Dịch vụ thuê xe đi lễ lạt vào mùa "chặt chém"

(Dân trí) - Mặc cho giá xăng liên tiếp giảm, nhưng các dịch vụ cho thuê xe đi lễ sau Tết vẫn thỏa sức “chặt chém” người dân. Vào những ngày cuối tuần, đẹp ngày giá có thể đội lên 50 -100% so với ngày thường….

"Vì thời điểm trong Tết cả gia đình chưa thống nhất được lịch đi lễ đầu năm nên tôi không thể đặt thuê xe từ trước Tết, đến giờ thì tìm đỏ mắt không thuê nổi xe vì giá thuê quá đắt. Vào những ngày hội chính thì đều hết xe, nếu muốn nhà xe bảo rằng chỉ còn mỗi cách là huy động xe từ nơi khác nhưng khách phải chịu giá gấp đôi thậm chí hơn”, bác Hà, nhà tại quận Cầu Giấy giãi bày về nỗi khổ thuê xe đi lễ đầu năm.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

Nhu cầu du xuân và đi lễ đầu năm đã trở thành một thói quen của người dân. Từ trước Tết Nguyên đán, rất nhiều gia đình đã lên kế hoạch để đi lễ chùa, vừa là đi lễ xin lộc, cầu may cho cả năm, vừa là đi chơi. Theo nhiều công ty, dịch vụ tư nhân cho thuê xe, lượng người thuê xe trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng hiện nay hầu như đã được đặt kín lịch vào những ngày đẹp, ngày cuối tuần với giá cao ngất ngưởng. “Qua tết mới đặt xe thì phải chấp nhận giá đắt chứ biết sao. Mùa lễ hội cái gì chẳng lên giá”, nhân viên tư vấn một công ty chuyên cho thuê xe nói vậy khi khách hàng thắc mắc vì sao giá thuê xe lại cao gấp đôi so với ngày thường.

Cũng theo nhân viên trên, đó là chưa kể đến trong những ngày này, nếu thuê xe khách hàng lại phải trả thêm những khoản phí phát sinh đắt đỏ hơn như tài xế riêng phục vụ theo lịch trình, phí cầu đường bến bãi, chi phí ăn nghỉ tài xế, nếu qua đêm lên đến 500-700 nghìn đồng. Cùng với đó, chi phí phát sinh ngoài chương trình, phát sinh ngoài giờ phụ thu thêm 200 nghìn đồng/giờ. Để thuê được xe, khách hàng phải đặt cọc ít nhất 30% và thanh toán phần còn lại sau khi kết thúc hành trình.

Anh Đinh Văn Huê, Hải Phòng thuê xe 29 chỗ, tổ chức cho đoàn của khu dân cư đi lễ đền Bà chúa Kho và Côn Sơn- Kiếp Bạc. Dự định ban đầu của đoàn là thuê xe 2 ngày, 1 đêm, đi từ 5 giờ sáng ngày 6 tháng Giêng. Liên hệ hết chỗ quen biết không tìm được xe, cả đoàn đành chấp nhận thuê xe đi về trong ngày với giá cao gấp đôi ngày thường.

Anh cho biết, do chủ quan, nghĩ dễ thuê xe bởi quen biết một số chủ xe với lượng xe từ 5 đến 10 chiếc, đủ loại chỗ ngồi nên không liên hệ, ký hợp đồng trước. Mặt khác, đến sát ngày đi mới chốt được số người nên phát sinh, phải thuê loại xe nhiều chỗ ngồi hơn so với dự kiến. Đầu năm không muốn lỡ chuyến nên cả đoàn đành chấp nhận đi về trong ngày. Chuyến đi an toàn nhưng quá gấp gáp, mọi người vừa mệt mỏi, vừa không ưng ý.

Lượng người thuê xe ngày càng gia tăng, trong khi lượng xe cho thuê lại không đủ đáp ứng. Cùng với tình trạng khan hiếm là việc giá cả cũng tăng chóng mặt.Theo một số chủ doanh nghiệp cho thuê xe, thì ngày thường giá cước chỉ bình quân 10.000 đồng/km, hoặc thuê theo ngày thì mỗi xe 24 chỗ mất khoảng hơn 2,5 triệu/ngày, nhưng mùa lễ năm nay giá tăng bất ngờ tăng cao, cá biệt có khách sẵn sàng trả bất cứ giá nào, miễn là có xe.

ảnh minh họa
ảnh minh họa

“Chỗ chúng tôi đã hết xe vào những ngày đẹp, cuối tuần, khách hàng chủ yếu là những khách quen, thường xuyên thuê xe từ trước. Hiện tại tôi đang huy động thêm xe từ các nơi khác, nên giá sẽ cao hơn so với giá của những đơn hàng đã đặt trước”, đại diện một công ty du lịch hiện có trên 20 đầu xe chia sẻ.

Ngoài nhu cầu lễ hội, ra Giêng cũng là thời điểm kéo dài của mùa cưới nên thị trường thuê xe đã “nóng” càng thêm “nóng". Giá thuê xe tuy cao gần gấp đôi ngày thường, nhưng nếu khách hàng không đăng kí trước thì cũng không còn xe. Theo các cửa hàng cho thuê xe tự lái, từ giờ đến đầu tháng Hai âm lịch, vào các ngày thứ Bảy, Chủ nhật hầu như không còn xe cho thuê. Chị Ngọc Anh, đang làm việc tại một công ty du lịch cho biết, mặc dù thuê xe quanh năm của công ty vận chuyển khách, nhưng sau Tết họ vẫn chém như thường mặc dù giá không cao nhưng họ vẫn phải trả giá đội lên so với ngày thường khoảng 30-40%.

Hữu Thắng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm