Du lịch hậu Covid: Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ là sống còn
(Dân trí) - Việc phát triển du lịch thông minh, đẩy nhanh quá trình số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch sẽ mở ra cơ hội tiếp cận với nhiều du khách, nâng cao trải nghiệm và tiết giảm chi phí.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Chia sẻ tại tọa đàm "Tăng cường hợp tác trên môi trường số, nâng cao trải nghiệm của du khách" diễn ra sáng 16/11, ông Hà Văn Siêu - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho hay, hiện nay, hành vi khách du lịch, từ việc tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ, trải nghiệm tại điểm đến cũng như chia sẻ cảm xúc, kỷ niệm về chuyến đi... hầu hết đều đã diễn ra trên môi trường số.
Sự thay đổi của thị trường, hành vi của du khách du lịch buộc các doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý phải chuyển đổi mô hình, cách thức hoạt động.
"Chuyển đổi số cũng như tăng cường hợp tác trên môi trường số là lựa chọn đúng đắn cho các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng dịch vụ số để nỗ lực duy trì hoạt động nhằm thích ứng linh hoạt, phát triển bền vững", ông Siêu nói.
Bà Huỳnh Thị Mai Thy, Giám đốc Traveloka Việt Nam cũng cho rằng, với dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ của ngành du lịch Việt trong những tháng gần đây, chuyển đổi số là bước tiến tất yếu của du lịch nước nhà, cụ thể là thông qua hình thức du lịch không chạm và du lịch thông minh.
Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ để phát triển du lịch thông minh sẽ giúp thay đổi hình ảnh, nâng tầm thương hiệu và tăng tính cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.
Chia sẻ thực tế câu chuyện chuyển đổi số trong ngành du lịch tại Hải Phòng, ông Vũ Huy Thưởng, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, Hải Phòng đã ứng dụng công nghệ số hỗ trợ khách du lịch, phát triển điểm đến du lịch thông minh.
Hiện Hải Phòng có khoảng 579 cơ sở lưu trú du lịch, với 15.560 phòng, trong đó có hơn 20 khách sạn hạng 4 - 5 sao và tương đương; gần 100 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng website, mạng xã hội, liên kết với các kênh đại lý du lịch trực tuyến lớn để bán sản phẩm và tăng khả năng tiếp cận tới khách hàng.
Sở Du lịch Hải Phòng cũng đã ra mắt sàn giao dịch du lịch trực tuyến Hải Phòng cũng như mở chuyên mục Review Hải Phòng trên nền tảng số để du khách được chủ động đăng bài chia sẻ kinh nghiệm, tạo nên sự tương tác đa chiều và nhanh chóng.
Với sự ứng dụng công nghệ và bắt kịp xu hướng chuyển đổi số, 10 tháng đầu năm 2022, du lịch Hải Phòng đón và phục vụ 6,04 triệu lượt khách, tăng 76,88% so với cùng kỳ, tăng 33,35% so với chỉ tiêu kế hoạch năm 2022, trong đó khách quốc tế là 536.233 lượt, tăng 900,58% so cùng kỳ.
"Cùng với những nỗ lực trong chuyển đổi số, một số sản phẩm du lịch đã tạo hiệu ứng tích cực, có sức hút cao như du lịch thể thao Golf, du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng, đặc biệt là Foodtour Hải Phòng đã tạo được thành công bước đầu về thu hút khách du lịch nhất là đối với giới trẻ học sinh, sinh viên.
Điều đó cho thấy việc đổi mới, chuyển đổi số trong công tác quảng bá xúc tiến du lịch Hải Phòng đã có những kết quả đáng khích lệ", Phó Giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết.
Chuyển đổi số là lựa chọn sống còn
Ông Hoàng Quốc Hòa, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Thông tin du lịch Tổng cục Du lịch nhìn nhận, đại dịch Covid-19 củng cố thêm nhận thức về tầm quan trọng của liên kết, hợp tác trong phục hồi và phát triển du lịch theo hướng linh hoạt và bền vững hơn.
Trong bối cảnh mới, theo ông Hòa cần đẩy mạnh các sản phẩm công nghệ hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.
Việc phát triển du lịch thông minh, đẩy nhanh quá trình số hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch sẽ mở ra cơ hội tiếp cận với nhiều du khách hơn, nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí và tăng hiệu quả kinh doanh.
Để thu hút và nâng cao trải nghiệm của khách du lịch, ông Hoàng Quốc Hòa chia sẻ 4 giải pháp chuyển đổi số gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh số hóa các điểm đến du lịch. Tổng cục Du lịch đã hình thành hệ thống Cơ sở dữ liệu ngành du lịch Việt Nam tại địa chỉ http://csdl.vietnamtourism.gov.vn, trong đó có dữ liệu về các khu, điểm du lịch...
Thứ hai, triển khai áp dụng hệ thống vé điện tử tại các điểm tham quan bằng cách loại bỏ vé giấy truyền thống và thay thế bằng việc sử dụng vé điện tử quét mã QR vào cổng.
Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm công nghệ hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường, 3D, 360 độ... có tính ứng dụng rất cao trong vận hành các lĩnh vực dịch vụ lưu trú du lịch, cung cấp thông tin cho du khách, nâng cao trải nghiệm cho du khách ở điểm đến...
Thứ tư, tăng cường hoạt động giao dịch, thương mại điện tử trong du lịch. Tổng cục Du lịch đã phát triển "Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh", đây là sản phẩm trong chương trình Thẻ Việt - Một thẻ quốc gia do Bộ Công Thương chủ trì.
"Chuyển đổi số là một lựa chọn sống còn cho các tổ chức, doanh nghiệp trong nỗ lực duy trì hoạt động. Các doanh nghiệp du lịch và cơ quan quản lý phải tìm cách cơ cấu lại hoạt động, chuyển hướng mạnh sang các nền tảng giao dịch trực tuyến", ông Hòa nhấn mạnh.