Ghé thăm ngôi chùa có nhiều tượng đất nung cổ nhất Việt Nam
(Dân trí) - Cách Hà Nội 30km về hướng Đông, chùa Nôm thuộc quần thể di tích làng Nôm, thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, là ngôi đại tự có tiếng của phố Hiến. Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố của lịch sử, ngôi chùa vẫn giữ được nhiều nét đẹp cổ kính.
Theo truyền thuyết xưa, chùa Nôm được xây giữa rừng thông cổ thụ, có lẽ vì vậy mà chùa còn có tên gọi khác là Linh thông cổ tự. Không còn ai nhớ chính xác sự ra đời của ngôi chùa, chỉ biết rằng trên hai tấm bia lớn còn lưu lại tại đây thì chùa được xây dựng lại vào năm 1680.
Cổng chùa Nôm - Tam quan được xếp vào hạng to, cao nhất nhì Đông Nam Á. Dù đã trải qua những đợt tu sửa chùa nhưng khu vực Tam quan này vẫn được lưu giữ nguyên vẹn từ trước.
Ở ngôi chùa này, từng trụ cột, kèo bằng gỗ đều rất quý giá vì chúng được làm bằng các loại gỗ quý như lim, sến. Chùa rộng lớn với nhiều khuôn viên, ngoài chùa chính còn có các gian thờ phụ và các hồ nước bao quanh.
Tham quan chùa Nôm, du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng với không gian xanh, yên bình và ngát hương hoa thanh tịnh. Du khách có thể đi dạo vãn cảnh chùa, chiêm ngưỡng vẻ đẹp đầy cổ kính của tháp chuông, lầu trống, soi mình trong hồ nước hay ngồi dưới những tán cây cổ thụ rợp bóng mát.
Ngôi chùa Nôm nổi tiếng xa gần cũng bởi nó sở hữu hơn 122 pho tượng đất nung kì bí. Các pho tượng phật lớn nhỏ làm bằng đất, nằm rải rác khắp nơi với những kích cỡ lớn nhỏ khác nhau.
Các bức tượng được khắc họa với những cử chỉ, nét biểu cảm trên khuôn mặt vô cùng sinh động. Đại đức Thích Đồng Huệ, trụ trì của chùa cho biết, với những nếp nhăn trên áo và một số đặc trưng khác trong tạo tác, các nhà khoa học đánh giá những bức tượng ở đây tiêu biểu cho nghệ thuật khắc tượng thế kỷ 18.
Thầy Thích Đồng Huệ chia sẻ thêm, các tượng phật này có ở chùa đã lâu, chẳng ai nhớ nổi chính xác là từ khi nào. Chỉ biết, dù có trải qua bao phen chìm trong nước lũ vẫn không bị hỏng. "Dân làng ở đây lưu truyền, dù nước ngập đến trôi cả nóc chùa thì cả trăm pho tượng đất vẫn sừng sững, hiên ngang, ngâm nước lâu mà chẳng hề mục nát. Chưa kể, tất cả đều giữ được lớp sơn son thiếp vàng”, thầy Thích Đồng Huệ nhớ lại.
Lý giải cho sức sống lâu bền của các pho tượng Phật, cả thầy Huệ và một số người cao tuổi trong làng cho rằng, đó là do trình độ tạo tác điêu luyện của các nghệ nhân thời xưa, từ khâu dựng cốt, đắp đất, cho đến sự tỉ mỉ, chau chuốt trong việc phủ các lớp sơn dày.
Xuyên qua con đường nhỏ phía hiên chùa, người vãn cảnh sẽ phải ngỡ ngàng với vườn mộ tháp bằng đá ong đang ánh lên những sắc vàng trong nắng hè. Những tháp đá tuyệt đẹp này đã có niên đại hàng trăm năm tuổi.
Lầu Quan Âm nằm ở giữa hồ nước như một đài sen nguy nga, lộng lẫy. Dẫn vào lầu Quan Âm là một cây cầu đá hình cánh cung với những nhịp đầu rồng được chạm khắc tinh xảo.
Nhà thờ Tổ và nhà khách với với không gian rộng lớn, thoáng mát để người dân và du khách thập phương có thể nán lại lâu hơn với chùa Nôm.
Một góc chùa nhìn từ trên cao.
Chiếc trống chùa mới được sơn lại.
Cây cảnh trong chùa đều được cắt tỉa kĩ lưỡng, càng làm tôn thêm vẻ trầm mặc, uy nghi của chùa.
Để đi vào chùa, du khách phải đi qua cây cầu đá gồm 9 nhịp đầu rồng đã có khoảng 200 năm soi bóng xuống dòng sông Nguyệt Đức. Với cảnh quan thiên nhiên đẹp cùng bầu không khí cổ kính, chùa Nôm là điểm đến dành cho những ai yêu thích vẻ đẹp xưa cũ. Đến chùa Nôm, du khách còn có thể khám phá, thưởng ngoạn những nét văn hóa cổ xưa của làng Nôm, một trong những ngôi làng cổ Việt Nam còn được gìn giữ đến ngày nay.
Hướng dẫn đường đi đến chùa Nôm
Từ Hà Nội đến Hưng Yên là một khoảng cách không quá xa. Chỉ cần vượt qua quãng đường khoảng 30km là bạn đã tha hồ khám phá mọi vẻ đẹp của vùng đất yên bình này. Bạn có thể thoải mái lựa chọn các phương tiện như xe khách, xe buýt hoặc phương tiện cá nhân để chủ động hơn.
Nếu đi xe khách, bạn có thể bắt xe ở bến Gia Lâm, Mỹ Đình,… tần suất khoảng 30 phút/1 chuyến với giá vé từ 30.000 – 35.000 đồng
Để tiết kiệm hơn, các bạn có thể bắt chuyến xe bus 205, 208, 209 tùy vào điểm xuất phát. Xe bus đi Hưng Yên hoạt động từ 5h – 22h với tần suất là 20 phút/ chuyến, giá vé khoảng 10.000 đồng.
Còn nếu đến chùa Nôm bằng xe máy, các bạn có thể theo quốc lộ 5, đường 39 hoặc cao tốc Pháp Vân – Yên Lệnh để đến đây.
Một số địa điểm tham quan: Làng Nôm, Khu di tích Đền Ủng, làng nghề chạm bạc Phù Ủng, phố Hiến, đền Chử Đồng Tử,…
Đặc sản ở Hưng Yên: Gà Đông Tảo, nhãn lồng, tương bần, bún thang lươn, cá mòi, ếch om Phượng Tường,…
Hoàng Ngọc