Đồng Tháp:
Du khách “đã mắt” với cảnh dỡ chà bắt cá của dân miền Tây
(Dân trí) - Dỡ chà bắt cá được xem là cách bắt cá độc đáo của dân miền Tây. Khi du lịch nông nghiệp lên ngôi, nhiều người dân xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) đã “biến” cách bắt cá truyền thống này thành một dịch vụ du lịch.
Trong khuôn khổ Tuần văn hóa du lịch Đồng Tháp 2019 (diễn ra từ 10 – 14/7) tại TP Cao Lãnh, PV Dân trí theo chân một đoàn khách trải nghiệm dịch vụ “dỡ chà bắt cá” trên sông Tiền.
Như lịch hẹn 9h sáng, đoàn chúng tôi có mặt tại Thuận Tân Hội quán, sau đó được người dân đưa xuống ghe, di chuyển bồng bềnh trên sông Tiền một đoạn để chúng tôi thưởng thức gió sông, bỏ đi cái nắng oi bức, ồn ào của phố thị. Sau đó, chiếc ghe từ từ cặp vào một bãi sông cho chúng tôi trải nghiệm cảnh dỡ chà bắt cá.
Ông Phạm Văn Phong – chủ đống chà cho biết: “Chất chà bắt cá rất dễ làm, vì người dân chỉ cần chọn những nhánh cây đã rụng hết lá sau đó chất xuống sông theo hình chữ nhật hoặc vuông. Tùy theo số nhánh cây nhiều hay ít, đống chà to hay nhỏ khác nhau. Nhưng trước khi chất các nhánh cây xuống sông, người dân trải lưới xuống đáy sông trước, sau đó mới chất chà lên. Xung quanh đống chà, cắm thêm những cây tre bao quanh để chà (các nhánh cây) không bị nước cuốn đi”.
Ngoài ra, ông Phong còn cho biết, vị trí đặt chà là rất quan trọng. Muốn đống chà có nhiều cá, người dân phải chọn những bãi sông êm, tránh có nhiều phương tiện qua lại. Và khi dỡ chà cũng là một nghệ thuật, vì nếu làm động chà quá, cá sẽ đi hết.
Du khách thích thú với cảnh dỡ chà bắt cá ở miền Tây
Theo ghi nhận thực tế của PV, để dỡ chà, chỉ cần 4 -5 người. Công việc đầu tiên là người dân bao lưới xung quanh, sau đó vớt các nhánh cây lên. Khi các nhánh cây được vớt lên hết, người dỡ chà bắt đầu túm lưới lại (theo kiểu nhỏ dần) để bắt cá. Trung bình, mỗi đống chà sau một tháng chất xuống khi dỡ lên bắt được từ 15 - 20kg cá, nhưng chủ yếu là các loại cá cá trắng, như: cá linh, cá mè, cá mề vinh, cá éc…
Anh Bình – một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Nghe từ dỡ chà bắt cá chẳng hiểu là cách bắt cá như thế nào, nhưng hôm nay được chứng kiến và trải nghiệm thì quả là một cách bắt cá “tự nhiên” độc đáo của người dân miền Tây. Theo tôi đây là một dịch vụ du lịch nông nghiệp độc đáo cần phát huy, phục vụ du khách nhiều hơn nữa”.
Câu chuyện dỡ chà bắt cá không chỉ rôm rả trên dòng sông Tiền mà còn kéo dài đến bữa cơm trưa với những món ăn “rặt” đồng, như: cá lòng tong kho tiêu ăn với canh chua cá trê, bông súng; đặc biệt là các loại cá trắng vừa bắt được khi dỡ chà, đầu bếp ướp muối ớt, nướng mọi. Cá chín, thịt cá thơm lừng, ngọt lịm. Khó lòng du khách quên được bữa cơm trưa mát rượi gió sông Tiền.
Đã mắt với cảnh dỡ chà bắt cá của dân miền Tây:
Thường người ta đợi đến nước ròng mới bắt đầu bao lưới và chuẩn bị cho việc dỡ chà
Khai bao lưới xong đống chà, người dân bắt đầu đưa các nhánh chà (nhánh cây) ra khỏi đống chà
Vừa đưa các nhánh chà lên, người dân vừa túm lưới lại
Cá bắt đầu tìm đường tẩu thoát
Cá vào đống chà ở, chủ yếu là các loại cá trắng...
Trung bình một đống chà dỡ lên thu từ 15 - 20 kg cá
Một con cá éc to
Cá trạch lấu cũng hiếm khi bắt được
Một con cá éc khác nặng gần 2kg
Vệ sinh lưới và chuẩn bị đưa cá vào bờ
Khi cá vào bờ các chị em phụ nữ lựa cá và làm sạch cá để chuẩn bị chế biến
Với các loại cá trắng, đầu bếp thường ướp muối ót, nướng nọi như thế này. Khi cá chín, thịt cá thơm lừng ngọt lịm
Nguyễn Hành