Du lịch Quy Nhơn: Động lực bứt phá, vươn tầm châu Á

Trường Thịnh

(Dân trí) - Theo PGS TS Trần Đình Thiên, TP.Quy Nhơn (Bình Định) có nhiều lợi thế về tài nguyên, con người, bản sắc văn hóa… để phát triển du lịch hiện đại, trở thành điểm đến có sức cạnh tranh toàn cầu.

Phát biểu tại lễ ký kết hợp tác chiến lược "Du lịch Quy Nhơn - Tầm nhìn châu Á", PGS TS Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cho rằng để du lịch Quy Nhơn bứt phá, vượt lên trước thì cần phải có tầm nhìn toàn cầu chứ không phải đặt mục tiêu ở tầm nhìn châu lục.

Buổi lễ này do Tập đoàn Hưng Thịnh, Tập đoàn Tư vấn Quốc tế Boston Consulting Group (BCG) và Vietravel phối hợp tổ chức tại TP Quy Nhơn (Bình Định) vào ngày 9/1 vừa qua.

Sau dịch bệnh là cơ hội

Theo PGS TS Trần Đình Thiên, đặt trong bối cảnh quốc tế hiện nay, du lịch Quy Nhơn nói riêng, du lịch tỉnh Bình Định nói chung có nhiều động lực và cơ hội để vượt lên, trở thành một điểm đến mang tầm quốc tế.

Du lịch Quy Nhơn: Động lực bứt phá, vươn tầm châu Á - 1
PGS TS Trần Đình Thiên phát biểu tại lễ ký kết hợp tác chiến lược "Du lịch Quy Nhơn - Tầm nhìn châu Á"

Năm 2021, Việt Nam cũng như toàn cầu vừa trải qua một năm đau thương do dịch bệnh Covid-19, trong đó khó khăn bậc nhất rơi vào các ngành du lịch, hàng không… Đến cuối năm 2021, cả thế giới bắt đầu thay đổi tư thế của mình, Việt Nam cũng có chuyển động tích cực hơn. Hiện biến thể mới của SARS-CoV-2 là Omicron có động lực yếu nhưng sức lan tỏa nhanh nên khả năng dự báo kháng thể con người sẽ mạnh lên và thế giới vẫn an toàn. Loài người sẽ chiến đấu với dịch Covid-19 không còn trong tâm lý lo sợ như các năm 2020, 2021. Do đó, thế giới sẽ tiến hành mở cửa với tốc độ ngày càng nhanh, kinh tế cũng sẽ phục hồi rất nhanh.

Trong điều kiện dịch bệnh, một cấu trúc du lịch mới của thế giới đang hình thành, nó không ồ ạt kiểu như 1 hướng dẫn viên cầm cờ dẫn theo một đoàn du khách như trước đây mà loài người sẽ đi du lịch theo một cách khác, an toàn và đẳng cấp hơn. Sự thay đổi về cấu trúc du lịch này là động lực mới rất quan trọng để du lịch Quy Nhơn tận dụng, vượt lên trước.

Việc Chính phủ cho phép tỉnh Bình Định mở cửa đón khách quốc tế cũng tạo ra cơ hội rất tốt. Hiện thị trường du lịch nội địa đã phục hồi, nếu mở cửa đón thêm khách quốc tế nữa thì cơ hội cho Bình Đình phục hồi du lịch tăng lên rất nhiều.

PGS TS Trần Đình Thiên cho rằng trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, tỉnh Bình Định đã có sự chuẩn bị rất tốt việc mở cửa du lịch trở lại. Trong 2 tháng qua, tỉnh này nhiều lần tổ chức các sự kiện để khởi động, bàn luận giải pháp mở cửa, phục hồi lại du lịch với sự tham dự của đại diện nhiều doanh nghiệp lớn, chuyên gia về kinh tế… Cũng trong thời gian này, TP Quy Nhơn có sự thay đổi nhanh theo hướng phát triển ngành du lịch đẳng cấp, khác biệt với một số khu du lịch nghỉ dưỡng đã đưa vào vận hành. Ngoài ra, quần thể du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí đẳng cấp quốc tế tại bán đảo Hải Giang của Tập đoàn Hưng Thịnh có quy mô lên đến 1.000 ha với tổng mức đầu tư giai đoạn một là hơn 47.000 tỷ đồng (khoảng 2 tỷ USD), trong đó đã đầu tư hơn 5.000 tỷ đồng vào nhiều hạng mục ưu tiên của dự án đang được triển khai rất nhanh.

Du lịch Quy Nhơn: Động lực bứt phá, vươn tầm châu Á - 2

Bán đảo Hải Giang nơi Tập đoàn Hưng Thịnh đang triển khai quần thể du lịch - nghỉ dưỡng - giải trí đẳng cấp quốc tế.

"Tỉnh Bình Định đã sẵn sàng cho sự mở cửa trở lại của ngành du lịch. Khi chúng ta có tuyên bố mở cửa tích cực ở cấp độ quốc gia thì sẽ có thêm lợi thế. Nó sẽ hội tụ lại với sức mạnh của các địa phương khác ở vùng duyên hải miền Trung thì đây sẽ là tuyến du lịch rất có triển vọng", PGS TS Trần Đình Thiên nói.

Tận dụng tốt lợi thế địa phương

Một lợi thế rất lớn của du lịch Bình Định là có sân bay quốc tế Phù Cát và trong vòng bán kính khoảng 100 km có 3 sân bay khác đều có triển vọng kết nối quốc tế, gồm sân bay Tuy Hòa (Phú Yên), sân bay Pleiku (Gia Lai), sân bay Chu Lai (Quảng Nam). Đây là lợi thế rất lớn, không chỉ để vươn ra tầm châu Á mà còn vươn tầm toàn cầu.

Bản sắc đặc trưng của Bình Định gắn liền với võ thuật, đế đô ngàn năm của các vương triều Chăm Pa, vùng đất khởi nguồn của phong trào nông dân Tây Sơn… cũng là lợi thế phát triển du lịch.

PGS TS Trần Đình Thiên cho rằng các tỉnh duyên hải miền Trung hiện nay có tài nguyên du lịch rất lớn nhưng đây chỉ là tài sản bất động, lợi thế tĩnh, cần phải xác định động lực thì phải "động", tức là con người. Con người có 2 yếu tố quan trọng, thứ nhất là doanh nghiệp, doanh nhân và thứ 2 là người tài.

"Tôi nghĩ Bình Định cũng như nhiều tỉnh miền Trung đang tập trung vào 2 yếu tố này. Hiện đang có cuộc đổ bộ vào duyên hải miền Trung của nhiều nhà đầu tư lớn ở Việt Nam. Riêng Bình Định, ngoài "người con của Đất Võ" là Tập đoàn Hưng Thịnh, còn có sự hiện diện của Tập đoàn FLC, Vietravel và nhiều nhà đầu tư lớn khác… Rõ ràng, Bình Định đang là miền đất hấp dẫn của nhà đầu tư", PGS TS Trần Đình Thiên nói.

PGS TS Trần Đình Thiên cho rằng chân dung du lịch Bình Định đã có 2 tuyến định hình. Thứ nhất là du lịch đẳng cấp cao với một TP Quy Nhơn rất đẹp, gắn với tọa độ du lịch tầm cỡ quốc tế. Thứ 2 là thung lũng sáng tạo Quy Hòa đang đi theo hướng là trung tâm trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Việt Nam, thu hút nhiều nhà khoa học đoạt giải Nobel, cũng như các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đến để dự hội nghị quốc tế. Điều này thể hiện tầm nhìn gắn với thời đại nhưng vượt lên trước của lãnh đạo tỉnh Bình Định.

Theo PGS TS Trần Đình Thiên, dù có nhiều lợi thế nhưng lãnh đạo tỉnh Bình Định còn khá nhiều việc phải làm để đưa du lịch Quy Nhơn trở thành điểm đến mang tầm quốc tế. Trong đó, nổi bật nhất phải là kết nối về giao thông.

"Sân bay ở Bình Định và 3 tỉnh xung quanh là một lợi thế rất lớn, nếu chúng ta có sự kết nối đường bộ cho các sân bay này thì chắc chắn sự bùng nổ sẽ rất mạnh. Nền tảng cơ bản để Quy Nhơn trở thành điểm đến có sức cạnh tranh đã hình thành nhưng cần phải tăng tốc hơn nữa trong xây dựng các công trình phục vụ du lịch đẳng cấp quốc tế, giúp thành phố này có diện mạo du lịch sánh vai với thế giới rõ hơn nữa", PGS TS Trần Đình Thiên đề nghị.

Ký kết hợp tác chiến lược "Du lịch Quy Nhơn - Tầm nhìn châu Á"

Sáng 9/1, tại TP Quy Nhơn (Bình Định), Tập đoàn Hưng Thịnh (TP.HCM) cùng Tập đoàn Tư vấn Quốc tế Boston Consulting Group (BCG) và Vietravel tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược "Du lịch Quy Nhơn - Tầm nhìn châu Á".

Tại buổi lễ, UBND TP Quy Nhơn cùng Tập đoàn Hưng Thịnh và BCG đã ký thỏa thuận xây dựng đề án phát triển du lịch TP. Quy Nhơn đến năm 2030, hướng đến mục tiêu đưa thành phố này trở thành điểm đến hàng đầu châu Á. Đồng thời, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng đã ký kết hợp tác chiến lược toàn diện với Vietravel nhằm thực hiện các chương trình quảng bá, kết nối Quy Nhơn với các thị trường du lịch quốc tế giàu tiềm năng tại châu Âu, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hong Kong… ; đồng thời ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với Trường ĐH Quy Nhơn và Trường Cao đẳng Quốc tế Pegasus triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng đưa Quy Nhơn hiện thực hóa "tầm nhìn châu Á". Theo đó, Hưng Thịnh Land công bố tài trợ 100 tỉ đồng trong 3 năm để hỗ trợ đào tạo, cung cấp 10.000 việc làm trong 5 năm cho lao động lĩnh vực du lịch của Bình Định, thông qua chương trình hợp tác giữa Hưng Thịnh với 2 trường nói trên.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm