Du lịch Hội An cần "rũ bùn" đứng lên, làm mới mình để thu hút du khách
(Dân trí) - Sáng 3/12, TP Hội An đã tổ chức buổi tọa đàm "Bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch Covid-19 vấn đề và giải pháp", tìm cách làm mới, khôi phục du lịch sau dịch bệnh và bão lụt.
Đây là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11), 21 năm ngày khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2020) và 3 năm nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7/12/2017-7/12/2020).
Theo ông Phạm Phú Ngọc - Giám đốc Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, cuối năm 2019, chín tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 diễn ra và kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế - xã hội của Hội An, nhất là ngành kinh tế mũi nhọn du lịch - dịch vụ - thương mại.
9 tháng đầu năm 2020, tổng lượt khách đến tham quan Hội An ước đạt 841.000 lượt, giảm 80,8% so với cùng kỳ và đạt 14,75% kế hoạch. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 722.500 triệu đồng, giảm 80% so với cùng kỳ và đạt 12,68% kế hoạch.
Hiện nay, hoạt động du lịch của thành phố được tổ chức lại nhưng lượt khách đến tham quan rất ít.
Việc không có khách du lịch khiến cho các hoạt động tại khu phố cổ chững lại, nhiều di tích, nhà ở phải đóng cửa. Theo số liệu thống kê được sau đợt dịch lần 1 vào tháng 3/2020, trong tổng số 749 di tích, nhà ở mặt tiền do Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An khảo sát (không tính di tích tín ngưỡng, bảo tàng, cơ quan đơn vị nhà nước) thì chỉ có 155 di tích, nhà ở mở cửa sau dịch.
"Việc đóng cửa lâu dài các di tích nhà cổ sẽ làm tăng nguy cơ cháy nổ, mối mọt côn trùng, lũ lụt xâm hại di tích, nhà cổ trong khu phố cổ do không có người ở, kinh doanh. Chúng ta cần suy tính sâu hơn giữa phát triển du lịch, gắn với bảo tồn di tích, hài hòa với lợi ích kinh tế của người dân, vì Di sản Hội An là di sản sống", ông Ngọc nói.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch TP Hội An, có 3 yếu tố quan trọng của du lịch Hội An là văn hóa - sinh thái - cộng đồng, Hội An là di sản sống vì vậy yếu tố con người, cộng đồng nên đặt lên hàng đầu, từ cốt cách, văn hóa, lối sống. Chúng ta đã thực hiện các đề án Hội An nhân tình thuần hậu, người tốt việc tốt… phát huy đức tính thuần hậu, thân thiện của người dân Hội An, nhưng vẫn chưa đủ.
"Hiện nay, 85% cửa hàng, cửa hiệu tại khu phố cổ không phải do người Hội An đứng ra kinh doanh, mà người từ nơi khác thuê lại. Thời gian đến, chúng ta cần có kế hoạch lâu dài, khuyến khích, động viên, thẩm thấu để người từ nơi khác đến đây họ cũng dần thấm nhuần cốt cách, văn hóa, lối sống đặc trưng của người dân Hội An", ông Nguyễn Văn Lanh nói.
Bên cạnh đó, từ xưa đến nay Hội An chỉ tập trung chủ yếu vào khách quốc tế, lơ là mảng khách nội địa. Đến khi dịch Covid-19 bùng phát, lại lúng túng trong cách phục vụ khách trong nước. Không chỉ hiện nay, mà dù sau đại dịch được khống chế hoàn toàn, thì cần sự hài hòa giữa phục vụ khách quốc tế và khách nội địa, không nên bỏ sót nguồn khách nào.
"Đây là thời cơ cũng là thách thức, ngành du lịch cần nhìn nhận lại những gì hợp lý thì phát huy, chưa phù hợp thì nên sửa đổi, làm mới để tạo nên đặc trưng riêng thu hút du khách. Du lịch Hội An nên làm mới từ cái cũ, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình hiện nay và cả định hướng lâu dài khi đại dịch được kiểm soát", ông Nguyễn Văn Lanh nhấn mạnh.
Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Quảng Nam nhận định, cần chuẩn bị các kịch bản sẵn sàng, phù hợp sau khi đại dịch được khống chế. Nếu chúng ta có điểm đến tốt, dịch vụ tốt, chất lượng sản phẩm tốt và mới lạ, độc đáo thì du khách sẽ tự tìm đến.
Đây là thời điểm chúng ta nhìn nhận lại cách làm du lịch từ xưa đến nay đã hợp lý chưa, cần sửa đổi, bổ sung gì cho phù hợp với tình hình mới. "Dọn nhà" sạch sẽ, từ cơ sở hạ tầng, ẩm thực phù hợp, chuẩn bị cả các yếu tố cần thiết để thu hút du khách đến với Hội An - điểm đến an toàn, thân thiện.
"Hội An đã có sẵn các điểm du lịch tâm linh, văn hóa đặc trưng, chúng ta có nên suy nghĩ đến khai thác sâu hơn mảng du lịch này. Bên cạnh đó, cần truyền thông về những câu chuyện đẹp, ý nghĩa của Hội An, quảng bá hình ảnh đẹp của Hội An đến du khách. Cần có sự ngồi lại giữa cơ quan quản lý nhà nước, các ban ngành văn hóa-kinh tế-du lịch, các doanh nghiệp du lịch, nhà bảo tồn, người làm du lịch… trong đó cơ quan nhà nước đóng vai trò như "nhạc trưởng", người dẫn dắt, chứ không nên mệnh ai người đó thực hiện…", ông Võ Phùng chia sẻ.
Tại buổi tọa đàm, còn có sự chia sẻ của đại diện các di tích làng cổ Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội) và làng cổ Đông Hòa Hiệp (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) về công tác bảo tồn, phát triển du lịch tại đây; cũng như các giải pháp để thích nghi, vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19….
Đến dự còn có sự tham gia của ông Yamada Taiko - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; tổ chức JICA về những hoạt động hợp tác và chính sách hỗ trợ của JICA trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch tại Việt Nam.