Du lịch thất thủ, nghỉ dưỡng hay hành xác?
Vui là phải đông sao? Vui là phải chen vai thích cánh sao? Vui là phải ùn tắc sao? Nghỉ dưỡng như thế có khác gì đi hành xác.
Cứ vào dịp lễ là các địa chỉ du lịch đều “thất thủ”, đông đến ngạt thở, từ biển lên rừng, hễ là địa chỉ du lịch có tên tuổi là chắc chắn đông nghẹt khách.
Ai cũng biết rõ như thế. Thậm chí còn rất rất nhiều người từng có thâm niên tham gia vào sự đông nghẹt đó.
Năm nào cũng vậy, báo chí thông tin rất kỹ về những địa chỉ thường xuyên “thất thủ” trong dịp lễ 30.4-1.5. Năm nào cũng thông tin.
Và ai cũng biết như thế. Câu hỏi bật ra là, tại sao ai cũng biết như vậy, rằng, những địa chỉ “thất thủ” muôn thuở mà người ta vẫn cứ tới.
Và dịp này, các địa chỉ thất thủ vẫn lặp lại: Bãi tắm Sầm Sơn, Hạ Long, Nha Trang, Vũng Tàu...
Không lẽ càng biết quá tải thì người ta càng muốn lao vào thử cảm giác “hành xác” ra sao ư? Và kết quả là gì, là ca thán, là ngao ngán, là nổi khùng, nổi cáu...
Sau đó là gì, là “cháy” phòng, là tăng giá, là nạn nhân của kiểu phục vụ kém chất lượng kèm theo.
Vui là phải đông sao? Vui là phải chen vai thích cánh sao? Vui là phải ùn tắc sao? Nghỉ dưỡng như thế có khác gì đi hành xác.
Một số bạn bè tôi gọi điện thở dài ngao ngán sau chuyến đi nhưng rồi năm tới, mùa nghỉ tới, lại đi, ào ào theo dòng người bất tận, như một thói quen cố hữu, như là một hành vi khó cưỡng lại, khó thay đổi, khó làm khác.
Người lớn đã vậy, trẻ con nữa, theo bố mẹ, hổn hển trong không khí ngột ngạt của mùa du lịch đông kín người, hoa mắt hoa mũi trong bầu không khí ngột ngạt giữa bãi tắm, trong hang động.
Sau kì nghỉ, vì thế không sảng khoái hơn, không thư giãn hơn bao nhiêu mà lại phải tiếp một kỳ nghỉ khác không mong muốn tại gia để lấy lại sức sau thời gian “nghỉ mát”.
Công việc cơ quan sau thời gian nghỉ dưỡng tới “kiệt sức” ấy khó mà tốt được. Sức khỏe thậm chí còn sa sút vì đi nghỉ dưỡng.
Nghỉ dưỡng theo cách lựa chọn a dua, đám đông, dấn thân vào những điểm nóng ngột ngạt đông kín người như thế không mang lại ích lợi gì ngoài sự tốn kém và hại sức khoẻ, tổn tinh thần.
Biết lựa chọn cho mình và gia đình cách nghỉ dưỡng, cách du lịch phù hợp là ứng xử văn minh, có trách nhiệm.
Nước ta, còn muôn vàn bãi tắm sạch, thoáng, đẹp đẽ. Còn muôn vàn điểm tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp, thư giãn trong cảnh sắc thiên nhiên, tĩnh lặng, thưởng thức những món ăn ngon và sạch, nơi thực sự có những ngày nghỉ êm ả, tĩnh tại và nhiều dấu ấn đẹp. Cớ đâu cứ phải loanh quanh vài điểm đến.
Còn đối với các địa chỉ du lịch quá tải, tôi xin có vài lời: Sinh ra kinh doanh du lịch thì phải đông khách, điều đó không sai.
Nhưng khi khách đông, các địa chỉ du lịch lại cần phải tự lượng sức mình, đừng quá tham, đừng liều mạng, đừng mang thói kinh doanh chụp giật, nhăm nhe “nã đạn” vào hành khách.
Sức chứa bao nhiêu cần bán ngần ấy vé, khả năng phục vụ của anh tới đâu, cần lượng sức ngang đó, làm thế nào mà ngay mùa cao điểm hay thấp điểm, thái độ phục vụ vẫn không thay đổi, giá không đổi, môi trường du lịch không đổi, chỉ như thế mới là kinh doanh du lịch bền vững và gìn giữ thương hiệu.
Hãy nghĩ làm sao để sau mùa du lịch, sau kỳ nghỉ dưỡng, chúng ta không còn nghe thốt lên hai tiếng “hãi hùng”, không còn gieo vấn nạn “thất thủ”.
Mọi thứ sẽ làm được nếu những người quản lý và kinh doanh du lịch biết kiềm chế lòng tham, biết tích lũy lơị nhuận thay vì cơ hội, chụp giật.
Thói quen là điều không phải ngày một ngày hai có thể điều chỉnh.
Chỉ mong, tự mỗi người biết cách tặng cho chính mình một kỳ nghỉ đúng nghĩa, vui, thư giãn và giàu kỉ niệm.
Chỉ mong, sau mỗi kỳ nghỉ dưỡng, sức khỏe tinh thần mọi người tăng lên chứ không phải đi xuống. Như vậy cũng có nghĩa là văn minh và trách nhiệm hơn với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Theo Nguyễn Quang Vinh
Dân Việt