Du khách quay lại Thái Lan vì điều kiện visa tốt hơn Việt Nam?
(Dân trí) - Theo đánh giá của nhiều chuyên gia hiện nay, Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực, đây là “điểm yếu” cần cải thiện. Nếu nới lỏng được chính sách visa, mới tạo ra được “cú hích” cho du lịch trong tương lai.
Phát biểu tại Diễn đàn Du lịch cao cấp sáng 6/12 tại Hà Nội, ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế Tư nhân cho rằng, trong những năm qua du lịch Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước.
Đây là ngành tăng trưởng 2 lần trong nhiều năm qua đóng góp 7,5% GDP và đóng góp gián tiếp 22,5% GDP. Tuy nhiên, theo ông Bình nếu không có sự thay đổi trong những năm tiếp theo thì du lịch Việt Nam sẽ chạm “đến ngưỡng của giới hạn” và khó có thể “cất cánh” như kỳ vọng.
“Du khách quay lại Thái Lan vì điều kiện visa tốt hơn Việt Nam”
Chia sẻ về những yếu tố cản trở du lịch Việt Nam, ông John Lindquist - thành viên Hội đồng cơ quan Du lịch Vương quốc Anh cho rằng, hiện nay, Việt Nam có chính sách thị thực thấp nhất với các nước trong khu vực. Đây là “điểm yếu” cần cải thiện. Nếu nới lỏng được chính sách visa, mới tạo ra được “cú hích” cho du lịch trong tương lai.
Cụ thể, theo tính toán, khi Việt Nam miễn Visa cho Anh, Italia thì tổng lượng khách đến tăng 20%. Chuyên gia này cũng ủng hộ một số đề xuất như Việt Nam có thể bổ sung thêm quốc gia được miễn visa, mở rộng từ 15-30 ngày miễn. Visa quá cảnh tăng lên 72 tiếng- quá trình cấp Visa dễ dàng hơn.
“So sánh với Nhật Bản, 10 năm gần đây, du lịch quốc gia này tăng trưởng mạnh bởi từ năm 2015, Thủ tướng Shinzo Abe chọn du lịch là lĩnh vực quan trọng để phát triển trở lại. Trong một thập kỷ qua, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách như tăng công suất sân bay, nới lỏng visa, tăng ngân sách cho du lịch. Việt Nam có thể học hỏi đi theo hướng này”, ông John Lindquist nói.
Ngoài ra, mức độ chi tiêu của khách quốc tế khi đến Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với khu vực. Khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lai là 9,5 ngày trong khi là của Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD.
Đồng quan điểm, ông Craig Douglas, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group cũng cho rằng visa chính là một “điểm nghẽn” khiến du lịch Việt Nam chưa thể cất cánh. Ông dẫn chứng, nhiều du khách quay lại Thái Lan vì điều kiện visa tốt hơn Việt Nam. "Bạn tôi có người 18 năm chỉ đi Phuket. Điều này cũng đáng suy ngẫm", ông Craig Douglas nói.
Trong phần phát biểu của mình, ngài Gareth Ward - Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam khẳng định, chính sách visa có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách. Theo đó, nước Anh có chính sách chặt để đảm bảo an ninh quốc gia nhưng cũng miễn visa cho 83 nước và có thể gia hạn visa 6 tháng, 5 năm, 10 năm. Việt Nam có thể xem xét hướng này và đưa ra các hính sách visa cởi mở mà không ảnh hưởng tới an ninh.
“Việt Nam có xuất phát điểm tuyệt vời với sự tăng trưởng khách du lịch nhanh. Nước Anh cũng từng thành công trong ngành du lịch khi đứng thứ ba thế giới trong thu hút khách nước ngoài. Hiện, 40 triệu du khách quốc tế đã tới Anh. Việt Nam cũng đang làm tốt nhưng tôi kỳ vọng có thể vươn xa hơn trong việc thu hút du khách”, ngài Gareth Ward.
Với số vốn ít ỏi để quảng bá, Việt Nam cần làm gì để phát triển du lịch?
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam có nhiều nguồn lực du lịch như địa danh, văn hoá, di tích và ẩm thực. Tất cả những điều này đều tạo sức hút và ấn tượng đối với du khách. Tuy nhiên, thời gian tới ngoài việc nới lỏng chính sách visa thì cần cải thiện các dịch vụ để tăng trải nghiệm tốt cho du khách, tăng cường các chính sách quảng bá để thu hút các nguồn đầu tư du lịch dài hạn.
Cụ thể, chia sẻ về kinh nghiệm làm du lịch của Singapore, ông Chang Chee Pey - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Singapore cho rằng, xuất phát điểm của ngành du lịch tại đây khá khiêm tốn. “Năm 1964, có 91.000 du khách đến thăm đất nước Singapore, khoảng 87.000 khách khác đến bằng đường biển. Nhưng nhờ việc theo đuổi ba yếu tố: đa dạng thị trường; phát triển, quy hoạch đề án và bắt kịp xu hướng người dùng, ngành Du lịch Singapore đã phát triển nhanh chóng", ông nói.
Trong đó, điểm nổi bật là việc đa dạng hóa thị trường khách du lịch. Tổng cục Du lịch Singapore có 21 văn phòng đại diện tại các nước. Ông cho rằng, Tổng cục Du lịch Việt Nam có thể cân nhắc việc mở rộng mạng lưới văn phòng du lịch để định hình thị trường.
Nhiều nước trên thế giới như: Australia, Anh, hay các nước khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia... chi tiêu nhiều vào hoạt động quảng bá với hàng chục hoặc hàng trăm triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam mới dành khoảng 2 triệu USD quảng bá cho ngành du lịch. Theo các chuyên gia, đây là một tỷ lệ cần phải cải thiện.
Ông Brent Hill - Giám đốc Marketing, Ủy ban Du lịch Nam Australia dẫn chứng, mỗi năm Australia dành 80 triệu đôla để đầu tư cho ngành du lịch trong đó 40 triệu đôla dành cho tổ chức các sự kiện như đua xe, marketing chiếm phần còn lại. Vị này nói và cho rằng, Việt Nam có thể nghiên cứu tham khảo điều này.
Với vai trò là Trưởng Ban chỉ đạo du lịch Quốc gia, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, Du lịch là ngành nóng liên quan nhiều ngành, nhiều người, mọi cấp độ. "Làm sao để thế giới biết về Việt Nam không chỉ ở những vẻ đẹp tiềm ẩn, chưa khai phá mà còn phát huy những vẻ đẹp truyền thống, đã hiện hữu", Phó thủ tướng đặt câu hỏi.
Các nước có thể chi hàng chục triệu, hàng trăm triệu USD để quảng bá, nhưng Việt Nam chỉ có "một số ít triệu đôla", làm thế nào để sử dụng số tiền này hiệu quả. Theo ông, công nghệ sẽ là lời giải cho bài toán này. Ngành du lịch Việt Nam có thể quảng bá tốt hơn với các công nghệ mới. Việt Nam cần thiết ứng dụng công nghệ thông tin trong việc phát triển ngành du lịch.
"Câu hỏi đặt ra hiện nay là với số vốn ít ỏi, chúng ta phải làm sao để có thể quảng bá và phát triển du lịch Việt Nam", Phó thủ tướng nói. Ông cũng nhắn nhủ hai việc, một là phát triển du lịch cần ưu tiên chất lượng, làm sao để khách du lịch muốn chi nhiều hơn cho những trải nghiệm; hai là phải dùng công nghệ thông tin triệt để.
Hà Trang