Đến với thác Bản Giốc nơi địa đầu Tổ quốc

(Dân trí) - Nằm sát biên giới Việt – Trung, dòng Quây Sơn sau những lối rẽ uốn lượn qua những cánh đồng, làng mạc đã ầm ào đổ nước tạo thành ngọn thác tuyệt đẹp mang tên Bản Giốc.

Những ngày tháng 6, thời tiết đã vô cùng nóng, oi bức và những cơn mưa rào cứ bất chợt đến bật chợt đi không cản được bước chân của những người lữ khách về thăm thác Bản Giốc.

Đi thác vào những ngày mùa xuân, dòng thác đổ như những dải lụa dịu dàng, dưới chân thác là những ruộng hoa tam giác mạch tím hồng xinh xắn, tạo khung cảnh nên thơ trữ tình. Còn đi thác vào những ngày hè, khi dòng Quây Sơn được tiếp thêm nước từ những trận mưa rào hối hả, thác Bản Giốc mới thực sự phô diễn hết vẻ đẹp hùng vĩ và ngoạn mục của mình.
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi.
Núi ấp ôm mây, mây ấp núi.

Từ Hà Nội theo QL3 về Cao Bằng, con đường không khó khăn vì phía Đông Bắc không nhiều đèo dốc như vùng Tây Bắc, đường lại to đẹp và không nhiều xe tải nên quãng đường 300 km thong thả, túc tắc đến chiều là tới thành phố Cao Bằng, nghỉ ngơi chơi tại đây để sớm mai đi tiếp.

Từ Cao Bằng có hai con đường để bạn chọn đến Bản Giốc. Theo Trà Lĩnh – Tổng Cọt hay theo con đường vượt đèo Mã Phục, vượt qua Quảng Uyên. Được đánh giá là một trong những con đèo nổi tiếng nhất miền Bắc, đèo Mã Phục sở dĩ có tên như vậy là vì hai bên đường quốc lộ có hai khối đá vôi, thành dựng đứng chầu vào nhau như hai con ngựa nằm phủ phục. Vượt qua 7 vòng dốc để đến với đỉnh đèo, qua những khúc cua tay áo, những dãy núi thâm thấp nối tiếp nhau, phía bên này dốc trải dài những cánh đồng hoa tam giác mạch tim tím vào mùa xuân và những ruộng ngô xanh rì khi hè tới. Cuộc sống nơi miền sơn cước đơn sơ giản dị. Những ngọn núi nhấp nhô, tiếng mõ trâu lốc cốc, tiếng cười đùa của lũ trẻ đang tắm mát cạnh đập nước, những ngôi nhà của bà con dân tộc Tày, Nùng lấp ló sau màu xanh của cỏ cây, của rừng.

Hoa nở trên đường đến Trùng Khánh.
 Hoa nở trên đường đến Trùng Khánh.

Từ Trùng Khánh vào đến xã Đàm Thủy, con đường chạy sát với dòng sông, nơi khung cảnh hữu tình đến nỗi ai cũng phải dừng lại trong chốc lát để lưu lại bằng mắt. Những guồng nước khổng lồ giã gạo, xa xa là núi, là sông xanh biếc, là trời xanh, là những rặng tre la đà soi bóng xuống dòng sông mát rượi. Cứ thế, đường một bên, sông một bên, những cánh đồng bát ngát một bên suốt 20km dài đến với Bản Giốc.
Dừng chân nghỉ lại trên đường.
Dừng chân nghỉ lại trên đường.

Từ rất xa đã thấy một đám mây khổng lồ treo lơ lửng giữa trời. Càng đến gần, tiếng thác nghe càng ầm ào, dữ dội như những tiếng trống trời đập không ngừng nghỉ. Con đường xuống thác đã trải nhựa đẹp đẽ, không còn phải rẽ lúa đi vào như những năm trước nữa. Dòng sông Quây Sơn (hay còn được gọi là Quy Sơn) hiền hòa uốn lượn qua vô vàn những làng mạc, đem lại nguồn nước dồi dào đổ xuống từ độ cao trên 35m giữa con đường biên giới hai nước, tạo thành dòng thác nổi tiếng. Phần thác chính là thác thấp, nằm phía biên giới Trung Quốc, thuộc tỉnh Quảng Tây. Phần thác phụ - thác cao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Với độ cao 53 m, rộng 300 m, thác có 3 tầng gồm nhiều ngọn thác lớn nhỏ khác nhau. Những khối nước lớn đổ xuống qua nhiều bậc đá vôi, tạo thành một màn bụi nước trắng xóa.

Khung cảnh tuyệt đẹp khi đứng trên đèo Mã Phục.
Khung cảnh tuyệt đẹp khi đứng trên đèo Mã Phục.

Nước bắn từ rất xa, trời như đang trong trận mưa rừng mãi không dứt. Ruộng đồng thẫm nước, cây cỏ thẫm nước, vạn vật thẫm nước. Những cây gỗ, cây tre bắc qua sông thẫm nước, trơn trượt. Màu xanh của lúa, của rừng, màu trắng của thác nước, màu nắng và màu cầu vồng, tạo nên những mảnh ánh sáng đẹp mắt cho dòng thác lớn.

Chúng tôi men theo những bậc đá trơn, trèo lên trên cao. Đứng từ trên cao nhìn xuống dòng thác và dòng sông bên dưới, toàn cảnh thiên nhiên hiện hữu trước mắt. Con đường vào thác Bản Giốc nay đã trở thành con đường du lịch. Nhiều người đã đến với Bản Giốc trong các dịp nghỉ lễ, cuối tuần. Dòng thác vẫn ồn ào đổ xuống, dù có nhiều khách du lịch đến hơn hay quang cảnh thay đổi, thác Bản Giốc vẫn đêm ngày ầm ào nguồn năng lượng bất tận.

Thác Bản Giốc ầm ào đêm ngày.
Thác Bản Giốc ầm ào đêm ngày.

Thác Bản Giốc hôm nay được ghi nhận là thác nước lớn thứ tư thế giới nằm trên một đường biên giới giữa hai quốc gia (sau thác Iguazu giữa Brazil - Argentina, thác Victoria giữa Zambia - Zimbabwe và thác Niagra giữa Canada và Mỹ) và là một trong 10 thác nước kỳ vĩ nhất thế giới theo đánh giá của trang Touropia năm 2015.

Bài và ảnh: Lam Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm