Đẹp mê hồn những dấu tích tháp Chăm cổ ở Ninh Thuận
(Dân trí) - Ẩn sau vẻ khô cằn, nắng gió của vùng đất Ninh Thuận là sự duyên dáng, quyến rũ với những nét đẹp hoang sơ. Du khách đến đây còn được chiêm ngưỡng những dấu tích tháp Chăm cổ kính với kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc tinh xảo.
Hàng năm vào ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 âm lịch, đúng ngày lễ hội Katê, hàng nghìn người Chăm tổ chức, cúng tại 3 tháp Pô Klông Girai, Pô Rômê, đền Pô Inư Nưgar một cách trang trọng. Trong lễ này, các tu sĩ và người dân sẽ tiến hành các lễ rước từ ngôi làng cách đó 6km lên tháp, làm lễ tắm tượng, mặc trang phục. Lúc này người ta sẽ múa nghi lễ và tấu nhạc dân gian do người Chăm diễn ngay trước tháo để dâng lên vua.
Du khách đến Ninh Thuận sẽ được chiêm ngưỡng những dấu tích văn hóa Chăm độc đáo.
1. Tháp Pô Klông Girai
Tháp Pô Klông Girai là một quần thể gồm 3 ngôi tháp, tháp chính thờ tượng vua Pô Klông Girai, tháo cổng ở phía đông và tháp thần lửa chếch phía nam có mái hình thuyền. Quần thể tháp được bao bởi một khung tường thành. Đây là một công trình thờ cúng song có giá trị nghệ thuật kiến trúc xây dựng và điêu khắc đạt đến mức hoàn mỹ. Tháp chính cao trên 20 mét, nhiều tầng, tầng trên là sự lập lại tầng dưới thu nhỏ cho đến đỉnh là một trụ đá nhọn, biểu tượng là một Linga. Ở các tháp lên dần đều là các ụ vuông nhỏ, các góc có gắn tượng thú bằng đá và các hình ngọn lửa bằng gạch nung.
2. Tháp Pô Rômê
Cách thành phố Phan Rang - Tháp Chám 25km, tháp Pô Rômê là một tháp cổ còn khá nguyên vẹn. Tháp được xây dựng vào thế kỷ 17 trên một ngọn đồi thuộc huyện Ninh Phước. Người Chăm xây dựng tháp để thờ vua Pô Rômê, vị vua có công phát triển nông nghiệp và thủy lợi. Tháp được xây dựng 4 tầng, có một cửa chính có cấu trúc dạng vòm trở thành tiền sảnh, phía trên có gắn phù điêu thần Siva. Ở 3 tầng trên, khắp 4 mặt đều có những vòm cung, có gắn tượng người tương tự ở tầng dưới. Những tượng này tạo cho tháp một vẻ uy nghiêm, trầm mặc. Ở 4 góc của 4 đỉnh có gắn những phù điêu hình ngọn lửa, lên tầng trên là những tượng thú vật nhô ra. Đỉnh tháp là một tảng đá lớn tạc theo hình một Linga. Các trụ đá ở cửa ra vào có khắc chữ Chăm cổ, do thời gian mưa nắng đã bị bào mòn không đọc được. Ngày nay, tháp này trở thành một địa điểm du lịch lý tưởng, du khách có thể chiêm ngưỡng kiến trúc của tháp cùng với thiên nhiên hoang sơ.
3. Đền thờ nữ thần Pô Inư Nưgar
Đối với dân tộc Chăm, nữ thần xứ sở Pô Inư Nưgar là vị thần thiêng liêng nhất trong các vị thần mà họ đang thờ. Đền thờ nằm ở vùng đất gò giữa cánh đồng phía bắc làng Hữu Đức có cấu trúc 3 gian, gian trước có một pho tượng nữ thần bằng đá ngồi trước một tấm bia, hai tay đặt lên hai đầu gối, đầu đồi chiếc mũ hình trụ chóp hơi cong về phía trước. Pho tượng có tên là Pô Bia Attakan, con gái thứ 7 của Pô Inư Narga. Gian trong là hai pho tượng bằng đá đặt cạnh nhau, pho thứ nhất là tượng Nữ thần Pô Inư Nưgar, tạc theo cách ngồi xếp bằng tròn tựa lưng vào tấm bia, bàn tay đặt duỗi lên đầu gối, đầu đội chiếc mũ hình trụ, hơi cong về phía trước. Cho đến ngày nay, người Chăm vẫn tôn sùng bà là vị thần mở mang xứ sở, đem lại cơm no áo ấm cho nhân dân.
4. Tháp Hòa Lai
Cụm tháp Hòa Lai nằm sát quốc lộ 1A, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 15km về phía Bắc. Đây là cụm tháp được xây dựng từ thế kỷ 9. Đây là một quần thể rất có giá trị về kiến trúc và điêu khắc của người Chăm, gồm 3 tháp; tháp Bắc, tháp Giữa và tháp Nam, tuy nhiên tháp Giữa xây dở dang nên hiện nay chỉ còn nền tháp.
Tháp Bắc cao, được xây bằng gạch, mặt tường bằng gạch chạm khắc hoa văn mặt chim, thú, lá hoa.... rất tinh xảo. Tháp Nam cao hơn, cũng được xây bằng gạch, mặt tường gạch được chạm khắc hoa văn nhưng ở dạng đang được phác thảo. Cụm tháp Hòa Lai được đánh giá là cụm tháp rất đẹp, đã làm say lòng nhiều du khách. Tháp có giá trị v ề lịch sử, nghệ thuật kiến trúc và hiện nay tháp đã được trùng tu, tôn tạo.
Song An (Tổng hợp)