi phí vừa phải. Tôi chỉ mất tầm hơn 1 tiếng và 30 đô la để làm visa đi Ma-rốc. Tôi nghĩ nhiều khách du lịch cũng có quan điểm tương tự như tôi về visa.
Vậy nên, vấn đề quan trọng trong tranh cãi “miễn hay không miễn” là việc phải làm sao cho hành trình đến Việt Nam trở nên dễ dàng hơn. Cùng với việc mở rộng danh sách các nước được miễn visa, chúng ta cũng có thể cải cách lại thủ tục làm visa như giảm thiểu thời gian chờ đợi, giấy tờ cần nộp, cho phép visa tại điểm đến (visa on arrival), hay visa điện tử (e-visa).
Đó là những cái tối thiểu nhất và dễ làm nhất mà ngành Du lịch có thể thực hiện được. Các nước láng giềng xung quanh ta, gồm cả Lào và Campuchia, đã thực hiện visa on arrival và e-visa từ khá lâu.
Được biết, Việt Nam đã miễn visa đơn phương cho 7 nước là Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Phần Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Nga, miễn visa trên cơ sở có đi có lại với 9 nước ASEAN. Mới đây, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết về việc miễn thị thực có thời hạn đối với công dân nước Cộng hòa Belarus.
Theo thống kê, từ khi miễn visa năm 2014, khách Nhật Bản đến Việt Nam tăng 2,43 lần; từ Hàn Quốc tăng 3,6 lần; từ Nga (từ năm 2009) tăng 7,45 lần… (VnEconomy) |
Theo Vietnamnet