Du lịch là một ngành "dịch vụ tinh tế đáp ứng điều du khách cần”
(Dân trí) - Với mục tiêu góp phần kết nối Hậu Giang với cả nước và ra thế giới, trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL, ngày 8/7 tại Hậu Giang đã diễn ra hội thảo “Chung tay làm du lịch nông nghiệp”. Hội thảo do UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Đài Truyền hình Hậu Giang tổ chức.
Liên quan đến ngành du lịch, Tỉnh ủy Hậu Giang đã có Nghị quyết số 09 về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trên cở sở này, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và triển khai đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế quan trọng”.
Theo đề án cơ cấu lại ngành du lịch, sẽ phát triển Hậu Giang trở thành điểm đến hấp dẫn, tiêu biểu về du lịch sinh thái sông nước, sinh thái nông nghiệp của vùng ĐBSCL, với mục tiêu đến năm 2025, thu hút 1 triệu lượt du khách, trong đó có 70.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hơn 1.400 tỉ đồng, tạo việc làm cho 4.200 người dân địa phương.
Ông Đồng Văn Thanh – Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Ngoài việc đầu tư phát triển hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch, Hậu Giang đang tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch, phát triển thị trường, đẩy mạnh quảng bá và xúc tiến du lịch, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng về phát triển du lịch.
Theo ông Thanh, tất cả các việc nêu trên cần được quan tâm đầu tư, liên kết thực hiện bài bản và chặt chẽ cả ở trong và ngoài tỉnh, cả trong nước và với quốc tế. Chính vì vậy, tại hội thảo này, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước, nhà quản lý, doanh nhân và bà con nông dân làm du lịch có cơ hội chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch nông nghiệp trên thế giới và trong nước. Qua đó, đề xuất kế hoạch hợp tác thiết thực để Hậu Giang phát triển được ngành du lịch, nhất là du lịch nông nghiệp.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Đồng Tháp cho biết: Mục đích cuối cùng của phát triển du lịch cũng là vì lợi ích kinh tế. Thế nhưng, phát triển du lịch phải vì niềm tự hào, đam mê của quê hương, xứ sở mới có thể làm bằng sự sáng tạo, đam mê và nhiệt huyết, thì mới bán được nhiều sản phẩm hơn. "Cuối cùng cũng vì mục đích kinh tế, nhưng quan trọng chúng ta đặt ra cái nào trước, cái nào sau", ông Hoan nói.
Theo ông Hoan, du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch độc lập, với các hoạt động canh tác quy mô lớn ở các trang trại tư nhân, khách du lịch có thể trải nghiệm nhiều hoạt động nông nghiệp khác nhau, theo một chu trình khép kín.
Ở Việt Nam, ông Hoan cho biết: “do quy mô canh tác nhỏ, hoạt động sản xuất nông nghiệp thường đan xen với các hoạt động kinh tế khác nên hoạt động du lịch nông nghiệp thường được kết hợp như tham quan ngắm cảnh nông thôn, trải nghiệm văn hóa và cuộc sống người dân địa phương…Du lịch là một ngành "dịch vụ tinh tế đáp ứng điều du khách cần,”, ông Hoan cho biết.
Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty Dịch vụ du lịch Vòng Tròn Việt, Chuyên gia tư vấn phát triển du lịch ĐBSCL cho rằng: ĐBSCL có sản phẩm nông nghiệp, các khu vực nông thôn đa dạng, do đó cần học tập kinh nghiệm từ các nước lân cận về việc xây dựng các tour du lịch trải nghiệm ở nông thôn mang tính riêng biệt nhưng có tính liên kết nhằm tạo thành chuỗi.
Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hội An cho biết, Hội An bắt đầu làm du lịch từ khu phố cổ, và sau đó chinh quyền địa phương nhận ra rằng Hội An không chỉ gói gọn trong 5 km2 của phố cổ mà phải phát triển du lịch trong sự phát triển kinh tế của hơn 80.000 cư dân sống ở địa phương này.
Qua con đường làm du lịch của Hội An, ông Sự rút ra rằng khi địa phương phát triển du lịch, thứ nhất, phải có sự gắn kết giữa cư dân địa phương cùng chính quyền để cùng tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mà chỉ địa phương đó mới có.
Thứ hai, người dân phải biết tận dụng các giá trị tài nguyên thiên nhiên của họ. Ví dụ sông nước, đất đai, con trâu, cánh cò, rừng dừa, bãi biển... để tạo nên sản phẩm du lịch trên chính mảnh đất của họ. Con trâu thông thường dùng để đi cày ruộng, nhưng người Hội An biết dùng con trâu đó để cho du khách đi tắm trâu, cưỡi trâu, cày ruộng... còn người nông dân họ thu được tiền dịch vụ này…
Thứ ba, phát triển du lịch nông nghiệp phải gắn bó với phát triển cộng đồng; bởi, chính cộng đồng làm du lịch, giữ gìn và bảo tồn tài nguyên, tạo nên hồn phách cho những sản phẩm du lịch. Du lịch cộng đồng là ngành kinh tế làm cho người dân cảm thấy gắn bó, bảo vệ tốt môi trường.
Làm du lịch cộng đồng tốt hay không tốt thì không chỉ có doanh nghiệp làm du lịch hưởng lợi hay bị ảnh hưởng mà cả cộng đồng nơi địa phương đó sẽ cùng hưởng lợi hoặc cùng bị ảnh hưởng. Họ đang đi chung trên một con thuyền du lịch, nếu có sóng to gió lớn làm con thuyền chao đảo thì họ cũng bị ảnh hưởng. Nên buộc lòng mọi người phải đoàn kết, chèo chống với nhau, làm cho con thuyền vượt qua sóng to gió cả để đi đến bờ.
Phạm Tâm